Bộ trưởng quốc phòng Jim Mattis bắt tay tổng thống Donald Trump khi ông Trump tới dự một cuộc họp tại Lầu Năm Góc ở Arlington, bang Virginia, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin AFP, những đánh giá này được ông Mattis nêu ra trong khi nêu các công bố cụ thể về tầm nhìn tương lai của Lầu Năm Góc trong tài liệu chiến lược quốc phòng.
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói: "Chúng ta đang đối mặt với các nguy cơ gia tăng từ các thế lực theo chủ nghĩa xét lại như Trung Quốc và Nga, những nước này đang tìm cách thiết lập một thế giới phù hợp với mô hình cầm quyền của họ".
"Quân đội của chúng ta vẫn rất mạnh, mặc dù lợi thế cạnh tranh của chúng ta đã giảm trên mọi dạng thức chiến tranh - trên không, trên bộ, trên biển, trong không gian và chiến tranh mạng - và vẫn đang tiếp tục giảm", ông Mattis nói thêm.
Tổng thống Donald Trump và chính quyền của ông lo ngại sức mạnh quân đội Mỹ đang trải qua các hệ lụy sau nhiều năm tháng cắt giảm ngân sách và chia tách lực lượng, theo đó cần một sự khởi động lại toàn diện để hồi phục năng lực lý tưởng nhất.
Trong tầm nhìn hướng tới các năm tiếp theo, chiến lược quốc phòng của Lầu Năm Góc tập trung vào các mục tiêu tăng cường quy mô quân đội, nâng cao tính sẵn sàng và hợp tác với các đồng minh, trong khi vẫn tiếp tục duy trì hoạt động quân sự tại nhiều khu vực thuộc châu Âu, Trung Đông và châu Á.
Cũng theo Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, với chiến lược này, ông mong muốn tạo ra sự thay đổi gấp rút ở quy mô đáng kể với quân đội Mỹ.
Ông nói: "Chúng ta phải sử dụng các cách thức tiếp cận sáng tạo, duy trì sự đầu tư ổn định và kỷ luật trong quá trình thực thi để tạo ra được một lực lượng liên quân phù hợp với thời đại chúng ta, một lực lượng có thể cạnh tranh, ngăn chặn và giành chiến thắng trong môi trường an ninh ngày càng phức tạp hơn".
Tuyên bố về chiến lược quốc phòng của Mỹ lập tức nhận được phản ứng từ Nga. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng đây là một chiến lược "gây xung đột".
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở LHQ, ông Lavrov nói: "Thật đáng tiếc khi thay vì đối thoại bình thường, thay vì sử dụng nền tảng luật pháp quốc tế, nước Mỹ lại đang muốn chứng tỏ sự lãnh đạo của họ thông qua những chiến lược và quan điểm gây hấn".
Nguy cơ ở Biển Đông
Tuyên bố chiến lược quốc phòng mới của ông Mattis là sự tiếp tục cụ thể hóa chiến lược an ninh quốc phòng tổng thống Mỹ công bố tháng trước. Đồng quan điểm với tổng thống Mỹ, ông Mattis tiếp tục tập trung bàn về vai trò của Nga và Trung Quốc trong môi trường an ninh toàn cầu.
Ông Mattis viết: "Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược đang sử dụng đòn kinh tế thâu tóm để đe dọa các quốc gia láng giềng trong khi tiến hành quân sự hóa các thực thể tại Biển Đông".
"Nga đã xâm phạm biên giới các quốc gia kế cận và sử dụng quyền phủ quyết của họ với các quyết định về kinh tế, ngoại giao và an ninh của các nước láng giềng với họ", ông Mattis đề cập tới Nga, đồng thời cũng đề cập tới nguy cơ đe dọa hòa bình của Iran và Triều Tiên.
Nga và Trung Quốc là hai nước từng lên tiếng phản đối mạnh mẽ với chiến lược an ninh quốc gia của ông Trump. Trong khi Bắc Kinh cáo buộc Washington "có quan điểm Chiến tranh Lạnh" thì Matxcơva cáo buộc chiến lược đó là "bản chất của chủ nghĩa đế quốc".
Chiến lược quốc phòng của ông Mattis cũng kêu gọi sự hợp tác lớn hơn với các đồng minh của Mỹ: "Chúng tôi hy vọng các đồng minh châu Âu sẽ thực hiện cam kết của họ trong việc tăng chi phí quốc phòng và hiện đại hóa quân đội để củng cố sự liên minh trong bối cảnh ứng phó với những lo ngại chung về an ninh của chúng ta".
Thượng nghị sĩ John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, hoan nghênh nội dung bản chiến lược vừa công bố của ông Mattis vì đã đưa ra được "những quyết định đúng".
Ông McCain nhận định: "Một kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực lớn đã xuất hiện, và chiến lược này đã ưu tiên thực tế đó".
Tuy nhiên chiến lược quốc phòng của ông Mattis không có phần nào đả động tới biến đổi khí hậu, một vấn đề mà dưới thời ông Barack Obama từng được thừa nhận là một nguy cơ an ninh quốc gia.
Ông Trump từng tuyên bố biến đổi khí hậu chỉ là tin đồn và đã quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu lịch sử từng đạt được ở Paris năm 2015.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận