Anh Siu SơRir - con trai của ông Rmah Y Lương - bên chiếc tủ kỷ vật mà anh làm để tưởng nhớ người cha yêu quý
Đó là ông Rmah Y Lương, cán bộ địa chính xã Ia Piar. Ông Lương mất ngày 19-5-2016 ở tuổi 60, khi vừa nghỉ hưu được hai tháng.
Câu chuyện về những kỷ vật
Chiếc tủ kính sơn màu trắng, trên đầu tủ dán dòng chữ: "Ơn dưỡng dục một đời con ghi tạc / Nghĩa sinh thành trọn kiếp mãi không quên". Tủ có ba khoang. Khoang giữa treo những bộ quần áo mặc đi làm của người đã mất. Khoang bên phải có hai chiếc mũ, mấy chiếc áo quần mặc ở nhà được xếp gọn gàng.
Khoang bên trái có 6 ngăn để giấy tờ như chứng minh thư, thẻ bảo hiểm, thẻ đoàn viên, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp trung học cơ sở..., những cuốn sổ ghi chép, chiếc radio, mấy cái thắt lưng, chìa khóa, đồng hồ đeo tay, máy tính, mắt kính lão, hai đôi giày, một đôi dép, vỏ hai hộp thuốc bổ... Ngoài ra, ở góc của căn phòng thờ là chiếc xe máy cũ.
"Ba mình mất ngày 19-5-2016. Theo phong tục của người Ja Rai, khi người thân mất đi thì quần áo, đồ đạc của người đó phải chôn theo. Nhưng nhà mình không làm vậy. Ba mình nghỉ hưu hai tháng là mất vì tai biến.
Ông cống hiến bao năm, lúc nghỉ chưa kịp nhận lương hưu, con cái chưa kịp báo đáp. Cả nhà thương nhớ, muốn giữ lại tất cả đồ đạc của ba. Một tháng sau khi ba mất, mình thiết kế rồi lên thị trấn đặt làm cái tủ này để lưu giữ lại kỷ vật cho con mình biết ông đã sống và làm việc vất vả như thế nào" - anh Siu SơRir, 30 tuổi, con trai của ông Rmah Y Lương, cho biết.
Bức thư tình "cấm tò mò"
Với bốn người con của ông Rmah Y Lương, trong những kỷ vật của ông đặt trong tủ, họ xúc động nhất là bức thư ông gửi vợ sắp cưới. Vợ chồng ông Rmah Y Lương và bà Siu H’Ngôn cưới nhau năm 1978. Lá thư đó ông Lương viết gửi bà H’Ngôn trước khi cưới mấy tháng, bên ngoài có dòng chữ "cấm tò mò".
Những lời yêu thương mộc mạc trong lá thư khiến những người con vừa buồn cười vừa cảm động và ngưỡng mộ vì tình yêu mà ba dành cho mẹ. Sau khi cưới vợ, theo phong tục của người Ja Rai, ông Lương ở rể bên xã Ia Yeng. Lúc sinh con gái đầu, vợ chồng ông vẫn ở trong căn nhà 5 sải tay ấy.
Siu Cúc Cu, con gái út có cái tên thiệt lạ, kể: "Ba yêu mẹ lắm. Có lần mình dẫn ba đi mua đồ. Ba cứ lo chọn giày mua cho mẹ, quên mất mua cho con út luôn. Hồi ba vô Sài Gòn học để về làm cán bộ địa chính xã, ba vô hiệu thuốc tây nói tuổi vợ, bảo vợ tôi hay đi nắng có kem gì bôi cho đỡ nám. Ba mua kem chống nắng về làm quà cho mẹ. Mẹ càm ràm nói mua làm gì cho tốn tiền nhưng nhìn mẹ cười hạnh phúc lắm.
Rồi lần ba vô Sài Gòn khám bệnh, ba lo tìm mua bánh, mua vải cho mẹ may đồ. Ba nói: mua làm quà cho mẹ mày, không mẹ mày mong. Mẹ mày không được làm đẹp như người ta, thiệt thòi...".
Không chỉ lá thư, những chiếc áo quần sờn cũ, những kỷ vật rất đời thường, gần gũi khác trong chiếc tủ kính khiến người nghe không khỏi xúc động khi biết câu chuyện về những kỷ vật ấy. Nói về hai vỏ hộp thuốc bổ trong ngăn tủ, Siu Cúc Cu cho hay: "Đó là vỏ hai hộp thuốc bổ mà chị Hương lúc làm đại biểu Quốc hội mua tặng ba khi ba bị tai biến đợt đầu. Đó là thuốc của Hàn Quốc, rất mắc, hơn 10 triệu đồng một hộp. Mỗi hộp chỉ có hơn 10 viên. Thuốc mắc quá mà tính ba thì tiết kiệm, không dám dùng, sợ hết lại không có nên cứ để dành. Đến khi ba mất, thuốc vẫn còn mấy viên".
Chiếc xe máy đầu tiên và duy nhất mà ông Rmah Y Lương sở hữu, dùng để đi làm và lên rẫy
Cày cục làm thêm để lo cho gia đình
"Bảo tàng" kỷ vật về cha còn là chiếc xe máy dựng bên góc tường cạnh bàn thờ. Đó là chiếc xe đầu tiên và duy nhất mà khi còn sống ông Rmah Y Lương có được. Đó cũng là phương tiện gắn bó hơn 10 năm với người cán bộ địa chính xã Ia Piar.
"Nhờ chiếc xe máy này mà ba đi làm ở cơ quan, đi làm rẫy nhanh hơn, đỡ vất vả hơn. Trước đó bao nhiêu năm ba toàn đi xe đạp. Mỗi lần đi xa như đi huyện, đi tỉnh ba mượn xe của bà nội. Ba mẹ dành dụm mãi mới mua được chiếc xe máy này. Chiếc xe máy này cao, đi rẫy leo đồi được. Trưa làm ở xã xong, ba tranh thủ chạy ngay lên rẫy, ăn cơm trưa ở đó rồi làm mía, làm ruộng, giặm lúa, bón phân... Mùa nào việc đó. Đầu giờ chiều, ba lại canh giờ chạy về xã làm việc. Hết giờ làm lại tranh thủ chạy lên rẫy làm tiếp. Ba làm đen sạm cả người để có tiền chi tiêu trong gia đình" - Siu SơRir xúc động khi nhớ lại những năm tháng vất vả của cha.
Lương nhà nước không bao nhiêu nhưng ông vẫn chăm lo cho con ăn học. Mẹ từng là nữ hộ sinh trạm y tế xã rồi cũng xin nghỉ, ở nhà làm rẫy vì lương không đủ nuôi mấy đứa con cùng lúc ăn học. Sau này, chính quyền mời mẹ ra làm việc lại, mẹ làm đến phó bí thư xã rồi nghỉ hưu.
Siu SơRir kể thêm: "Mỗi lần nhận lương, ba mẹ không dám tiêu xài, để đó gửi cho các con ăn học, có khi phải vay mượn. Quần áo không dám mua. Ngay tô bún, tô phở ba cũng không ăn để tiết kiệm tiền dành cho con".
Sống liêm chính để không ai bắt bẻ
"Các con học lấy lý luận để làm người, chứ không phải để có địa vị, nhà cao cửa rộng. Đi làm để lo cho dân, chứ không phải để lấy tiền đút túi mình. Làm gì cũng phải đúng đạo đức của mình, phải làm việc liêm chính thì không ai bắt bẻ được. Ba luôn dặn muốn làm việc lâu dài, muốn dân tin tưởng phải liêm chính. Đi làm thấy dân khổ rồi, đừng hành hạ dân", Siu SơRir kể về cha.
"Mua chữ" cho con
Kiếm được bao nhiêu tiền đều "mua chữ" cho con, đó là động lực để ông bà Rmah Y Lương cố gắng bươn chải vì không muốn các con khổ và cũng không lặp lại truyền thống của bà con người dân tộc là nghỉ học sớm, lấy vợ lấy chồng sinh con, đi làm thuê làm mướn. Ông Rmah Y Lương luôn dặn con: phải làm mới có cái ăn.
Vợ chồng ông Rmah Y Lương có bốn người con. Cả bốn người con đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Siu Hương, con gái thứ hai, tốt nghiệp Đại học Luật TP.HCM, là nữ đại biểu Quốc hội duy nhất trong Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai khóa XIII. Siu Hương từng là phó giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai), hiện là phó Ban dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận