21/06/2013 05:00 GMT+7

Chiếc đai 9 đẳng chưa một lần được mang

TẤN PHÚC
TẤN PHÚC

TT - Sau thời gian dài chống chọi với bệnh tim và bệnh gan (rất nặng), võ sư Nguyễn Hữu Huy đã ra đi để lại nhiều thương tiếc trong giới judo VN và chiếc đai chín đẳng chưa một lần được mang.

TT - Sau thời gian dài chống chọi với bệnh tim và bệnh gan (rất nặng), võ sư Nguyễn Hữu Huy đã ra đi để lại nhiều thương tiếc trong giới judo VN và chiếc đai chín đẳng chưa một lần được mang.

Võ sư Nguyễn Quốc Trung (con trai võ sư Hữu Huy) cho biết: “Liên đoàn Judo Hàn Quốc đang hoàn tất thủ tục cấp bằng chín đẳng quốc tế (trên thế giới chỉ vài chục võ sư đạt đến đẳng này) để ghi nhận đóng góp to lớn của cha tôi cho judo. Dù đã nghỉ hưu nhưng cha tôi vẫn thường xuyên thăm hỏi VĐV, có mặt tại các giải đấu để chỉ dẫn thêm cho thế hệ VĐV trẻ hiện nay”.

Chỉ vài giờ sau khi võ sư Hữu Huy trút hơi thở sau cùng tại bệnh viện, hàng trăm học trò của ông đã tất bật tề tựu nhìn mặt thầy lần cuối. Nhiều võ sĩ trẻ của tuyển judo TP.HCM và VN hiện nay dù chưa một lần được thọ giáo thầy Huy cũng đến tiễn đưa ông. Trong số những người thắp nén hương đầu tiên cho võ sư Hữu Huy có nhiều cựu ngôi sao của judo VN như “cô gái vàng” Cao Ngọc Phương Trinh, Lê Đức Công...

Phương Trinh là một trong ba võ sĩ được ông Hữu Huy đưa đi dự Asiad 1990 tại Trung Quốc. Đó là chuyến đi mà ông Hữu Huy như người cha chăm sóc đàn con trong hành trình đường bộ hơn nửa tháng để đến được Bắc Kinh. Vì là chuyến xuất ngoại đầu tiên của judo VN nên cả thầy lẫn trò đều bỡ ngỡ trước quy định về áo thi đấu, trong đó bắt buộc ống tay áo đấu phải rộng 10-15cm. Do áo đấu của VN chỉ rộng khoảng 8cm nên để học trò không bị loại oan ức, võ sư Huy đã máng áo lên thanh sắt rồi dùng sức vừa kéo vừa nương (để không đứt chỉ) cho giãn ra. Sau một đêm hì hục của thầy Huy, những chiếc áo đấu của VN đã đạt chuẩn thi đấu.

Tại lễ tang, nhiều người xúc động khi bắt gặp cựu vô địch SEA Games Lê Đức Công đứng thẫn thờ bên quan tài nhìn mặt thầy lần cuối. Nhiều năm nay, anh Công bị hành hạ bởi chấn thương lưng, cột sống (di chứng của quãng thời gian theo nghiệp võ) có lúc phải nằm liệt giường. Trong lúc những người có trách nhiệm làm lơ thì anh nhận được sự động viên rất lớn từ thầy Huy.

Anh Công kể: “Những lời động viên của thầy cùng ít tiền thầy giúp tôi trong giai đoạn khó khăn thật đáng quý. Khi nghe tin thầy mất, tôi vớ ngay liều thuốc giảm đau loại mạnh để chích vào người rồi chạy đến đây nhìn mặt thầy lần cuối. Dù thầy Huy không còn dạy võ nhưng khi thầy mất, tôi cảm giác làng judo VN mất đi một tượng đài...”.

Chia sẻ về người thầy của mình, anh Công nói tiếp: “Vì cảm phục tài năng và đạo đức của thầy mà tôi đã theo thầy suốt từ năm 1981 đến tận khi thầy nghỉ dạy. Nhìn thầy nằm đây, tôi hồi tưởng nhiều kỷ niệm. Thầy Hữu Huy luôn là võ sư nghiêm khắc trong võ đường nhưng ở đời thường hiền hòa như một người cha. Vào những năm 1980 đất nước còn khó khăn, võ sĩ chúng tôi thường phải tập luyện, thi đấu với cái bụng đói. Chính thầy là người đã nhịn phần cơm của mình để chia cho học trò thêm chút cơm, chút rau thịt mà có sức thi đấu. Lúc đó thầy đã bị bệnh tim rất nặng, thường xuyên bị ngất nhưng vẫn ráng dạy chúng tôi”.

HLV Nguyễn Ngọc Phong của tuyển Judo Bình Thuận khi hay tin cũng lập tức lặn lội từ Bình Thuận vào TP.HCM để tiễn đưa thầy lần cuối. Anh Phong nói: “20 năm đã trôi qua kể từ khi tôi được học thầy. Dù học thầy chỉ một năm nhưng đó là quãng thời gian tôi không thể nào quên. Có thể nói những gì được thầy truyền dạy trong quãng thời gian đó đã giúp tôi có được hôm nay. Tôi kính thầy vì thầy không chỉ là võ sư mà còn là người cha gần gũi, thường xuyên nói chuyện, tìm hiểu tâm tư của chúng tôi và giảng về những bài học làm người quý giá”.

TẤN PHÚC

TẤN PHÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên