23/02/2019 09:25 GMT+7

Chiến lược Byungjin của Kim Jong Un

QUỲNH TRUNG - NHẬT ĐĂNG
QUỲNH TRUNG - NHẬT ĐĂNG

TTO - Di sản quý giá nhất mà nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un để lại, nếu mọi thứ đi đúng hướng, có lẽ sẽ là chiến lược Byungjin, phát triển song song lĩnh vực vũ khí hạt nhân và kinh tế.

Chiến lược Byungjin của Kim Jong Un - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong một lần ra đồng chỉ đạo về phát triển nông nghiệp - Ảnh: Reuters

Ngày 31-3-2013, tại một phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Jong Un và Đảng thông qua chiến lược Byungjin, tức chính sách phát triển song song hai lĩnh vực vũ khí hạt nhân và kinh tế.

Việt Nam sẵn sàng chia sẻ với Triều Tiên kinh nghiệm xây dựng đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trên cơ sở các đề nghị của Triều Tiên.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu trong chuyến thăm chính thức Triều Tiên từ ngày 12 đến 14-2.

Ưu tiên kinh tế

Trong số các ưu tiên của chiến lược này, có một điểm đáng chú ý: "Một phương pháp để thúc đẩy xây dựng kinh tế và nâng cao mức sống cho nhân dân, trong lúc đẩy mạnh khả năng quốc phòng mà không gia tăng ngân sách quốc phòng".

Điều này có nghĩa rằng cách đây 6 năm, ông Kim Jong Un đã có chiến lược hẳn hoi để đạt tới đỉnh của Byungjin. Trên đỉnh cao ấy, Triều Tiên đã hoàn thành mục tiêu phát triển quốc phòng, cụ thể là năng lực hạt nhân, và vì vậy giai đoạn tới sẽ là phát triển kinh tế dựa trên đà phát triển song song đã có. Đấy chính là lúc kinh tế được nâng lên một mức, vốn dĩ đảm bảo tỉ lệ chia ngân sách cho quốc phòng không tăng thêm nữa mà vẫn đủ khả năng duy trì năng lực quốc phòng.

Nguyên đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên Dương Chính Thức cho rằng hiện tại, Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un đang đặt ưu tiên cao nhất để phát triển kinh tế. "Tôi cho rằng sẽ không có chuyện Triều Tiên hoàn toàn không tập trung vào việc phát triển vũ khí và quân sự nữa. Tại Đại hội Đảng năm 2017, họ đã thay đổi khẩu hiệu. Trước đây là ưu tiên, đưa quân sự lên trên hết thì bây giờ là kinh tế xong rồi đến quân sự.

Tôi nghĩ rằng đến một mức nào đó, nếu hai bên thỏa thuận được với nhau, từng bước bình thường hóa quan hệ, Mỹ bỏ cấm vận, bỏ trừng phạt, tạo điều kiện cho Triều Tiên phát triển kinh tế, rồi hội nhập với thế giới bên ngoài thì vũ khí hạt nhân khi ấy không cần thiết nữa".

Học hỏi mô hình kinh tế Việt Nam?

Ngay sau hội nghị thượng đỉnh liên Triều tháng 4-2018, truyền thông quốc tế, đặc biệt là truyền thông Hàn Quốc, bắt đầu đặt vấn đề Việt Nam có thể là mô hình phát triển kinh tế phù hợp cho Triều Tiên.

Nhận định trên Diplomat mới đây, nhà nghiên cứu chính trị quốc tế Nguyễn Việt Phương cho rằng nếu như ông Kim Jong Un đồng ý gặp ông Trump lần đầu vào giữa năm 2018 để giảm thiểu nguy cơ an ninh và thu hút tối đa truyền thông, thì việc Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức thượng đỉnh lần 2 có thể được hiểu là ông Kim muốn gửi đi thông điệp đến cộng đồng quốc tế và người dân trong nước rằng Triều Tiên quyết tâm cải cách kinh tế theo hướng Triều Tiên mong muốn trở thành "một người bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế".

Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ ngay sau thượng đỉnh Trump - Kim lần 1 ở Singapore, đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Hyun chia sẻ: "Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã nói sẽ nỗ lực để Triều Tiên hội nhập cộng đồng quốc tế và phát triển kinh tế. Chẳng phải đối với một quốc gia, điều quan trọng nhất là người dân được sống ấm no, hạnh phúc?".

Theo đại sứ Kim Do Hyun, giờ là thời đại của địa chính trị, thời đại cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Có thể thấy Triều Tiên cũng đã bắt đầu nhận ra mô hình Việt Nam là mô hình phát triển kinh tế quốc gia hiện thực nhất, hiệu quả nhất để nới lỏng các biện pháp trừng phạt, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế quốc dân.

"Có thể nói mô hình của Việt Nam vô cùng hấp dẫn ở điểm Việt Nam đã giảm thiểu tác dụng phụ của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường. Các chuyên gia cũng đánh giá cao kinh nghiệm vừa đảm bảo ổn định chính trị, vừa không ngừng phát triển kinh tế của Việt Nam" - đại sứ Hàn Quốc phân tích.

40 tướng Mỹ về hưu ủng hộ ông Trump tiếp tục ngoại giao với Triều Tiên

TTO - Các cựu tướng lĩnh quân đội Mỹ cũng đánh giá cao ông Kim Jong Un, mô tả "giống như ông và cha của mình, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên không phải kiểu người phi lý hay không thể đoán được mục đích".

QUỲNH TRUNG - NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên