Trần Nguyễn Duy Tuấn (giữa) nhận giải nhất cuộc thi Việt Nam startup wheel 2019 bảng thi cá nhân/nhóm khởi nghiệp - Ảnh: Q.L.
Trần Nguyễn Duy Tuấn và Đinh Duy Khanh, đôi bạn thân, đã mất gần bốn năm cho hành trình đi tìm lời giải trước đề bài đó. Dự án "Airiot giải quyết vấn đề điện năng cho các Host Airbnb" trình làng sản phẩm chỉ như chiếc móc khóa mà chở cả ước mơ về năng lượng cho môi trường sống xanh.
Duy Tuấn rất trẻ, rất tự tin và tư duy kinh doanh rất tốt. Airiot không hẳn là giải pháp “công nghệ sâu” nhưng sát nhu cầu thực tế, biết chọn phân khúc thị trường ngách để đưa sản phẩm tạo ra vào cuộc sống.
NGUYỄN THỊ DIỆU HẰNG (giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM)
Từ một game thủ
Tuấn tự nhận mình học dốt, mê game hơn và cũng là game thủ "có số má". Với anh, những năm tháng đến trường chẳng khác gì cực hình, chỉ sống trên game dường như mới là con người khác. Nên khi bị hack mất nick trong một game online, Tuấn bảo "tức muốn điên".
Nick bị hack, bao nhiêu "công sức khổ luyện" game tiêu tan trong chốc lát. Nhưng cũng chính những ngày tìm tòi để giành lại cái nick ấy mở ra cho Tuấn một cánh cửa khác - thế giới công nghệ mà trước đó Tuấn chưa từng tò mò. Hóa ra ở đó công nghệ giúp giải quyết bao nhiêu điều, không chỉ là luyện game, chiến đấu, trao đổi mua bán đồ ảo lấy tiền thật.
Anh chàng cũng mê phim khoa học viễn tưởng, coi Iron man và mơ ước ngày nào đó có thể tạo ra được thứ giúp điều khiển mọi vật xung quanh. Ý tưởng đó ai ngờ cùng suy nghĩ với ông bạn thân Đinh Duy Khanh. Thế là bắt tay "làm ra thứ điều khiển mọi vật xung quanh", một ước muốn nghe có vẻ bay bổng, trẻ con!
Nhưng làm thật. Ban đầu là nhà thông minh điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo nhưng thất bại vì "kiến thức quá ít để giải quyết mong muốn lớn"! Lúc đó Tuấn vừa chính thức nghỉ sau hơn một tháng nhập học tại một trường đại học tư. Còn Khanh học tự động hóa tại một trường đại học công.
"Tình cờ mình gặp một anh kinh doanh phòng Airbnb. Câu hỏi có thể giải quyết việc khách ra khỏi phòng không tắt điện của anh đã gợi ra con đường mới cho tụi mình" - Tuấn khoe.
Tuấn lo thiết kế phần mềm, Khanh nhận phần mạch điện. Sản phẩm đầu tiên ra đời, kết nối bằng WiFi nhưng thất bại lập tức vì pin chỉ xài được vài ngày. Như vậy phiền cho khách lẫn chủ, ai ăn ở không vài ngày lại thay pin.
Giấc mơ bay xa
Những đêm trắng của bộ đôi nhiều hơn. Nhưng kết quả lần này khá mỹ mãn. Thay cho WiFi, các bạn chọn phương thức kết nối bluetooth, tuổi thọ pin lên đến hai năm. Thiết bị gồm hai bộ điều khiển nhỏ gọn: một gắn vào công tắc sẵn có trong phòng, cái còn lại treo vào như móc khóa phòng.
Nhóm được anh Nguyễn Tiến Thủ (Công ty TNHH Christinas Việt Nam) nhận đỡ đầu, hỗ trợ không gian làm việc, trả lương và cả mua vật tư để làm sản phẩm.
"Chúng tôi hỗ trợ họ các tài nguyên vốn có và để các bạn tự do xây dựng sản phẩm tốt nhất có thể. Chúng tôi nhìn thấy niềm đam mê và muốn ủng hộ Tuấn và Khanh không chỉ tưởng tượng ra một tương lai mà là làm việc để biến thành sự thật" - anh Thủ chia sẻ.
Chỉ cần khách ra khỏi phòng, vượt khỏi bán kính được cài đặt sẵn, thiết bị sẽ tự động ngắt điện. Mặt khác, thiết bị này như "chìa khóa cấp năng lượng" cho phòng. Chỉ khi nào khách thuê đặt phòng trước và ghi nhận được trên hệ thống, khi khách nhận phòng đồng nghĩa với việc được cấp điện cho căn phòng ấy qua thiết bị này. Điều đó tránh được tình trạng nhân viên qua mặt chủ cho khách thuê "lụi" không đưa vào hệ thống, thiết bị cũng không cấp điện cho phòng ấy.
"Công ty chúng tôi đang sử dụng sản phẩm này, nhờ nó giúp tiết kiệm điện đáng kể và chờ xem các bạn còn tạo ra những gì sắp tới. Giải pháp đơn giản song khá ấn tượng, không yêu cầu cài đặt phức tạp hoặc bảo trì liên tục" - anh Thủ cho biết.
Ngoài game, Tuấn tự học và chơi được cả piano lẫn guitar như anh tự nhận máu nghệ sĩ chắc có sẵn trong người rồi vì bố mẹ đều là nghệ sĩ cải lương. "Thiết bị chỉ giúp tiết kiệm điện cho chủ hệ thống phòng, không theo dõi lộ trình riêng tư hay gây phiền hà đến khách thuê" - Khanh khẳng định.
Không chỉ hệ thống phòng Airbnb, hai bạn trẻ ấy có quyền nghĩ đến thị trường rộng hơn với hệ thống căn hộ, nhà dân vô cùng lớn. Nhưng ở đó còn có một câu chuyện khác như bộc bạch của Tuấn: "Trái đất nóng hơn vì nhiều thiết bị làm mát được bật hơn. Nên tắt bớt một thiết bị cũng giảm bớt lượng điện tiêu thụ khiến nhiệt độ môi trường bớt tăng lên".
Giải nhất cuộc thi khởi nghiệp 2019
Dự án này vừa chinh phục ban giám khảo để giành giải cao nhất cuộc thi khởi nghiệp Việt Nam startup wheel 2019 do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM (BSSC) phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức. Không chỉ vượt qua hàng ngàn dự án, ý tưởng khác để vào top 60 rồi top 10 dự án xuất sắc nhất mà còn "ẵm" luôn giải nhất bảng thi cho cá nhân/nhóm khởi nghiệp.
Duy Tuấn từng chinh chiến cuộc thi này năm 2018, song tự nhận "chưa ngon ăn" nên dù vào top 60 song anh chàng tự loại mình khỏi phần thuyết trình ở vòng thi này. Và lần trở lại năm 2019 này đã thật sự "lợi hại hơn xưa".
"Biến những thứ phức tạp thành đơn giản, nghĩ nhiều đến trải nghiệm và hành vi khách hàng, Airiot khác hẳn nhiều dự án công nghệ khác hay phức tạp hóa vấn đề. Các bạn hiểu rõ "chân dung" khách hàng của mình, một trong những yếu tố sẽ giúp dự án có những sản phẩm tiếp theo sát với nhu cầu thực tế, mang lại hiệu quả thiết thực" - giám đốc BSSC Nguyễn Thị Diệu Hằng nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận