Ngọc Khải (trái) và Hồng Quang - Ảnh: Sơn Trần |
Ðến tìm gặp Ngọc Khải và Hồng Quang vào một chiều hè nóng bức, được bảo vệ tòa nhà chỉ thẳng lên phòng tập... múa bụng của một câu lạc bộ dành cho nữ giới! Hóa ra vì không đủ tiền thuê phòng tập nên Ngọc Khải phải mượn tạm chỗ tập này để tận dụng những lúc phòng trống.
Trên sàn tập bằng gỗ không được lót thảm múa như thường thấy, những ngón chân của Khải quấn đầy băng keo cá nhân để giấu đi những vết thương còn chưa lành miệng. Anh cười hiền khô nói: “Kinh phí có hạn nên chịu thôi!”.
Nón lá có đỉnh nhọn vừa hàm ý cho sự vươn lên, vừa có ý nghĩa mọi thứ đều xoay tròn xung quanh cá thể con người. Mà phải là một con người yêu sự cần mẫn của lao động! |
Nghệ sĩ HỒNG QUANG |
Trời tròn - đất vuông và câu chuyện “nơi ta thuộc về”
Vũ Ngọc Khải không phải là cái tên lạ của làng múa Sài Gòn, bởi ba năm qua tên tuổi của anh gắn liền với vũ đoàn Arabesque, với những vở múa được đông đảo khán giả yêu mến như Tích Tắc, Sương sớm, Mộc... Nhưng Nón lần này rất khác!
Nếu hỏi Ngọc Khải ý niệm về một chương trình múa đặc quánh hơi thở văn hóa dân gian Việt như Nón đã đến với anh từ lúc nào, thì có lẽ phải ngược thời gian về mười năm trước khi Khải lần đầu tiếp xúc với ballet, lần đầu tiên xuất ngoại đến làm việc tại Hà Lan và Ðức như một vũ công chuyên nghiệp trong gần năm năm.
“Sống giữa một rừng diễn viên múa người Nhật, Hàn, Ðài Loan, tôi luôn tự hỏi làm cách nào người ta có thể phân biệt được tôi là người Việt Nam khi chúng tôi cùng biểu diễn? Chính lúc đó tôi nghĩ về những gì Việt nhất còn lại trong mình! À, tôi nhớ mùi bánh chưng, bánh giầy dịp tết.
Tôi nhớ câu chuyện cổ tích mẹ kể về hình ảnh trời tròn, đất vuông. Tôi nhớ đôi đũa ăn cơm mỗi ngày. Tôi nhớ tiếng mời trước khi bưng chén cơm lên miệng. Và tôi nghĩ đã đến lúc cần phải sáng tạo một cái gì đó thật Việt Nam trong lĩnh vực mình có thể làm tốt nhất là múa” - Ngọc Khải tâm sự.
Anh gọi những ký ức đó là trải nghiệm giàu có để những khi rối bời với chính mình, anh có cái để “níu” lại!
Và như một mối duyên nợ, Khải gặp Hồng Quang vào đúng lúc bế tắc trong việc tìm ra một người cùng chí hướng đảm nhiệm phần âm nhạc, mà phải là một kiểu nhạc hoặc phải có sức lan tỏa và lay động dữ dội, hoặc khi âm thanh ấy ngân lên, ta biết chắc mình thuộc về nó!
Chứng kiến cách hai nghệ sĩ làm việc cùng nhau mới thấy rõ sự tung hứng rất ngẫu nhiên và kỳ diệu mà âm nhạc dân tộc mang đến cho cuộc sống. Chỉ bằng chiếc đàn môi ba lá, nghệ sĩ Hồng Quang đưa người ta về một vùng ký ức nào đấy sâu thẳm, nơi bắt đầu khởi sinh của sự sống.
Và Ngọc Khải sẽ “ứng đối” lại bằng điệu múa của một người đi mở cõi... Rồi đột ngột thanh âm của đàn tính vang lên, ngay lập tức một mảnh đất trù phú, đa dạng về văn hóa lại mở ra trong trí tưởng tượng của người xem. Những nút thắt mở, cao trào, kịch tính có, bất ngờ có lại càng khoác cho Nón một vẻ ngoài bí ẩn, ma lực và thật sự hấp dẫn!
Khải thú thật anh không hiểu nhiều về nhạc, còn Quang bảo không biết gì về múa đương đại! Thế nhưng bằng một “ngôn ngữ” đặc biệt nào đó, dù cách xa nhau cả chục ngàn cây số, dù gặp nhau chỉ vỏn vẹn ba lần, dù dựng vở chủ yếu bằng... Skype (mạng chat xã hội) và hơn một năm ròng vật vã xin tài trợ, nhưng họ đã đón Nón “chào đời” - tươm tất và công phu nhất trong khả năng của mình.
Bỏ “văn hóa” vào trong vali!
Năm 2009, rời khoa đàn nhị của Học viện Âm nhạc quốc gia, Hồng Quang chia tay Việt Nam lên đường du học. Vali của anh không có gì ngoài những cây đàn: đàn bầu, đàn tính, đàn nhị, đàn môi, đàn K’ny...
Và cứ mỗi chuyến về thăm nhà, kho nhạc cụ trong căn phòng nhỏ của anh tại Hà Lan lại chật thêm một chút vì thể nào cũng có “hàng xách tay” từ Việt Nam sang: vài cây đàn nhị mới, vài bộ gõ mới, vài nhạc cụ hiếm hoi chỉ còn một, hai người dùng như chiêng dây...
Lần nào cũng vậy, việc đầu tiên khi về đến Việt Nam của Quang là tìm một quán phở ngon và ngồi ăn tù tì... hai tô một lần cho bõ thèm! Anh cười bảo món ăn ở nước ngoài dẫu không hợp nhưng ăn mãi rồi cũng quen, chỉ có văn hóa là không dễ dàng “quen” như thế được!
Hồng Quang hai lần liên tiếp nhận được học bổng toàn phần về âm nhạc của Chính phủ Hà Lan và đang theo học khoa âm nhạc - sáng tác của Nhạc viện hoàng gia Hà Lan. Thế nhưng với anh, vốn liếng sáng tác cũng chỉ là công cụ hỗ trợ anh trong việc đưa văn hóa Việt Nam, cụ thể là âm nhạc dân tộc, đi được những quãng xa hơn trên bản đồ thế giới.
Có lẽ cũng chính vì gắn bó sâu sắc với dòng nhạc này mà ở anh có sự nhạy cảm thú vị với những ruộng, làng, thôn, xóm... Anh là người đã thực hiện phần âm nhạc tuyệt vời cho hai bộ phim truyền hình ăn khách nói về đời sống thôn quê Việt Nam là Ma làng và Làng ma - 10 năm sau của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần.
Kết thúc đêm diễn của Nón vào tối 13-6 này tại Idecaf, Hồng Quang sẽ lên đường trở lại Hà Lan tiếp tục việc học, còn Ngọc Khải sau ba năm làm việc tại quê nhà cũng chuẩn bị hành lý để tháng 8 tới sẽ đến Ðức làm việc theo lời mời của một công ty múa.
Hành trang của họ vẫn như mọi lần đi và về bao năm trước. Nhưng lần ra đi này cả hai đều đã phần nào giải tỏa bớt bức bối, hoang mang với câu hỏi mình là ai giữa trời Tây rộng lớn, đã phần nào hi vọng và mơ mộng nhiều hơn.
Vì chí ít họ đã mang theo bên mình một hạt mầm văn hóa nho nhỏ và bằng tình yêu, lòng tự hào dân tộc, họ có thể gieo chúng ở bất cứ nơi đâu mình đặt chân qua.
Được sự hỗ trợ của Viện Pháp tại TP.HCM, Nón sẽ trình diễn đêm duy nhất vào 20g ngày 13-6 tại Viện Trao đổi văn hóa với Pháp (Idecaf) với giá vé 150.000 - 200.000 đồng. Đến thời điểm này, mọi lo lắng bồn chồn của hai nghệ sĩ trẻ không còn nằm ở chuyện đêm diễn sắp sửa ra mắt hay đây là lần hợp tác đầu tiên giữa họ, mà là câu hỏi: liệu rằng sau những nỗ lực tìm tòi ấy, họ đã “chạm” đến phần Việt Nam nhất trong mỗi khán giả Việt hay chưa? “Hãy để khán giả giúp chúng tôi trả lời câu hỏi này” - Ngọc Khải hi vọng. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận