16/02/2010 00:58 GMT+7

Chiếc quần jean, cuốn từ điển và bể nước máy

PHAN HUYỀN THƯ
PHAN HUYỀN THƯ

TTXuân - Lần đầu tiên trong đời tôi có được một khoản tiền riêng do để dành tiền ăn sáng và các thứ tiền lặt vặt, thỉnh thoảng đi diễn xa nhà về mẹ cho chị em tôi.Tôi đã dành dụm từ rất lâu vì thế những đồng tiền “quỹ đen” tôi để dưới giát giường, tuy kẹp giữa một tờ báo vẫn hằn lên vết chiếu và bụi két lại.

c8iH7kwU.jpgPhóng to
Hà Nội 1995 - Ảnh: Ngọc Thái

Em gái tôi cũng có “quỹ đen” nhưng chúng tôi chẳng bao giờ hỏi nhau hay tò mò lục soát tài sản của nhau làm gì, vì hai đứa biết tỏng là hai tài sản riêng ấy cũng chẳng hơn kém gì nhau. Sắp tết rồi, hai đứa rủ nhau rút tiền đi mua sắm. Tôi là quản gia, tất cả các khoản chi tiêu trong nhà từ sổ gạo, tem phiếu đến lương văn công bên đoàn ca nhạc của mẹ tôi đều nắm giữ hết... nhưng chính vì vậy lại phải vô cùng liêm khiết, minh bạch, không khéo tính toán, thu vén thì cả nhà chỉ có cách ăn cơm với lạc rang và dưa muối cả tuần.

Là con gái lớn trong một gia đình làm nghệ thuật, cha tôi là nhạc sĩ Phan Lạc Hoa và mẹ tôi lúc đó là ca sĩ của Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Định mệnh, và cũng có thể là những lý do không thể lý giải mà chỉ có mình cha tôi biết, đã khiến ông quyết định từ giã cõi đời ở tuổi 35 và để lại một gia tài là những bài hát ông sáng tác dành riêng cho mẹ tôi biểu diễn (Tàu anh qua núi, Tình yêu bên dòng sông quan họ...).

Cha tôi quyết định ra đi quá bất ngờ nhưng ông đã kịp góp phần tạo nên tên tuổi của mẹ tôi bằng một nghệ danh ghép tên chung của cả hai người là ca sĩ Thanh Hoa, và ông cũng đã kịp để lại tên tuổi của chính mình bằng những bài hát được nhiều người yêu thích. Khi cha mất, tôi mới 9 tuổi. Khi mẹ đi thêm bước nữa và có em trai út (ca sĩ Tôn Thất Thái Sơn hiện nay), tôi nghiễm nhiên trở thành bà chủ nhà vì ba mẹ thường xuyên đi công tác xa phục vụ văn nghệ cho quần chúng.

Tuổi thơ tôi tay hòm chìa khóa gắn bó với tem phiếu, xếp hàng, sổ gạo, phiếu dầu và tiếng kẻng tập thể dục vang lên mỗi sáng. Nhắm mắt tôi cũng biết tháng này đậu phụ cắt ô nào, cá biển cắt ô nào và thịt bồi dưỡng ba lạng sáu (không hiểu tại sao lại là ba lạng sáu?), tiêu chuẩn văn công bên Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam của mẹ khi nào được lĩnh...

Có khi được phân phối sớm nên mọi người tranh thủ mua sẵn bóng, miến và mộc nhĩ để dành đến tết. Không ngờ qua mấy trận mưa phùn, mở ra bọc bánh đa và bóng bì đã mốc xanh... nhưng tôi học được từ các bác hàng xóm cách rửa bóng bằng cồn 90 độ rồi hong khô trên bếp lửa là “vi trùng chóng mặt chết hết”.

Lần đầu tiên tôi có tiền dành dụm là năm ba chị em tôi hân hoan chờ đón năm mới. Chúng tôi luôn được tổ dân phố coi là “cả nhà” vì quanh năm hầu như chỉ có ba đứa trẻ con trong một căn hộ tập thể 26m2, hai đứa em lao nhao với bà chị cả mới mười bốn tuổi chuẩn bị chờ tết đến để sang mười lăm... Lần đầu tiên có tiền, em gái tôi mua một chiếc quần jean Levis được mang về từ Thái Lan.

Chiếc quần mơ ước của các thiếu nữ. Tôi ngẩn ngơ với chiếc quần nhưng lại dằn lòng lên thẳng hiệu sách ngoại văn Tràng Tiền mua quyển Từ điển Anh-Việt 25 ngàn từ. Lần đầu tiên có một cuốn từ điển lớn đến như vậy được phát hành và tôi đã rình rập cuốn sách từ mấy tháng, giờ mới đủ tiền để hân hoan với niềm vui sở hữu. Thế là xong một cái tết tinh thần.

Mẹ tôi là nghệ sĩ biểu diễn nhưng nhà nghèo, năm người đi chung một cái xe đạp, nhà chẳng có tivi để xem, mấy chị em tôi toàn sang xem nhờ hàng xóm... Quanh năm mẹ đi biểu diễn phục vụ theo chỉ tiêu của Nhà nước và theo các đoàn “ca khúc chính trị” phục vụ biên cương, hải đảo, nông dân, nhà máy, lâm trường. Cả năm có mấy ngày tết mẹ cũng chẳng được ở nhà. Chỉ có mấy chị em tôi loay hoay với vai trò “bà chủ nhỏ” để xoay xở từng cái tết cho qua một năm...

Dần dà thành quen, thành mê, rồi lúc nào cũng phấp phỏng mong đến tết. Năm nào may mắn, mẹ không phải đi phục vụ xa chúng tôi mừng lắm, nhưng vẫn phải lo đến tận giao thừa. Vì mẹ sẽ xuất hiện ở cửa nhà để xông đất với bộ quần áo dài và son phấn bự mặt. Mẹ vừa hát phục vụ các chương trình “Chúc mừng năm mới” có đại diện Đảng - Nhà nước lên truyền hình chúc tết đồng bào.

Năm đó, chị em tôi đứa thì có cuốn sách mới, đứa thì có chiếc quần jean rất tí tởn. Cả buổi chiều đánh vật với nồi bánh chưng và mâm cỗ cúng với bóng xào, măng hầm, dưa hành truyền thống, đến chập choạng tối thì con gà sống đã cắt tiết không hiểu sao lại vỗ cánh phành phạch nhảy thẳng vào bể nước.

Thời bao cấp, một bể nước quý như một bao gạo. Hai chị em tôi đã phải mất cả ngày thay nhau xếp hàng gánh nước cho đầy bể. Nghĩ lại thấy buồn cười, gánh một bể nước đầy cũng được coi là ăn tết. Vì cả năm mất điện mất nước, sáng mồng 1 nhìn thấy bể đầy nước là hai chị em tôi sung sướng mãn nguyện vì ít nhất năm ngày tết không phải thay nhau quang gánh, thùng tôn... Vậy mà con gà quái ác lại nhảy vào bể nước “quyên sinh” khiến chị em tôi hớt hải tháo nước, cọ bể và hì hụi gánh đến gần giao thừa.

Khi tivi nhà hàng xóm léo nhéo ca nhạc và không khí giao thừa đến gần, nhiều nhà đã bắc ghế ra treo các bánh pháo được phân phối theo tiêu chuẩn lên móc cửa, mùi hương trầm và đèn dầu, nến leo lét trên các bàn thờ... chúng tôi mới dừng việc gánh nước và lễ mễ khênh con gà luộc cùng mâm ngũ quả ra sân cúng giao thừa. Quá mệt với việc gánh nước “chạy sô”, chị em tôi lăn ra ngủ mê mệt trong lúc chờ hết hương và đợi mẹ về xông đất.

Mở mắt ra tôi thấy mẹ ngồi nguyên áo quần biểu diễn bên mâm cỗ giao thừa lau nước mắt. Giọt nước mắt này theo tôi suốt những năm tháng làm nghệ thuật. Sau này, mẹ đã từ chối những chương trình phục vụ xa nhà trong dịp tết. Đam mê nghệ thuật và cống hiến là phẩm chất tôi học được từ cha mẹ, nhưng những năm tháng tuổi thơ khốn khó của thời bao cấp, hậu chiến cũng cho tôi giá trị của cuộc sống gia đình. Có lúc tôi thèm được nghèo như ngày xưa, thèm được về lại khu tập thể cũ để sống trong không khí đùm bọc ấm cúng của hàng xóm láng giềng, thèm được gánh nước hì hục suốt đêm giao thừa để vui những niềm vui giản dị...

Mỗi tết đến tôi lại nhớ đến chiếc quần jean Levis, chị em tôi đã mặc chung nhau suốt mấy năm trời bước vào tuổi hay ngượng ngùng. Cuốn từ điển tôi vẫn giữ và bây giờ con trai tôi bắt đầu biết dùng. Sau này, tôi càng nghĩ lại càng buồn, những kiến thức tôi có được chẳng chia sẻ được thêm với ai trong gia đình đã đành mà cũng chẳng bảo vệ tôi những khi cần tự vệ. Nhưng không có những đồng tiền lẻ cất dưới chiếu hơn hai mươi năm trước, chắc gì chị em chúng tôi đã có được những giá trị thật của kiến thức, của tình người và của cái đẹp trong suốt chặng đường vừa qua.

Năm nay, mẹ tôi đã chuẩn bị chờ đến Tết Canh Dần để tròn một vòng hoa hội 60 năm đời người. Với những năm tháng cống hiến cho nghệ thuật và cho đất nước, kể cả chiến trường B “rừng xanh núi đỏ” năm nào, mẹ đã được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân. Giờ đây nhà cao cửa rộng, mọi người đón tết bằng bánh chưng mua ngoài cửa hàng, gà thuê làm thịt sẵn...

Tôi đã lập gia đình và rời xa khu tập thể hai chục năm. Giao thừa đến, tôi thường ra bancông đứng một mình hướng về phía ngôi nhà thân thiết tuổi nhỏ để thoáng hình dung ra bể nước, đôi thùng tôn quang gánh, chiếc quần jean, cuốn từ điển và bóng mẹ trước cửa... Với tôi, những cái tết bao cấp sau chiến tranh của người Hà Nội là tài sản quý giá để tôi nhớ mang theo trong hành trang nhọc nhằn kiếp nhân sinh.

PHAN HUYỀN THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên