Ông Tập Cận Bình (lúc này là phó chủ tịch Trung Quốc) nói chuyện với ông Joe Biden (lúc này là phó tổng thống Mỹ) trong một hội nghị các thống đốc tại Los Angeles (Mỹ) vào năm 2012 - Ảnh tư liệu: AFP
Những nỗ lực bất thành của Mỹ nhằm vận động Trung Quốc hợp tác ngăn khủng bố tại Afghanistan và chống biến đổi khí hậu sau chuyến thăm Trung Quốc của đặc phái viên John Kerry và cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước gần đây đã khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu Tổng thống Biden có thể thực hiện mục tiêu kép đó? Nếu không thể làm hai việc cùng lúc, ông sẽ chọn ưu tiên nào?
Trọng tâm cạnh tranh chiến lược
Dù tiếp tục khẳng định quyết tâm thực hiện mục tiêu kép, ông Biden đã phát tín hiệu cho thấy mục tiêu cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc đang được ưu tiên hơn.
Đặc phái viên Kerry đã khẳng định "vấn đề khí hậu là thường trực, không dùng để đánh đổi với các vấn đề mà Mỹ - Trung có sự khác biệt quan trọng".
Mỹ khẳng định sẽ xử lý quan hệ với Trung Quốc từ thế mạnh, theo phương châm 3C - "cạnh tranh khi cần thiết, hợp tác khi có thể và đối đầu khi bắt buộc" - dựa trên 3 trụ cột là củng cố sức mạnh Mỹ, hợp tác với đồng minh, đối tác và phát huy vai trò các thể chế quốc tế.
Xử lý các thách thức từ Trung Quốc đã trở thành vấn đề trọng tâm của Mỹ trong các trao đổi song phương, trong các hội nghị đa phương và nhiều bên với G7, NATO, EU, QUAD...
Việc rút quân khỏi Afghanistan vừa rồi khiến Tổng thống Biden hứng chịu nhiều chỉ trích. Song nó cũng cho thấy quyết tâm của Washington muốn chấm dứt di sản trong quá khứ để tập trung nguồn lực cho ưu tiên thiết thực hơn, đó là cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc.
Mặc dù chủ trương đã xác định, song quá trình triển khai chính sách của Mỹ đang đối mặt một số khó khăn đòi hỏi Washington phải nhìn nhận mục tiêu này trong tổng thể các mối quan tâm và điều chỉnh theo những biến chuyển của tình hình thế giới.
Các thách thức toàn cầu như khủng bố, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... ngày càng phức tạp, đòi hỏi các nỗ lực chung để giải quyết. Nhu cầu thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề toàn cầu sẽ ảnh hưởng nhất định đến chủ trương tăng cường cạnh tranh chiến lược của Mỹ với Trung Quốc.
Sau khi Mỹ rút toàn bộ binh sĩ khỏi Afghanistan, chính quyền của ông Biden rất cần hợp tác với Trung Quốc để cùng tác động tới Taliban nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố.
Là hai quốc gia phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới, để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Scotland vào tháng 11-2021 (COP 26), Mỹ cũng đang tích cực thúc đẩy Trung Quốc thực hiện cam kết theo các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc dù hoan nghênh hợp tác song lại tỏ thái độ đặt điều kiện, cho rằng sự phối hợp trong các vấn đề chung lợi ích không nên tách rời các vấn đề khác.
Từ cuộc gặp Alaska đến cuộc gặp Thiên Tân, gần đây là chuyến thăm Trung Quốc của đặc phái viên về biến đổi khí hậu John Kerry và cuộc điện đàm giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đều có những phát ngôn cứng rắn, thể hiện sự quyết đoán khi bảo vệ lợi ích trong các vấn đề được coi là "ranh giới đỏ".
Ngoại trưởng Vương Nghị cảnh báo căng thẳng Mỹ - Trung có thể làm suy yếu nỗ lực hợp tác về biến đổi khí hậu, rằng Washington không thể trông đợi sự hợp tác trong vấn đề Afghanistan nếu cố gắng kiềm chế hay gây tổn hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của Trung Quốc.
Trong khi đó, bất cứ sự cố nào xảy ra trong tương lai, nếu đe dọa trực tiếp đến an ninh an toàn của Mỹ và các nước đồng minh, ví như các cuộc tấn công từ các lực lượng khủng bố tại Afghanistan, đều có thể khiến Mỹ xao nhãng ưu tiên cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Triển vọng thời gian tới
Trên thực tế, ít có khả năng chính quyền của ông Biden đánh đổi việc xử lý các vấn đề toàn cầu để giảm mức độ cạnh tranh với Trung Quốc. Vì điều này sẽ làm giảm sút lòng tin của đồng minh, đối tác, gây nghi ngại trong nội bộ Mỹ và thế giới về cam kết đối ngoại của Mỹ.
Thay vào đó, Mỹ sẽ tiếp tục tập trung vào ưu tiên cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc, duy trì cách tiếp cận độc lập với các vấn đề khác biệt và các vấn đề toàn cầu chung lợi ích.
Những kết quả trong xử lý thách thức toàn cầu chủ yếu vẫn dựa trên nền tảng hợp tác giữa Mỹ với đồng minh, đối tác.
Rút kinh nghiệm từ bài học tại Afghanistan, phía Mỹ sẽ tăng cường tham vấn, phối hợp với các nước khi xử lý các vấn đề toàn cầu và trong các bước đi cụ thể với Trung Quốc nhằm duy trì mức độ tin cậy về cam kết của Mỹ.
Việc nâng cao hiệu quả và hiện thực hóa các mục tiêu toàn cầu sẽ phụ thuộc vào thái độ hợp tác và sự thực hiện các cam kết của Trung Quốc.
Washington sẽ nhấn mạnh hơn đến chính lợi ích của Bắc Kinh cũng như trọng trách của các nước lớn trong xử lý thách thức toàn cầu (giống như đề nghị Matxcơva hợp tác về kiểm soát vũ khí hạt nhân).
Dù vậy, những điều chỉnh (nếu có) theo hướng giảm căng thẳng hay hòa hoãn với Trung Quốc có thể chỉ mang tính tạm thời, khó đảo chiều xu hướng cạnh tranh chủ đạo.
Tổng thống Biden hẳn sẽ có rất nhiều việc cần làm trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ để biến những mục tiêu nói trên thành hiện thực.
Ông Biden mời lãnh đạo QUAD tới Nhà Trắng
Ngày 13-9, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết các lãnh đạo trong "Bộ tứ kim cương" (nhóm QUAD) - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc - sẽ gặp nhau tại Nhà Trắng (Mỹ) vào ngày 24-9.
Đây sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison.
Tháng 3 năm nay, các nhà lãnh đạo nhóm QUAD đã họp trực tuyến. Trong đó, họ cam kết hợp tác chặt chẽ về các vấn đề vắc xin COVID-19, khí hậu cũng như đảm bảo khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở trước các thách thức từ Trung Quốc.
BÌNH AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận