23/01/2005 07:00 GMT+7

Chiếc xe thổ mộ và nỗi ngậm ngùi!

MAI PHƯƠNG
MAI PHƯƠNG

TTCN - Sài Gòn trước năm 1960. Anh cả tôi và tôi dắt díu nhau từ quê Sa Đéc lên Sài Gòn bươn chải kiếm sống. Nơi đây đã ghi khắc trong tôi bao kỷ niệm mà mỗi lần nhắc nhớ lại, tôi không tránh khỏi bồi hồi; trong đó có hình ảnh một chiếc xe.

lvoyOCuF.jpgPhóng to
TTCN - Sài Gòn trước năm 1960. Anh cả tôi và tôi dắt díu nhau từ quê Sa Đéc lên Sài Gòn bươn chải kiếm sống. Nơi đây đã ghi khắc trong tôi bao kỷ niệm mà mỗi lần nhắc nhớ lại, tôi không tránh khỏi bồi hồi; trong đó có hình ảnh một chiếc xe.

Đó là chiếc xe thổ mộ lướt trên đường phố Sài Gòn năm xưa, với người đánh xe ngựa trung niên lam lũ chất phác cùng một con ngựa khôn ngoan, khỏe đẹp. Đã có vài cách giải thích cái tên gọi “xe thổ mộ” song vẫn chưa xuôi tai, chưa thuyết phục. Chiếc xe ngựa kéo có cái tên gọi lạ lẫm này đến với hai anh em tôi hồn nhiên, thân thiết như người bạn chí tình, gắn bó với tôi trong niềm vui, chia sẻ cùng tôi bao nỗi niềm của kẻ tha phương cầu thực.

Thường xuất phát từ vùng ngoại thành Gia Định, Củ Chi, Hóc Môn, Bà Điểm… chiếc xe xuôi ngược trong nội thành. Ẩn nhẫn, khiêm hòa, xe thổ mộ “hòa mạng” trên đường Sài Gòn không mấy khó khăn, lại không bị cạnh tranh ác liệt vì thời đó chưa đông dân, chưa có cảnh “loạn xe cộ” ồn ào như ngày nay. Chiếc xe thổ mộ nhỏ, thô sơ có cái mui khum khum giống như mui chiếc ghe bầu thường qua lại trên sông nước quê tôi (không giống nấm mộ như cách người ta giải thích từ “thổ mộ”- nghe ớn quá!). Xe được đóng bằng ván gỗ, đôi bánh to rộng vành cũng bằng gỗ; bao quanh bánh xe là lớp cao su dày cứng.

Xe có thể chở 8-10 hành khách, hoặc chở hàng hóa rau cải bông hoa độ vài ba trăm ký. Xe không có băng ghế cho khách ngồi, chỉ gọn lỏm một sàn xe trải lên chiếc chiếu bóng. Khách đi xe cùng nhau “an tọa” trên sàn xe, túm tụm co chân bó gối suốt hành trình.

Phần đông khách đi xe thổ mộ - với giá cước rẻ nhất - là các bà, các chị buôn gánh bán bưng, một số công nhân lao động, các học sinh nghèo nhà ở xa trường lớp, và những người rỗng túi, không đủ tiền sắm nổi chiếc xe đạp cà tàng làm chân đi. Trong số hành khách... khổ hạnh này, có hai anh em tôi. Anh cả tôi và tôi là khách “trung thành”, “ái mộ” nồng nhiệt xe thổ mộ, vì sớm chiều phải nhờ xe tiếp bước đi vào đời để có miếng cơm manh áo và dành dụm chút ít gửi về giúp cha mẹ già chật vật ở quê.

Chiếc xe thổ mộ còn ghi đậm một kỷ niệm không tan biến suốt đời tôi. Trong một buổi chiều mưa lất phất, thành phố chưa lên đèn, anh cả tôi vội vã leo lên chuyến xe cuối trong ngày. Chiếc xe thổ mộ ấy đã đưa anh tôi đến vùng ngoại thành xa xôi để vào khu kháng chiến! Anh tôi bí mật ra đi nhờ một chiến sĩ liên lạc bí mật dẫn đường, mà sau đó tôi được biết là chú đánh xe thổ mộ quen thuộc có nét mặt khắc khổ, có đôi mắt trong sáng, nụ cười hồn hậu.

Sau đó không lâu, từ chiến trường anh nhắn tin về, động viên tôi rời Sài Gòn trở lại quê nhà tham gia hoạt động phụ nữ Đồng Tháp, vừa tiện cho tôi được gần gũi chăm sóc gia đình phần nào. Anh em tôi tin qua thư lại cho nhau thường xuyên. Tôi được biết anh vào đơn vị chiến đấu mới vùng ven đô Sài Gòn, rất hăng say và quả cảm. Lá thư nào anh cũng nhắc nhở tôi học tập, rèn luyện tư tưởng phẩm cách để hoạt động cách mạng hữu hiệu. Phần cuối thư bao giờ anh cũng nhắn: “Khi nào em cưới chồng, phải báo cho anh biết liền em nhé. Sẽ có quà mừng đặc biệt cho em gái cưng đấy”.

Thế rồi hung tin bất ngờ đến với tôi: sau hai năm ở chiến khu Sài Gòn, anh cả tôi đã anh dũng hi sinh trong một trận chống càn ác liệt. Đau đớn tột cùng đến với tôi là anh tôi ngã xuống mà chưa kịp nhận tin vui lễ thành hôn của em gái mình!

Sau năm 1975, tôi trở lại đất Sài Gòn - TP.HCM đã hoàn toàn giải phóng. Tìm lại dấu xưa tôi chỉ biết bùi ngùi... chen lẫn tự hào. Anh cả tôi đã góp phần xương thịt cùng với đồng bào yêu nước để xây dựng nên một Sài Gòn - TP.HCM hôm nay phồn vinh, rạng rỡ. Cho tới nay, sắp kỷ niệm 30 năm giải phóng Sài Gòn, xương cốt của anh cả tôi vẫn chưa tìm thấy. Di ảnh của anh được đặt lên bàn thờ cạnh ảnh cha mẹ tôi và ngày lễ thương binh liệt sĩ 27-7 hằng năm trở thành ngày cúng giỗ tưởng niệm anh...

Anh tôi đã ngã xuống trong tư thế một chiến sĩ anh hùng, vậy mà cho tới nay vẫn là một... chiến sĩ vô danh. Còn hình ảnh chiếc xe thổ mộ thân yêu với anh em tôi nay đã lùi xa ra khỏi đường phố Sài Gòn; thỉnh thoảng tôi chỉ còn bắt chợt gặp lại nó trong tranh ảnh hay trên phim.

Ghi lại kỷ niệm không quên này, tôi kính cẩn thắp nén nhang thơm tưởng niệm anh cả tôi, anh Nguyễn Ích Tài, mà đời đời tôi mãi không nguôi tiếc thương.

MAI PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên