09/08/2016 08:43 GMT+7

Chiếc túi phu nhân thủ tướng Singapore tặng người dân điều gì?

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG

TTO - Câu chuyện phu nhân thủ tướng Singapore - bà Hà Tinh (Ho Ching) cầm chiếc ví trị giá 11 USD do một thanh niên tự kỷ làm khiến cả thế giới nghiêng mình nể phục.  

Bà Hà Tinh với trang phục giản dị và chiếc ví nhân văn bên cạnh bà Michelle Obama ngày 2-8 tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters

Bà Hà Tinh với trang phục giản dị và chiếc ví nhân văn bên cạnh bà Michelle Obama ngày 2-8 tại Nhà Trắng - Ảnh: Reuters

Hàng triệu cư dân mạng dậy sóng bàn luận, người người đặt ra bài học sâu sắc về vấn đề sử dụng tiền bạc mang lại giá trị hạnh phúc. 

Trong khi nhiều người dành sự quan tâm đến những món hàng đắt tiền của các minh tinh, người nổi tiếng hay các chính khách thì chiếc ví trị giá chỉ 11 USD mang đầy thông điệp nhân văn.

“Khoe giá trị bản thân qua đồ vật, có người chọn cách thể hiện bằng vật chất, có người chọn cách thể hiện về tinh thần, tuy không phê phán cách thể hiện nào nhưng rõ ràng giá trị tinh thần mang đến nhiều lợi ích xã hội hơn” - bạn đọc Mai Vinh nói.

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều bạn đọc bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với bà Hà Tinh.

Bạn đọc Khánh Huy bình luận: “Mọi thứ đều xuất phát từ nền tảng giáo dục. Tôi tôn trọng việc làm của bà Ho Ching”.

Món quà từ chiếc ví vượt xa giá trị... 11 USD

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - giám đốc Công ty tư vấn doanh nghiệp BeBoss, chiếc ví của bà Hà Tinh không chỉ thể hiện một nhân cách giản dị và một thông điệp nhân văn mà còn mang giá trị văn hóa của một quốc gia.

“Chính giá trị tinh thần của chiếc ví đã góp phần tạo nên giá trị văn hóa của đất nước Singapore, từ đó tạo cái nhìn thiện cảm và lòng tin của bạn bè quốc tế đối với đất nước này”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhận xét.

Không dừng lại ở đó, chiếc ví còn có giá trị khơi gợi cho cộng đồng chú trọng hơn về giá trị tinh thần chứ không chỉ chạy theo giá trị vật chất bởi giá trị tinh thần là cốt lõi và mang tính bền vững - ông Ngọc Tuấn nói.

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình - giám đốc Trung tâm dư luận xã hội - Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN, chiếc ví của bà Hà Tinh còn ẩn chứa ý thức của bà về mối quan hệ với các tầng lớp dân cư khác.

“Khi mua chiếc ví này của một thanh niên tự kỷ, không phải bà đang ban ơn mà chính là đang khích lệ tinh thần của họ cũng như các tầng lớp yếu thế khác. Đây là một cú hích tinh thần rất tốt cho xã hội” - PGS.TS Trịnh Hòa Bình nói.

“Không những đối với bà Hà Tinh mà đối với tất cả chúng ta, giá trị của chiếc ví vượt xa hơn rất nhiều so với số tiền 11 USD” - chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ nhận xét.

Khi mua hàng cần chú ý đến cảm xúc

Bên cạnh sự ngạc nhiên và ngưỡng mộ dành cho  phu nhân Thủ tướng Lý Hiển Long, bà Võ Thị Minh Huệ cũng cho rằng xã hội không nên quá chú tâm vào việc một chính khách, một người nổi tiếng mang món hàng trị giá bao nhiêu tiền, thể hiện đẳng cấp tài chính ra sao mà nên chú trọng về những gì họ đã làm được.  

“Với chiếc ví khiêm nhường của mình, bà Hà Tinh không những đã thành công trong việc kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng dành cho những người bị thiệt thòi mà còn đem đến bài học quý giá mà bất kỳ ai trong số chúng ta cũng đều có thể học hỏi được, đó là bài học về vấn đề sử dụng tiền bạc làm sao để mang lại hạnh phúc” - bà Minh Huệ nói.

Bà Hà Tinh (thứ hai từ phải) trong chương trình bán hàng gây quỹ do Trung tâm tiềm lực người tự kỷ tổ chức. Bà đã mua bóp với thiết kế của See Toh Sheng Jie (thứ hai từ trái) - Ảnh: STRAITSTIMES

Bà Hà Tinh (thứ hai từ phải) trong chương trình bán hàng gây quỹ do Trung tâm tiềm lực người tự kỷ tổ chức. Bà đã mua chiếc ví với thiết kế của See Toh Sheng Jie (thứ hai từ trái) - Ảnh: STRAITSTIMES

Theo bà Minh Huệ, mọi người đều có quyền mua những món hàng nằm trong khả năng tài chính của họ. Vấn đề không nằm ở việc món hàng ấy trị giá bao nhiêu, mà là món hàng ấy mang lại cho người sử dụng cảm giác thế nào.

Nhiều người thích những món đồ đắt tiền, sang trọng, chất lượng, đó là một nhu cầu chính đáng khi họ cảm thấy thoải mái, tự tin và yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Nhiều người lại chọn sử dụng đồ vật tuy không nhiều giá trị vật chất nhưng lại có giá trị về mặt tinh thần và xã hội.

Ví dụ nhiều người đặc biệt quý những món đồ do người thân, bạn bè tự làm hoặc được cho, được tặng vì giá trị tình cảm cao.

Nhiều người lại chuộng mua hàng để gây quỹ từ thiện, giá trị vật chất thấp, cũng chưa hẳn là có chất lượng hay mẫu mã vượt trội, nhưng họ lại cảm thấy ý nghĩa khi sử dụng những đồ vật ấy, cảm thấy họ đang ủng hộ những người thiệt thòi và đóng góp một phần cho xã hội.

Quan trọng không phải là giá trị vật chất, quan trọng là khi sử dụng món hàng người ta cảm thấy thế nào. Nếu họ thấy thoải mái, dễ chịu, hạnh phúc khi sử dụng một vật gì đó thì họ có quyền lựa chọn nó và cũng có nghĩa là họ đã bỏ tiền ra một cách hiệu quả.

Do vậy khi mua hàng, bên cạnh vấn đề về giá thành và chất lượng, cũng nên quan tâm đến vấn đề cảm xúc - bà Minh Huệ đưa ra lời khuyên.

Người ta có quyền “xài sang”

Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, câu chuyện về chiếc ví khiêm nhường của bà Hà Tinh là một tấm gương cổ vũ nhiều người trong xã hội. Tuy nhiên, không có nghĩa là chúng ta nhân câu chuyện này để lên án những người có năng lực tài chính, thích sử dụng những mặt hàng cao cấp.

“Nhiều người có xu hướng bài xích những người giàu có, thích xài sang, mua đồ đắt tiền. Điều này xét cho cùng không phải tội lỗi xấu xa.

Nếu họ mua đồ từ chính tiền mình làm ra bằng lao động lương thiện, nếu họ không kệch cỡm, không cướp bóc của người dân nghèo hay thực hiện những hành vi trái đạo lý và pháp luật thì việc họ mua bán thế nào, xài đồ dùng ra sao là quyền của họ, không nên đánh giá” - ông Trịnh Hòa Bình nói.

Tuy nhiên, ông Hòa Bình cũng không khuyến khích việc nhanh chóng vứt bỏ đồ dùng của mình chỉ vì những lý do như chán sử dụng, đồ dùng đã lỗi mode…

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - trưởng khoa tâm lý học (ĐH Sư phạm TP.HCM) - cho rằng người mua hàng đừng quên những giá trị cộng đồng đằng sau mỗi món hàng mình mua.

Chính giá trị đằng sau mới mang lại tác động sâu sắc và vững bền nhất.

“Việc yêu thích hàng cao cấp, đắt tiền không phải là điều gì đáng lên án, tuy nhiên đừng nên trở thành nô lệ của đồng tiền, lệ thuộc vào đồng tiền và biến mình trở thành kẻ khoe mẽ hay khẳng định hình thức” - ông Huỳnh Văn Sơn nói.

Theo ông Huỳnh Văn Sơn, tiêu dùng thông minh là điều cần khuyến khích. 

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Chuyên gia Võ Thị Minh Huệ: 

>> PGS.TS Trịnh Hòa Bình: 

VÕ HƯƠNG - MAI NGUYỄN - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục