01/12/2012 07:03 GMT+7

Chiếc nôi của sản phẩm y tế thông minh

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Nhiều thiết bị y tế đặc biệt không phải được nhập từ nước ngoài mà được đội ngũ trợ giảng, nghiên cứu sinh và sinh viên VN nghiên cứu chế tạo.

Trong bối cảnh thực trạng nghiên cứu khoa học và ứng dụng khoa học công nghệ ở Việt Nam còn nhiều khoảng cách so với các nước trong khu vực và thế giới, vẫn có nhiều bạn trẻ đam mê khoa học, từ bỏ những ngành nghề thời thượng để theo đuổi công việc nghiên cứu thầm lặng. Các bạn đang cần mẫn đắp những viên gạch đầu tiên cho một giấc mơ lớn: sẽ có ngày chúng ta làm được những gì thế giới đã làm.

7fuNunfj.jpgPhóng to
Phòng thí nghiệm thiết kế khoa kỹ thuật y sinh Trường đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) luôn có rất đông sinh viên đến thực hành - Ảnh: Gia Tiến

Máy đo huyết áp tự động đo, tự động gửi kết quả đến địa chỉ email, trang mạng cá nhân hay điện thoại di động của bác sĩ; xe lăn có thể điều khiển chạy tới, chạy lui, rẽ trái, rẽ phải bằng cách gật đầu, lắc đầu. Đó là những sản phẩm y tế thú vị mà thầy trò Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM) sáng tạo nên.

Phòng… thư giãn

Phòng thí nghiệm thiết kế khoa kỹ thuật y sinh Trường đại học Quốc tế hầu như lúc nào cũng có người. Đây là căn phòng được mở cửa thường xuyên để hễ có thời gian rảnh, sinh viên và các giảng viên trẻ lại vào đây… thư giãn. Nói là thư giãn vì khi bước vào đây, các bạn trẻ được thả sức sáng tạo và tưởng tượng. Chính nhờ thả sức tưởng tượng mà thầy trò ở đây đã chế ra nhiều chiếc máy có một không hai ở VN.

Nhìn chiếc hộp nhỏ màu đen hình chữ nhật khá đơn giản đặt trên bàn, nếu không có sự giới thiệu của thầy Võ Văn Tới, trưởng khoa kỹ thuật y sinh, khó ai hình dung đó là thiết bị đo huyết áp viễn thông. Cách đó không xa là máy đo điện tim viễn thông 12 kênh, máy đo đường huyết viễn thông, máy đo hô hấp viễn thông... Vừa hướng dẫn một sinh viên thổi mạnh vào ống thở có hình dạng gần giống chiếc phễu, thầy Võ Văn Tới vừa giới thiệu: đây là máy đo dung tích phổi.

Khi có người thổi mạnh vào máy, lập tức trên màn hình sẽ có kết quả với đầy đủ các thông số hiện lên. Kết quả này sẽ được lưu giữ và truyền tới địa chỉ mail, điện thoại di động hay trang mạng cá nhân của bác sĩ. Nguyên lý này cũng được áp dụng tương tự với máy đo huyết áp, máy điện tim, máy đo hô hấp. Giả sử khi kết quả đo được ở mức nguy hiểm đáng báo động, máy sẽ tự động có cảnh báo khẩn gửi đến bác sĩ mà không cần sự yêu cầu của bệnh nhân.

Với những thiết bị y tế viễn thông, thầy trò khoa kỹ thuật y sinh hướng tới việc nghiên cứu, chế tạo và cung ứng cho các trạm y tế tại hải đảo xa xôi như quần đảo Trường Sa. “Có thiết bị y tế viễn thông, khi bác sĩ ở Trường Sa cấp cứu hoặc phẫu thuật cho người bệnh, bác sĩ trong đất liền có thể theo dõi quá trình thực hiện và có sự hỗ trợ khi cần thiết”- thầy Võ Văn Tới cho biết.

Đặc điểm của người bệnh, đặc biệt là người già ở nước ta rất sợ đến bệnh viện. Làm sao để có những thiết bị y tế giúp người bệnh có thể tự theo dõi sức khỏe của mình ngay tại nhà, khi đi công tác, đi du lịch mà không cần phải có một bác sĩ riêng. Thôi thúc đó khiến thầy trò khoa kỹ thuật y sinh luôn trăn trở. Máy đo huyết áp, máy điện tim trên thị trường không thiếu. Các loại thiết bị tự động cũng không phải là hàng hiếm.

Nhưng từ trước đến nay chưa ai nghĩ đến chuyện kết hợp chức năng của hai dạng máy này. Về thiết bị y tế, các nước tiên tiến đã đi trước Việt Nam rất xa. Cho nên, muốn đặt chân vào lĩnh vực này phải biết biến những sản phẩm y tế thông dụng, bình thường thành sản phẩm mang tính năng đặc biệt.

“Ngành y tế đặt ra mục tiêu đến năm 2010 chúng ta sẽ tự sản xuất được 60% thiết bị y tế. Tuy nhiên đến nay tỉ lệ này chỉ đạt xấp xỉ 20%. Từ thực tế trên, thầy trò khoa thiết bị y sinh quyết tâm theo đuổi việc nghiên cứu, chế tạo những thiết bị y tế thông minh và thông dụng để cung ứng cho thị trường nội địa” - thầy Tới lý giải.

Những chiếc máy mà thầy trò thầy Tới chế tạo có giá thành không cao, vì đây là những máy đơn thông số - nghĩa là máy gì thì làm việc ấy. Với giá thành rẻ, máy đơn giản, dễ sử dụng, thầy trò khoa kỹ thuật y sinh nhắm tới việc cung ứng thiết bị y tế cho những nước còn chậm tiến, cho bà con ở vùng sâu, vùng xa - nơi mà việc khám chữa bệnh tại cơ sở y tế hoặc trực tiếp đến gặp bác sĩ còn nhiều khó khăn.

Hiện máy đã được giới thiệu đến một số bệnh viện ở TP. Dự kiến trong thời gian sắp tới sẽ cho dùng thử đại trà trên bệnh nhân - thầy Võ Văn tới cho biết.

Rẽ trái vì khát vọng sáng tạo

“Tôi làm việc ở đây vì thích cảm giác được làm những thứ mới mẻ mà ở chỗ khác chưa bao giờ làm” - vừa chỉnh lại chiếc mũ đội đầu có gắn thiết bị cảm ứng cho người ngồi trên chiếc xe lăn thông minh, bạn Lưu Gia Lộc, chuyên viên phòng thí nghiệm tại khoa kỹ thuật y sinh đại học Quốc tế, vừa nói đầy cảm hứng. Cảm hứng đó chúng tôi cũng tìm thấy ở nhiều bạn trẻ đang học tập và nghiên cứu tại khoa kỹ thuật y sinh - một ngành học còn rất non trẻ ở Việt Nam.

Tốt nghiệp ngành hóa học (đại học Khoa học tự nhiên), bạn Nguyễn Thị Hiệp sang Hàn Quốc học chuyên ngành về tái tạo mô, nhằm khôi phục những cơ quan nội tạng bị hư hỏng do bệnh hoặc tai nạn.

Tuy nhiên, khi về nước, Hiệp nhận ra trong nước vẫn chưa có sự kết hợp giữa những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và quá trình ứng dụng vào thực tiễn. Ở bệnh viện, người ta chỉ nghiên cứu về bệnh học chứ không chú trọng nghiên cứu về vật liệu dùng trong y tế.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, cuối cùng Hiệp chọn về đầu quân tại khoa kỹ thuật y sinh, trở thành giảng viên trẻ nhất tại đây. Ngoài thời gian giảng dạy, Hiệp miệt mài trong phòng thí nghiệm để làm ra những vật liệu y tế kỹ thuật cao với giá thành rẻ.

Cô hào hứng: “Không riêng gì máy móc khám bệnh, thuốc chữa bệnh mà vật liệu y tế chúng ta cũng phải nhập rất nhiều từ nước ngoài. Nếu chế tạo và sản xuất được vật liệu y tế trong nước thì giá thành chỉ bằng khoảng 1/10 giá nhập khẩu. Hiện mình đang nghiên cứu làm ra một loại gel mà khi mổ xong, bác sĩ chỉ cần bôi một lớp mỏng là vết thương có thể liền lại mà không cần chỉ khâu”.

Cùng chung khát vọng được sáng tạo những thứ mới mẻ, nhiều bạn trẻ đã từ bỏ chuyên ngành mình đang học để rẽ sang ngành kỹ thuật y sinh. Như bạn Lê Đỗ Thái Ngân, hiện là sinh viên năm 2 của khoa. Trước khi vào trường, Ngân đang học năm 3 đại học Kinh tế TP.HCM. “Học kinh tế là ý của ba mẹ Ngân.

Ngân cố học đến năm 3 thì thấy thật sự không phù hợp, nên thu hết can đảm xin gia đình cho tạm dừng việc học và làm lại từ đầu. Ngân về nhà ôn thi một năm, quyết tâm thi vào khoa kỹ thuật y sinh. Hai năm học ở đây, điều Ngân tâm đắc nhất là được vừa học, vừa được hướng dẫn thực hành, nghiên cứu. Nhìn các anh chị ứng dụng kiến thức đã học để làm được các loại máy móc hết sức thiết thực, tụi mình thích lắm. Sau này ra trường, Ngân cũng muốn được đi theo hướng nghiên cứu”.

Còn Cù Gia Huy, sinh viên năm 2, từng là thủ khoa đầu vào của Đại học Quốc gia TPHCM, cũng chọn ngành kỹ thuật y sinh chỉ với một lý do: muốn chọn một nơi có cơ hội ứng dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn. “Mình muốn tập trung chuyên sâu vào nghiên cứu, chế tạo máy. Mình tin là bằng những bước đi rất nhỏ như hiện nay, trong một tương lai gần Việt Nam sẽ tạo ra được nhiều máy móc, thiết bị và vật liệu y tế chất lượng cao, giá rẻ phục vụ bà con trong nước”.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên