TTCT - Trái đất này vốn không vạch đường biên nào cả. Tất cả các đường biên chỉ là sản phẩm của con người sinh ra từ những lợi ích kinh tế, chính trị, tôn giáo... dị biệt. Thực tế đó còn tồn tại (và chắc chắn còn tồn tại rất lâu). May mà có nghệ thuật phần nào giúp ta “vô hiệu hóa” những rào cản vật lý lẽ ra rất phi lý đó. Năm 1969, ba thành viên Liên minh kinh tế BeNeLux (Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) quyết định bỏ kiểm tra xuất nhập cảnh ở biên giới giữa ba nước vì không còn lý do quan trọng nào để duy trì. Phía bên kia bức màn sắt, nửa thập niên sau CHDC Đức cũng bắt tay với Tiệp Khắc và Ba Lan để người dân của họ được thoải mái đi lại không cần thị thực. Hôm nay, cơ chế tự do dịch chuyển (một phần mở rộng cả quyền lao động và cư trú) của BeNeLux đã lan rộng thành Công ước Schengen với ngót ba chục quốc gia hưởng lợi. Phần lớn diện tích châu Âu, với những đường biên từng được đổ máu bảo vệ hàng thiên kỷ qua, nay chứng kiến hằng năm 1,25 tỉ cuộc “vượt biên hợp pháp” của 400 triệu dân từ 26 nước vùng Schengen. Sự mong manh của hình ảnh lạc quan ấy lộ ra trong những khung cửa vừa mở toang mấy hôm đã sập lại. Năm 1980, sau phát triển đáng ngại của Công đoàn Solidarnosc, Đông Đức lập lại các trạm canh biên giới với Ba Lan. Cuộc khủng hoảng di dân năm 2015 thúc mấy nước EU như Czech và Hungary tái dựng hàng rào kẽm gai để ngăn chặn dòng người tị nạn. Và không chỉ một Donald Trump vui mừng tuyên bố được nghị viện phê chuẩn 2,5 tỉ USD để xây một nửa đường biên 3.144 cây số với Mexico thành tường cao. Cuối đường hầm tối đen ấy le lói vài ánh đuốc, như của Ronald Rael, hay Enrique Chiu, hay East Side Gallery (Berlin). BẬP BÊNH XUYÊN BIÊN GIỚI Lính biên phòng Mỹ ở cửa khẩu Sunland Park nhắm mắt quay đi để giáo sư kiến trúc Ronald Rael từ Trường University of California in Berkeley và nữ đồng nghiệp Virginia San Fratello từ San Jose State University lắp ba cái bập bênh màu hồng, đâm xuyên qua hàng rào biên giới bằng sắt chắn giữa hai nước. Chiếc bập bênh ở biên giới Mỹ - Mexico của giáo sư kiến trúc Ronald Rael Không chỉ trẻ con, mà đông đảo người lớn đổ xô đến sân chơi mới mẻ này. Hai thế giới cùng cười đùa vui vẻ với nhau, dù ở hai bên song sắt. Đường biên giới này vốn là nơi chứng kiến bao nước mắt từ hai phía. Không chỉ hơn 36 triệu người gốc Mexico tha hương nơi Mỹ, mà số người vượt rào trái phép cũng khó thống kê được - sự chênh lệch tổng sản phẩm quốc nội giữa 8.500 USD và 36.000 USD khiến vấn nạn này còn lâu mới có hồi kết (câu thở dài não nuột nhất của người Mexico là “Thượng đế thì xa, mà nước Mỹ quá gần”). Bản thân giáo sư Rael tuy sống với gia đình ở Oakland (California) nhưng có gốc gác ở miền sơn cước khô hạn San Luis Valley, trước năm 1848 còn giáp ranh Hoa Kỳ, do đó ông thấu hiểu tình cảnh nhóm người nhập cư đông nhất quanh mình. Dự định trục xuất tất cả người di cư trái phép của chính quyền Trump - một phần quan trọng trong các hứa hẹn khi tranh cử - sẽ dẫn đến một thảm kịch có một không hai ở châu Mỹ. Có lẽ những đứa trẻ chơi trò bập bênh còn quá bé để hiểu thông điệp ẩn giấu mà Ronald Rael ấp ủ từ năm 2009: hành vi nào bên này biên giới cũng sẽ gây hệ quả cho bên kia và ngược lại. Dù sao thì hai nghệ sĩ Mỹ chắc chắn đã tạo được hiệu ứng lạc quan, đi ngược lời tuyên chiến của tổng thống nước họ và kéo con người xích lại gần nhau hơn, dù tác phẩm của họ chỉ được tồn tại vài giờ. GRAFFITI CHO NỬA TỐI Ý tưởng hay cả hi vọng của Ronald Rael và Virginia San Fratello không mới và cũng không đơn độc, vì không chỉ người Mexico phải sống chung với tình cảnh tuyệt vọng của những người vượt biên trái phép. Thống kê mỗi năm cho thấy chừng 400.000 người Mỹ-Latin vượt rào vào miền đất hứa mỗi năm. Nhiều người trả giá cho cuộc phiêu lưu ấy bằng tính mạng của mình: từ những năm 1990, lính biên phòng Mỹ ghi nhận hơn 6.000 xác chết ở vùng biên. Ngày 1-12-2016, khi họa sĩ Enrique Chiu áp thang vào bức tường biên giới để bưng xô màu lên, mấy sĩ quan quân lực Hoa Kỳ cũng có mặt. Họ đã nhận được thư của Chiu mấy bữa trước, thông báo dự định vẽ lên tường của ông. Thực ra đó là bản sao lá thư ông gửi tới tổng thống đương nhiệm ngày ấy, Barack Obama, xin phép được cùng nhiều họa sĩ quốc tế vẽ cả hai mặt bức tường. Nhà Trắng im lìm, khất nợ một câu trả lời. Họa sĩ 36 tuổi người Mexico không nhụt chí. Dự án “Tranh tường của tình huynh đệ” được ông bắt đầu với năm trợ lý bên phía lãnh thổ Mexico, và đến ngày thứ tư thì đã có 200 người tham gia. Bức tranh tường của họa sĩ Enrique Chiu Từ ngày ấy, ông miệt mài vẽ các ngày cuối tuần. Các bạn người Nhật, Ecuador, Đức... góp một tay, ai muốn vẽ hay viết gì tùy ý. Bức tường xám xịt ngày nào đang trên đường trở thành phòng tranh ngoài trời lớn nhất thế giới với khẩu hiệu, họa tiết và hình vẽ chủ yếu theo chủ đề hòa bình, cộng đồng hay di dân. Chiu kiêu hãnh đếm được trên 2.700 cá nhân từ khắp thế giới tham gia. Hồi năm 2013, ông đã bắt đầu với một hàng rào biên giới dài 10m ở Tijuana, giáp với San Diego (Mỹ). Dự án kế tiếp là một bức họa tặng các bà mẹ Mexico bị trục xuất từ Hoa Kỳ. Ý tưởng về các dự án quy mô hơn thì không hiếm, song các nghệ sĩ cần tài trợ. Một lời kêu gọi đưa ra trong tháng 1-2017, chỉ sau năm ngày đã đem lại đủ vật liệu cho hai cây số tường biên giới. Bản thân Chiu đóng góp 7.000 USD và các nghệ sĩ đều cố gắng tự đem theo màu tới “xưởng họa”. Chẳng mấy chốc họ hoàn tất hai cây số tường biên giới ở Tijuana cũng như 500m ở Tecate và Mexicali, với tổng diện tích 16.000 thước vuông. Ngay lính biên phòng Mỹ cũng rất thích các tác phẩm này. Họ chia sẻ công khai ý tưởng của Chiu kêu gọi ủng hộ cộng đồng, nhất là thành phần di dân. Tổng thống Donald Trump nhiều lần tung lên Twitter kế hoạch xây “một bức tường lớn và tuyệt đẹp” làm biên giới. Chiu không biết Trump có thành công không, nhưng đến lúc đó ông tiếp tục vẽ tranh tường vào tất cả thứ bảy và chủ nhật. Và nếu Trump đạt được dự định của mình thì Chiu biết sẽ phải làm gì: “Đơn giản thôi, chúng tôi sẽ vẽ kín bức tường đó”. PHÒNG TRANH BIÊN GIỚI NỔI TIẾNG NHẤT Có lẽ East Side Gallery ở quận Friedrichshain của Berlin, nhờ vị trí trung tâm châu Âu và ý nghĩa phát sinh sau Thế chiến II và chiến tranh lạnh, là phòng tranh ngoài trời được nhiều người biết đến hơn cả. Phòng tranh ngoài trời của East Side Gallery ở quận Friedrichshain của Berlin Nó là đoạn sót lại của 168 cây số tường bêtông bao quanh Tây Berlin và đương nhiên là biên giới giữa hai thể chế được trang bị vũ khí đến tận răng, ngày nào cũng có thể tung hỏa lực triệt hạ cả quả đất. Sau khi thống nhất hai miền Đông - Tây, người dân quá nóng vội và đập phá gần hết cái đường biên từng tồn tại hơn 28 năm ròng, chỉ để sót lại vài đoạn tường. May mắn thay, trong đó có 1.316m được phủ kín tranh và được bảo tồn như một chứng nhân của lịch sử châu Âu. Do vị thế không cần bàn cãi của nó, phòng tranh ngoài trời này chủ yếu chỉ mang chủ đề “Nước Đức chia cắtö, do 118 nghệ sĩ đến từ 21 nước thể hiện trong khoảng 100 tác phẩm. Ngay người Đức cũng thích đến đây nhiều lần để nhớ lại những gì dân tộc họ phải trải qua sau năm 1945, đặc biệt là những ngày quyết định hồi những năm 1989/1990. Bản thân việc hình thành “phòng tranh” này đã phản ánh các xáo động ở cả hai bên bức tường biên giới. Khi hội nghệ sĩ hai nước Đức bắt tay nhau bàn ý tưởng, họ phải xin phép Bộ Quốc phòng CHDC Đức bấy giờ vẫn đang hoạt động. Các nhà tài trợ chính xếp hàng: Đại sứ quán Mỹ, Coca-Cola, McDonald’s... Chính các nghệ sĩ Đông Berlin kịch liệt phản đối nhận tiền từ các cơ sở đó, không muốn đánh mất tính độc lập vừa mới giành được qua sự áp đặt chủ đề sáng tác của các “nhà hảo tâm”. Rốt cuộc chỉ có nghiệp đoàn ngành sơn được ra tay hỗ trợ, nhưng không trưng tên mình ra. Biên giới vẫn còn đó, ở khắp địa cầu, nhưng ý chí của con người và nghệ thuật sẽ chắp cánh cho con người vượt qua chúng. ■ Tags: Biên giớiNghệ thuậtBức tường BerlinBập bênh màu hồng
Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VIỄN SỰ 25/01/2025 Ông Nguyễn Thanh Nghị - ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng - làm Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM.
Ông Vũ Hồng Văn làm Bí thư Đồng Nai HÀ MI 25/01/2025 Ông Vũ Hồng Văn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai.
Ngoại trưởng Mỹ: Quan hệ Việt - Mỹ là hình mẫu tiêu biểu trong quan hệ quốc tế DUY LINH 25/01/2025 Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio khẳng định như vậy trong cuộc điện đàm đầu tiên với Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tối 24-1.
Hàng ngàn xe nhích từng chút từ nút giao An Phú tới trạm thu phí Long Phước lên cao tốc MINH HÒA 25/01/2025 Do lượng xe đông từ các nơi đổ về nút giao An Phú để lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây nên ùn ứ kéo dài khoảng 10km.