Chiến dịch tiêm chủng: Giữa hiệu suất và công bằng

TRUNG TRẦN 09/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Vào thời điểm đầu tháng 6, khi dịch bùng phát trở lại và những lô vaccine đầu tiên được tiêm đại trà, rất nhiều người đã tâm tư rằng giá mà vaccine về sớm hơn và được tiêm nhanh hơn thì công cuộc chống dịch sẽ bớt gian nan, tổn thất hơn. Đấy là những ý kiến hợp tình, nhưng cũng phải thấy Chính phủ và các cơ quan hữu trách đã làm hết sức, để ngay từ giữa tháng 6, câu chuyện vaccine không còn là có bao nhiêu - mà là tiêm được bao nhiêu.

 
 Ảnh: Nikkei Asia

Sài Gòn với số lượng cần tiêm là 70% dân số để đạt miễn dịch cộng đồng như các tổ chức và chuyên gia y tế khuyến cáo, sẽ rơi vào số lượng mũi tiêm khoảng 13 - 14 triệu, cho gần 7 triệu dân, mỗi người 2 mũi.

 Năng lực triển khai

Trong đợt tiêm thứ 5, với mục tiêu 930.000 mũi trong vòng 3 tuần và khả năng là sẽ đạt chỉ tiêu, thì tốc độ tiêm mỗi ngày trung bình vào khoảng 45.000 mũi. 

Con số này thấp hơn khả năng kỳ vọng của thành phố là 80.000 - 100.000 mũi. Nếu đạt được ít nhất 80.000 mũi trung bình mỗi ngày, thành phố cần 6 tháng nữa cho mục tiêu 14 triệu mũi.

Để một mũi tiêm được thực hiện, quy trình thật không đơn giản. Từ tiếp nhận vaccine, lưu trữ, vận chuyển trong các điều kiện kho bãi đặc biệt, tới lên danh sách, lập các địa điểm tiêm, huy động đủ nhân sự cho mỗi điểm tiêm bao gồm ít nhất 2 nhân viên y tế và 3 nhân viên hỗ trợ, rồi sàng lọc, theo dõi... 

Để hiểu rõ hơn về nguồn lực tăng thêm nhằm đáp ứng mục tiêu tiêm chủng hoàn thành trong vòng 12 tháng, có thể tham khảo con số tiêm chủng hằng năm của Việt Nam hiện là 19 mũi cho 1,6 triệu trẻ em, tức khoảng 30 triệu lượt tiêm tổng cộng, bằng khoảng 1/4 số liều tiêm vaccine COVID-19 đủ để miễn dịch cộng đồng.

Điều đó đồng nghĩa là năng lực hệ thống y tế phải ở mức công suất 500% so với thông thường, trong tình trạng đã bị chia mỏng ra cho các yêu cầu phòng dịch, dập dịch, giãn cách, điều trị... 

Nói ví dụ, nếu một nửa nguồn lực của hệ thống y tế hiện dành cho những việc đó, thì đồng nghĩa năng lực tiêm chủng sẽ phải đáp ứng một nhu cầu gấp... 10 lần so với thông thường. Tất cả cho thấy áp lực và nỗ lực của ngành y tế hiện nay là khủng khiếp thế nào!

Riêng việc thông tin để người dân đến địa điểm tiêm đúng giờ, không quá sớm gây ách tắc, không quá muộn sẽ trễ lượt đã là một kỳ công trong bối cảnh lực lượng y tế và công quyền ở nhiều địa phương đang phải căng ra quá mỏng cho công tác phòng dịch khẩn cấp. 

Với người dân, việc sắp xếp đi tiêm vaccine cũng không phải là dễ dàng.

Ví dụ như ngày mai đến lượt tiêm, chiều nay mới nhận thông báo, và trong chiều hôm đó, khu phố, tòa nhà có quyết định phong tỏa. 

Cả người dân lẫn chính quyền địa phương đều gặp khó vì các trường hợp đột xuất như thế. Các điểm tiêm chủng, vì vậy cũng rơi vào tình trạng nơi rất đông, nơi thì vắng, vaccine tiêm trong ngày nơi không đủ, nơi không hết, phải bỏ.

Vai trò và tác dụng của công nghệ thông tin ở đây vô cùng lớn. Yêu cầu có được một danh sách đầu vào đồng bộ và đầu ra gần với thời gian thực là điều mà những người trong cuộc đã biết trước, nhưng vẫn không thể thực hiện hiệu quả.

Dữ liệu y tế cá nhân, định danh công dân số, tất cả những dữ liệu quan trọng đó, ít nhiều đã có, nhưng việc chuẩn hóa thành dữ liệu đầu vào cho danh sách tiêm chủng, thật không may, đã không như mong đợi. 

Lấy ví dụ, một người dân hiện có thể có tên trong tới 3 - 4 danh sách đăng ký: trên cổng thông tin quốc gia, đăng ký ở công ty, đăng ký ở tổ dân phố... 

Riêng xử lý danh sách ảo này như thế nào đã là một câu chuyện đau đầu. Không loại trừ sau những hô hào về 4.0, AI, thành phố thông minh..., danh sách cuối cùng vẫn phải là những bảng kê giấy do từng tổ dân phố tự thu thập!

Công bằng hay hiệu suất?

Câu chuyện ai được tiêm và ai chưa được tiêm là một nan đề, đã xảy ra nhiều nơi trên thế giới - và sẽ còn xảy ra. Việc đảm bảo công bằng và tuân thủ thứ tự ưu tiên là điều mà cả xã hội mong muốn. 

Tuy nhiên hiện tượng tận dụng các mối quan hệ quen biết, sử dụng thế mạnh, khả năng tài chính và các lợi thế có được - chẳng hạn do thành tích đóng góp nhân tài vật lực cho công cuộc phòng chống dịch - để lọt vào danh sách tiêm chủng, dù muốn hay không, cũng đã xảy ra.

Nó gây ra hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng đấy là vi phạm đạo đức và xâm phạm sự công bằng, cướp đi cơ hội được tiêm của những người yếu thế khác. 

Một bên lại nói, trong khi xuất hiện điểm nghẽn dẫn đến sự chậm chạp trong sự triển khai lượng vaccine hiện có, thì việc phân phối hợp lý để tận dụng các nguồn lực ngoài nhà nước nhằm gia tăng nhanh số người được tiêm là điều không đáng lên án, mà ngược lại, cần được khuyến khích.

Thực tế thì có thể hy vọng càng về sau việc tiêm chủng sẽ càng mở rộng và vấn đề đạo đức đặt ra cho thứ tự ưu tiên phải được tuân thủ, và việc chen hàng có lẽ không còn là chủ đề hot. 

Nếu nhìn nhận vấn đề theo hướng 90% vaccine sẽ được tiêm theo thứ tự ưu tiên, 10% còn lại giải quyết các trường hợp khác - bao gồm các trường hợp khẩn cấp và phân bổ tương ứng với nguồn lực, thì các câu hỏi về đạo đức và công bằng sẽ bớt nặng nề hơn.

Xét cho cùng, việc tiêm chủng không chỉ mang lại lợi ích cho người được tiêm, mà còn có ngoại tác tích cực với toàn thể xã hội. 

Thứ tự tiêm chủng do đó không nhất thiết là một cuộc cạnh tranh có tổng bằng không. 

Trong khi đúng là cơ hội được tiêm của một người yếu thế sẽ bị tước đi khi một đối tượng không ưu tiên chen ngang, thêm một người được tiêm không chỉ khiến cơ hội đến lượt gần hơn một chút với tất cả mọi người, mà còn giúp tiến thêm một bước tới miễn dịch cộng đồng.

Đây là một nan đề đạo đức không hẳn có thể quả quyết đúng sai, tốt xấu ngay lập tức. Vấn đề là những người có trách nhiệm điều phối vaccine phải tạo ra được một mức độ tin tưởng nhất định trong dân chúng. 

Thật ra, nếu nhìn ra khỏi Việt Nam, những nỗ lực ngoại giao vaccine khá quyết liệt thời gian qua của Chính phủ và toàn thể hệ thống chính trị cũng chính là để giành về quyền được tiêm vaccine trước cho người Việt. 

Như thế, đối với các nước khác đang bị dịch trầm trọng hơn, là đứng trên quan điểm công bằng hay hiệu suất? Hỏi cũng tức là trả lời.

Cuối cùng, tình trạng sợ tiêm hay lựa chọn vaccine là vấn đề có thật. Mặc dù những quan điểm đấy đôi khi trái khoa học và y đức, không ít người ngần ngại đến điểm tiêm chủng vì sợ phản ứng phụ, một phần bởi quá nhiều thông tin mang tính hù dọa trên mạng xã hội. 

Không loại trừ khả năng sắp tới sẽ có nhiều người từ chối tiêm vì không đúng loại vaccine họ mong muốn. Xin mượn một câu trả lời của một vị tiến sĩ y khoa trong buổi tư vấn online: “Tiêm vaccine là đem lại lợi ích cho bản thân, xã hội và vaccine tốt nhất là loại vaccine mà bác sĩ đang chuẩn bị tiêm cho bạn!”.

Sài Gòn đã lúng túng khi triển khai các biện pháp phong tỏa, kiểm soát cách ly, đã không thành công trong giải pháp “3 tại chỗ”. 

Vaccine và tiến độ tiêm chủng đang là biện pháp mà chính quyền và nhân dân thành phố đồng lòng nhất, và cũng được cả nước ủng hộ. 

Dồn vaccine nhiều nhất, tiếp ứng nhân sự và thiết bị y tế từ khắp cả nước về cho Sài Gòn, đẩy nhanh tiến độ tiêm sau những vướng mắc, chồng chéo ban đầu, tổ chức đa dạng các hình thức và đội nhóm tiêm chủng... sẽ là chuyện đáng tập trung nhất, phải làm nhanh nhất trong bối cảnh hiện tại.

Cứ mỗi ngày qua, số người được tiêm vaccine lại tăng thêm. Nếu bạn vừa được tiêm, xin chúc mừng. Còn nếu chưa thì cũng hãy lạc quan hơn lên, danh sách tiêm vaccine có tên bạn chắc chắn là đang ngắn đi từng ngày!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận