Công tử Bạc Liêu tái hiện chiếc máy bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam
Trong trích đoạn hậu trường mới nhất của Công tử Bạc Liêu, nhà sản xuất tiết lộ chi nửa tỉ đồng để tái hiện chiếc máy bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Chiếc máy bay tư nhân phiên bản 1:1 được ê kíp đầu tư nhiều thời gian và công sức với chi phí lên đến hơn 500 triệu đồng để gia công trong suốt 4 tháng liên tục.
Đầu tiên, đội ngũ thiết kế nghiên cứu các thông số kỹ thuật 2D từ nguồn tài liệu của Pháp, sau đó nhóm kỹ xảo dựng lại mô hình 3D và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi chuyển sang giai đoạn sản xuất.
Ê kíp chia máy bay thành ba phần chính: thân máy bay, cánh trái và cánh phải. Quá trình lắp ráp phải trải qua hơn 5 lần lắp ráp mới thành công.
Máy bay được vận chuyển bằng xe cẩu lớn trọng tải 10 tấn và di chuyển toàn bộ trong đêm để đi từ bối cảnh này sang bối cảnh khác.
Để thực hiện các cảnh quay chiếc máy bay cất cánh, nhóm thiết kế lựa chọn vật liệu cẩn thận, đảm bảo mô hình đủ nhẹ để có thể kéo đi được.
Nguyên vật liệu chủ yếu bao gồm nhôm, vải sợi poly xuyên sáng, sắt vuông, sắt tròn, cánh quạt in 3D và nội thất được bọc da nhân tạo.
Đạo diễn Lý Minh Thắng chia sẻ: "Chúng tôi có thể sử dụng kỹ xảo, nhưng sẽ không mang lại cảm giác chân thực cho diễn viên và khán giả".
The Trunk bị chỉ trích cổ xúy mại dâm
Bộ phim The Trunk do Seo Hyun Jin và Gong Yoo thủ vai hiện tại đang nhận về nhiều tranh cãi khi cho rằng hợp đồng hôn nhân trong bộ phim dính dáng đến mại dâm, biến tướng thành hành vi suy đồi đạo đức.
Những câu thoại về mại dâm xuất hiện ngay từ đầu phim, kèm theo đó là tình tiết gượng gạo khi đẩy hai nhân vật xa lạ vào một cuộc hôn nhân hợp đồng.
Ở tập 1, nam chính thậm chí còn xem việc đòi hỏi tình dục như một dịch vụ chứ không phải sự đồng thuận của cả hai.
“Biên kịch đang cố tô hồng cho mối quan hệ sai trái này”, “hôn nhân hợp đồng chỗ nào, đây là mại dâm thì có”, “xem xong chỉ đọng lại những cảnh nóng thô thiển”... là những bình luận trên Allkpop bức xúc về kịch bản phim.
Khán giả cũng cho rằng Gong Yoo chọn kịch bản quá tệ, không tin nam diễn viên dù hoạt động lâu năm và nổi tiếng nhưng lại đóng một bộ phim thiếu chiều sâu như The Trunk.
All I Want for Christmas Is You trở lại top 1
Theo dự đoán của Talk of the Chart trên X, ca khúc huyền thoại All I Want for Christmas Is You của ngôi sao nhạc pop Mariah Carey sẽ tiếp tục quay trở lại vị trí top 1 trong bảng xếp hạng Billboard tuần tới.
Ra mắt năm 1994, nhưng All I Want for Christmas Is You vẫn luôn oanh tạc mỗi mùa Giáng sinh, trở thành ca khúc không thể thiếu vào tháng 12, thậm chí đã nhen nhóm đặt chân vào các bảng xếp hạng âm nhạc sau khi Halloween vừa kết thúc.
Mỗi năm, ca khúc đều leo lên bảng xếp hạng Billboard Hot 100, nhưng đến năm 2021, ca khúc mới chính thức chiếm vị trí số 1 và được đánh giá là “một trong những bài hát hay nhất mọi thời đại”.
Cùng năm, Mariah Carey cũng nhận về chứng nhận kim cương của RIAA (Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Hoa Kỳ) cho bài hát All I Want for Christmas Is You, trở thành đĩa đơn ăn khách nhất sự nghiệp của nữ ca sĩ.
Không quá bất ngờ, năm 2023 ca khúc vẫn đứng đầu bảng xếp hạng Billboard Hot 100 trong 13 tuần liên tiếp.
Dịp Giáng sinh lại cận kề, All I Want for Christmas Is You có thể đứng ở vị trí cao nhất trong bao lâu vào năm 2024?
Từ điển Oxford công bố "Brain rot" là từ của năm 2024
Ngày 2-12, Từ điển Oxford công bố “brain rot” là từ của năm 2024, tuy nhiên vẫn chưa được chính thức đưa vào từ điển.
Theo đó, “brain rot” (tạm dịch: thối não) là sự suy giảm trạng thái tinh thần hoặc trí tuệ của một người khi tiêu thụ quá mức các nội dung được xem là tầm thường, không có thách thức.
Thuật ngữ ám chỉ mối quan ngại về tác động của việc tiêu thụ quá nhiều nội dung trực tuyến chất lượng thấp, đặc biệt là trên phương tiện truyền thông xã hội.
Từ “brain rot” lần đầu được ghi chép lại là vào năm 1854, trong cuốn sách Walden của Henry David Thoreau. Ông dùng từ này để diễn giải về việc con người có xu hướng hạ thấp các giá trị phức tạp trong cuộc sống, từ đó dẫn đến sự suy giảm về nỗ lực trí tuệ và tinh thần.
So sánh với củ khoai tây bị thối rữa, từ “brain rot” cũng ra đời: "Trong khi nước Anh nỗ lực chữa bệnh thối khoai tây, thì liệu có nỗ lực nào để chữa bệnh thối não (brain rot) không - căn bệnh đang lan rộng và gây tử vong hơn nhiều?" - Henry viết.
Ban đầu, thuật ngữ chỉ được sử dụng rộng rãi trên TikTok bởi gen Z và gen Alpha, tuy nhiên hiện nay đã xuất hiện trong báo chí chính thống khi đề cập đến các lo ngại về tác động tiêu cực của việc lạm dụng nội dung trực tuyến.
Số liệu công bố của Oxford cho biết thuật ngữ “brain rot” có tần suất sử dụng tăng đến 230% trong khoảng thời gian từ năm 2023 - 2024.
Queen never cry xâm chiếm K-pop
Meme Queen never cry (tạm dịch: Nữ hoàng không bao giờ khóc) không chỉ gây hài hước trên nền tảng TikTok, các nghệ sĩ K-pop cũng nhanh chóng tham gia, đặc biệt là các nghệ sĩ gen Z, khiến người hâm mộ “bật ngửa”.
Theo đó, Sohee (RIIZE) đã xuất hiện trong video cùng nữ rapper Lee Young Ji thể hiện lại hình ảnh viral của meme này khiến người hâm mộ vừa bất ngờ, vừa buồn cười vì biểu cảm quá giống.
Biểu cảm lạ của Lee Young Ji, Sohee (RIIZE) và Ella (MEOVV) khi bắt chước meme Queen never cry khiến nhiều người thích thú - Ảnh: TikTok RIIZE/IG Ella
Video đã nhận về 13 triệu lượt lượt xem trên Instagram và gần 11 triệu lượt xem trên TikTok trong chưa đầy 24 giờ.
Ella, thành viên nhóm nhạc MEOVV, đàn em BLACKPINK, cũng thể hiện sự hài hước của mình khi nhanh chóng bắt chước meme này.
“Giống quá, nhất là cặp chân mày”, “buồn cười thật sự”, “không ngờ Ella hài đến vậy”, “y chang luôn”... - người xem thích thú trước “tạo hình” quá giống của nữ thần tượng.
Xuất phát từ bộ truyện webtoon Hàn mang tên The Ki sister (Chị em nhà Ki), meme Queen never cry nhanh chóng lan truyền khi nội dung mang hàm ý luôn bình tĩnh trước mọi tình huống, như đang thể hiện tính cách của gen Z là đừng khóc trước mọi tình huống oái ăm.
Khi điện thoại đổ chuông gây tranh cãi về thủ ngữ
Ngày 1-12, Soompi đưa tin đội ngũ sản xuất của phim Khi điện thoại đổ chuông lên tiếng xin lỗi về cảnh sử dụng thủ ngữ gây tranh cãi.
Cụ thể, trong tập đầu tiên của Khi điện thoại đổ chuông, nhân vật chính Hong Hee Joo (do Chae Soo Bin thủ vai) làm việc với tư cách là phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu cho một chương trình tin tức.
Do lỗi truyền tải trong quá trình phát sóng trực tiếp, chương trình bị dừng ở cảnh Hong Hee Joo kí hiệu từ "núi" nên bị hiểu nhầm là một cử chỉ tay khiếm nhã.
Sau khi tập phim được phát sóng, bộ phim đã bị chỉ trích vì bị cáo buộc chế giễu ngôn ngữ ký hiệu, một số khán giả bày tỏ rằng họ cảm thấy bị xúc phạm bởi cảnh quay này.
Nhà sản xuất của bộ phim đã chính thức xin lỗi về cảnh quay nói trên: “Chúng tôi thừa nhận rằng trong quá trình sản xuất, đội ngũ sản xuất đã không nỗ lực nghiên cứu và khắc họa kỹ lưỡng hơn những khó khăn mà người khiếm thính và những người sử dụng ngôn ngữ ký hiệu Hàn Quốc gặp phải”.
Đoàn làm phim cũng cho biết sẽ cẩn thận và nỗ lực hết sức để ngăn chặn loại lỗi đường truyền tái diễn trong tương lai, tránh những hiểu lầm không đáng có.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận