Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hôm nay (9-6) khai mạc trưng bày chuyên đề Thi đua ái quốc - Ươm những mầm xanh nhân kỷ niệm 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2023).
Thi đua ái quốc để mang hạnh phúc cho dân
Cách đây 75 năm, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn cam go, quyết liệt, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm kêu gọi toàn dân tích cực thi đua diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, làm cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công.
Lời kêu gọi được đăng trên báo Cứu Quốc số 968, ngày 24-6-1948 với ngôn từ khúc chiết, sáng rõ mà có sức mạnh khích lệ quốc dân đồng bào:
"Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm.
Cách làm là: Dựa vào: Lực lượng của dân; tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân…".
Trải qua 75 năm, với những tên gọi, nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước phát triển không ngừng, góp phần quan trọng làm nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong suốt hơn bảy thập kỷ qua.
Tại trưng bày, công chúng được đọc lại Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác Hồ, xem những câu chuyện Bác Hồ với phong trào yêu nước, chuyện quân, dân hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, các đại hội thi đua yêu nước...
Những phong trào thi đua yêu nước gần gũi với cuộc sống hôm nay cũng được giới thiệu như nhóm Sài Gòn Xanh (TP.HCM) với phong trào bảo vệ môi trường; nhóm hình ảnh, hiện vật - đồ dùng, giáo cụ trực quan sinh động trong dạy và học, sản phẩm sáng tạo của học sinh, giáo viên (Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội) được làm từ những vật dụng tái chế…
Đặc biệt câu chuyện chiếc quạt giấy Bác Hồ tặng ông Hoàng Đạo Thúy hấp dẫn người xem.
Chiếc quạt giấy của Bác Hồ
Quạt giấy Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông Hoàng Đạo Thúy - tổng bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc trung ương năm 1948.
Quạt giấy này là quà tặng của thanh niên làng Canh Hoạch, Hà Đông gửi tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, nhân dịp kỷ niệm 56 năm ngày sinh của Người.
Sau khi ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắm tới ông Hoàng Đạo Thúy để mời vào vai trò tổng bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc trung ương.
Ngay trong tháng 6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư tới ông Hoàng Đạo Thúy mà Người tôn kính gọi là "lão đồng chí".
Thư viết: "Nay có một việc rất quan trọng cần một người có sáng kiến, nhiều kinh nghiệm, và tính xốc vác, tức là việc tổng bí thư cho ban Thi đua trung ương.
Tôi muốn nhờ đồng chí phụ trách việc ấy. Chắc đồng chí sẽ không từ chối. Vẫn biết bên quốc phòng và Tổng chỉ huy cũng cần đồng chí giúp. Song nếu đồng chí bằng lòng, thì tôi sẽ tìm cách dàn xếp.
Chào thân ái và quyết thắng".
Ông Hoàng Đạo Thúy nhận thư Bác thì xúc động và vinh dự nhận nhiệm vụ được Người tin tưởng giao phó.
Ngày 20-8-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ông Hoàng Đạo Thúy - nguyên cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Quốc phòng - về làm tổng bí thư Ban vận động Thi đua ái quốc trung ương, và Người trực tiếp gặp ông Hoàng Đạo Thúy để giao nhiệm vụ.
Trong buổi gặp gỡ giao nhiệm vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông Hoàng Đạo Thúy chiếc quạt giấy và căn dặn: "Chú dùng chiếc quạt này để quạt cho phong trào lớn mạnh lên".
Sau 30 năm giữ gìn như báu vật, ông Hoàng Đạo Thúy đã tặng lại chiếc quạt cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày 27-9-1978.
Trưng bày còn mang đến nhiều tình cảm về Bác với người xem hôm nay khi giới thiệu nhiều bức thư Bác gửi các chiến sĩ thi đua, những hình ảnh Người đi thăm, động viên những cá nhân, tập thể đạt thành tích cao trong phong trào Thi đua ái quốc.
Đó là những lá thư Chủ tịch Hồ Chí Minh tự đánh máy gửi khen nữ du kích Hồng Sinh ở xã Ngũ Lão, huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng) đã có thành tích giết giặc lập công trong phong trào luyện quân lập công tháng 1-1949.
Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hợp tác xã Thắng Lợi, xã Vinh Quang, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, nơi có phong trào thi đua trồng cây gây rừng trên vùng đất trống đồi trọc tiêu biểu nhất miền Bắc ngày 26-1-1964.
Hình ảnh Bác Hồ với các cháu dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 13-2-1969, vài tháng trước ngày Bác ra đi…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận