Liên quan vụ đoàn tàu SE10 tông phải máy xúc tại Bình Thuận ngày 6-6, các đơn vị liên quan của ngành đường sắt hiện vẫn đang tập hợp hồ sơ, phối hợp với lực lượng chức năng vào cuộc điều tra, phân tích nguyên nhân và quy trách nhiệm cho các đơn vị liên quan.
Máy xúc của nhà thầu Long Hưng
Theo báo cáo từ các đơn vị liên quan, đoàn tàu SE10 khi tới km 1504 + 900 thuộc huyện Bắc Bình bất ngờ phát hiện trên đường sắt có một máy xúc. Tổ tàu đã lập tức hãm tàu khẩn cấp. Tuy nhiên vì khu vực này là đường cong, tầm nhìn hạn chế, đặc biệt là cự ly hãm quá gần nên đoàn tàu SE10 vẫn va phải máy xúc. Theo biên bản, chiếc máy xúc này là của Công ty cổ phần công trình Long Hưng.
Hiện nay dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Nha Trang - Sài Gòn, giai đoạn 2 thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM do Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư vẫn đang triển khai thi công. Khu vực xảy ra va chạm thuộc gói thầu XL-NTSG2-02 cải tạo, nâng cấp đoạn Km1454+917 - Km1613+510 thuộc tỉnh Bình Thuận.
Công ty cổ phần công trình Long Hưng - Công ty cổ phần Tổng công ty Công trình đường sắt - Công ty cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú - Công ty cổ phần Đường sắt Phú Khánh là đơn vị trúng thầu. Giá trị gói thầu hơn 443,4 tỉ đồng.
Tiến độ thi công của gói thầu theo hợp đồng là 600 ngày. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã chấp thuận mở điểm thi công trên đường sắt đoạn tuyến trên từ tháng 2-2023.
Mở điểm thi công phải đảm bảo điều kiện gì?
Theo văn bản chấp thuận mở điểm thi công, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu các đơn vị thi công theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt và phương án tổ chức thi công đã được Ban Quản lý dự án đường sắt chấp thuận.
Phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn về thi công trên đường sắt đang khai thác theo quy định, chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.
Trong quá trình thi công, cấm để vật tư, thiết bị máy móc vi phạm khổ giới hạn an toàn của đường sắt ngoài thời gian phong tỏa. Phải tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc của đường sắt.
Đồng thời trong quá trình thi công phải thực hiện các thủ tục về phong tỏa khu gian (khu vực giữa hai ga) và đăng ký các thủ tục khi thi công theo quy định.
Khi hoàn thành công trình phải dỡ bỏ, dọn dẹp các chướng ngại vật do xây dựng công trình gây ra, hoàn trả mặt bằng thi công đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và vệ sinh môi trường.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức thực hiện đầy đủ trách nhiệm chủ đầu tư trong quá trình xây dựng công trình theo quy định, quản lý chặt chẽ tiến độ, chất lượng và công tác đảm bảo an toàn mọi mặt trong quá trình thi công...
Sáng 7-6, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ có trách nhiệm ở Bình Thuận cho biết vụ tai nạn trên đã được Công an huyện Bắc Bình thụ lý. Vị cán bộ này cho biết thêm các vụ tai nạn tương tự từng xảy ra nhiều lần ở địa phương.
Đoàn tàu SE10 va máy xúc: Đây vụ việc rất nghiêm trọng
Theo đánh giá của một cán bộ đường sắt, việc để một chiếc máy xúc nằm trên đường sắt khi đoàn tàu đang đi qua là vấn đề rất nghiêm trọng. Vì vậy cần phải được xử lý nghiêm các đơn vị liên quan để đảm bảo an toàn chạy tàu, trong bối cảnh chúng ta triển khai thi công và nâng cấp nhiều đoạn tuyến đường sắt.
Rất may trong vụ việc này, tổ tàu phát hiện kịp thời và đã hãm phanh khẩn cấp để đảm bảo an toàn cho đoàn tàu và các hành khách trên tàu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận