Cũng có khá nhiều công trình thiết yếu nơi những vùng đất nghèo xa: xây trường lớp, nhà ở cho giáo viên, nhà lưu trú cho học sinh dân tộc, xây trạm xá, xây cầu…
Tất cả đều do bạn đọc đóng góp, tài trợ.
Chiếc cầu nối những tấm lòng
"Bạn đọc" là từ mà Tuổi Trẻ gọi chung những người đã đến với mình: anh xe ôm, chị ve chai, chị tiểu thương, thầy cô giáo, các em học sinh, các hội đoàn, các công ty, các doanh nghiệp, tập đoàn...
Mỗi chương trình nhắm đến một đối tượng nhất định. Những người làm báo Tuổi Trẻ, trên đường hoạt động nghề nghiệp của mình, đã phát hiện, hoặc do chính bạn đọc chỉ báo những đối tượng, những cảnh tình cần sự giúp đỡ của xã hội, cộng đồng.
Từ đó Tuổi Trẻ xây dựng nên những chương trình, những dự án và Tuổi Trẻ chỉ nhận rằng mình đang làm một chiếc cầu nối, nối những tấm lòng của bạn đọc đến những con người, những cảnh đời.
May thay, những chiếc cầu nối ngày một dài ra, rộng ra, chảy về nhiều vùng quê nghèo trên khắp đất nước.
Tấm lòng của bạn đọc chảy về không ngừng, kể cả những lúc cả xã hội đều lâm vào cảnh khó như mấy năm đại dịch, kinh tế khó khăn. "Phép màu nào vậy?".
Tôi nhớ có lần trong một buổi giao lưu với Tuổi Trẻ, một bạn đọc đã đặt vấn đề: "Nguồn lực đâu mà báo tổ chức được nhiều chương trình xã hội?".
Câu trả lời đơn giản thôi: "Bạn đọc...". Nhưng thật ra không đơn giản. Để thu hút được bạn đọc, thu hút được tấm lòng của bạn đọc thì phải có "chất"!
"Chất" của Tuổi Trẻ
Nhớ lại thuở ban đầu, một vị trí thức ở nước ngoài vận động được một ít tiền đem về cùng Tuổi Trẻ tổ chức học bổng, đã nhắc lại: "Tôi đồng cảm với tên gọi của chương trình công tác xã hội của báo: "Vì ngày mai phát triển"...".
Đó là một cái "chất" riêng, là định hướng, là mục tiêu. Ai cũng hiểu muốn ngày mai phát triển phải có tri thức, có học hành nhưng cơ hội để nắm bắt tri thức, học hành không đồng đều. Những vùng đất nghèo khó, con em những gia đình nghèo khó luôn bị tụt lại phía sau.
Chương trình "Vì ngày mai phát triển" nhắm đến những ước mơ thấm mồ hôi đang được ấp ủ dưới những mái tranh ấy, và những chương trình "con" về học bổng, xây dựng trường lớp, trợ vốn cho giáo viên... ra đời. Thấy mình trong ấy, bạn đọc rất dễ dàng đồng cảm, sẻ chia.
Một số doanh nghiệp đã bắt đầu chú ý đến chương trình. Một hôm một vị giám đốc đến trao đổi với Tuổi Trẻ về việc tổ chức học bổng cho học sinh nghèo ở các tỉnh miền Trung.
Sau khi thống nhất về nội dung, anh nói: "Cảm ơn Tuổi Trẻ. Chúng tôi chọn Tuổi Trẻ vì ngoài việc tổ chức chương trình chu đáo, chúng tôi tin một điều là tất cả những gì chúng tôi muốn gửi đến các em chắc chắn sẽ đến trọn vẹn với các em...".
Chúng tôi hiểu vị giám đốc này đã cảm nhận cái "chất" số 1 của Tuổi Trẻ trong việc làm công tác xã hội - nguyên tắc bất di bất dịch: bạn đọc gửi giúp một đối tượng 1 đồng thì Tuổi Trẻ sẽ đưa đúng 1 đồng đến tận tay đối tượng đó.
Còn để làm sao đưa, mất bao nhiêu công sức, bao nhiêu phí để đưa được 1 đồng đó đến tận tay đối tượng là trách nhiệm của Tuổi Trẻ. Có doanh nghiệp chưa biết cái "chất" đó đã hỏi thẳng: "Nếu chúng tôi tài trợ để làm chương trình thì phải chi cho việc tổ chức của báo hết bao nhiêu phần trăm?".
Đại diện Tuổi Trẻ rất ngạc nhiên: "Dạ thưa, 0 phần trăm", và giải thích rõ: Nếu công ty muốn giúp 100 suất học bổng, mỗi suất 1 triệu đồng thì tốt nhất công ty bỏ sẵn vào 100 cái bì thư và Tuổi Trẻ sẽ tìm đúng 100 em xứng đáng nhất rồi tổ chức chương trình, tập hợp các em để công ty trực tiếp trao cho các em.
Cũng như cứu trợ, đơn vị muốn trao bao nhiêu suất quà, mỗi suất trị giá bao nhiêu là do đơn vị, Tuổi Trẻ có trách nhiệm chọn lọc người nhận và đơn vị trực tiếp đến trao... Trong mọi trường hợp, Tuổi Trẻ luôn giữ cái "chất", cái nguyên tắc ấy.
Nhớ năm 1999 các tỉnh miền Trung bị bão lũ hoành hành, bạn đọc từ mọi nơi đổ về Tuổi Trẻ chia sẻ cùng đồng bào. Với một số tiền lớn, Tuổi Trẻ tổ chức chương trình "Dựng lại mái nhà cho bà con vùng lũ".
Khi làm việc với tỉnh, một đại diện của ủy ban tỉnh khẳng định: nguyên tắc là nếu số tiền trên 10 triệu đồng thì phải nộp cho ban cứu trợ của tỉnh để ban điều phối.
Đại diện của Tuổi Trẻ không đồng ý và nêu nguyên tắc của báo: khi bạn đọc đến góp dù 50.000, 70.000 hay tiền triệu tiền tỉ cũng đều căn dặn là phải đưa tận tay người khốn khó, nên Tuổi Trẻ không làm khác được. May thay, cuối cùng tỉnh cũng thuận cho Tuổi Trẻ thực hiện chương trình.
Một cái "chất" khác, một nguyên tắc khác của Tuổi Trẻ là công bằng. Mỗi chương trình dành cho một nhóm đối tượng nhất định, Tuổi Trẻ đề ra những tiêu chuẩn và ai đáp ứng đủ nhất định sẽ được thụ hưởng.
Căn cứ theo đúng tiêu chuẩn, không vì một lý do nào khác, một áp lực nào khác, như lý lịch, quen biết hay gửi gắm để chọn lựa. Tuổi Trẻ đã tổ chức nhiều chương trình học bổng cho học sinh, sinh viên với tiêu chuẩn: giỏi và có ý chí, hoàn cảnh khó khăn và nỗ lực vượt khó.
"Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên" là một chương trình lớn, xuyên suốt 20 năm qua đã tạo điều kiện cho hàng vạn bạn trẻ giỏi giang từ những mái nhà nghèo khó bước chân vào giảng đường đại học.
Cũng từ đó, với niềm tin vào tấm lòng bạn đọc sẵn sàng mở ra, Tuổi Trẻ đã gửi đi một thông điệp: "Không để bất cứ tân sinh viên nào vì nghèo khó mà không thể vào đại học", và "Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Tuổi Trẻ".
Cầu nối càng lúc càng rộng, càng dài
Những chiếc cầu nối càng lúc càng rộng, càng dài, tất nhiên khoản chi cho việc "xây cầu" của Tuổi Trẻ cũng càng lúc càng lớn.
Để tổ chức bất cứ một chương trình nào cũng cần một khoản kinh phí nhất định. Khoản kinh phí đó, tất cả anh em Tuổi Trẻ đều đồng lòng: phần đóng góp của mình.
Bạn đọc tin cậy Tuổi Trẻ nên mua báo, đọc báo và bạn đọc tin cậy Tuổi Trẻ nên sẵn sàng góp những đồng tiền dù lớn dù nhỏ để Tuổi Trẻ "xây cầu" - tổ chức những chương trình sẻ chia với cộng đồng.
Đó chính là niềm tin, là nguồn vui, nguồn hạnh phúc của những người làm báo Tuổi Trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận