Phóng to |
Rổ bánh dành cho người nghèo tại một tiệm bánh ở Serbia - Ảnh: AFP |
Mỗi buổi sáng Lidija Milanovic đều ghé vào tiệm bánh quen thuộc ở Belgrade để mua bữa sáng là hai cái bánh sừng bò. Nhưng cô chỉ ăn một cái và để lại một cái vào chiếc rổ nhỏ gần cửa sổ. Bên dưới chiếc giỏ ghi những chiếc bánh này dành cho người nghèo.
“Thật tuyệt vời vì có người đã nghĩ ra một cách đơn giản để giúp người khác mà không phải tốn quá nhiều thời gian và công sức” - chị Milanovic, một nữ doanh nhân 37 tuổi, nói. Chị biết đến chiến dịch chia sẻ này thông qua mạng xã hội. Jovana Bogavac, một nữ sinh trung học xếp hàng sau Milanovic, vô cùng ngạc nhiên vì hành động của Milanovic. Tuy nhiên sau khi nghe giải thích về chiến dịch mang tên Solidarity Grub, cô cũng quyết định tham gia. “Đó là một ý hay! Ở khu vực này tôi thường thấy người ta bới các thùng rác để tìm thức ăn nhưng tôi ngại đến giúp đỡ họ. Đây là một cách để làm điều đó” - Bogavac nói.
Các con số thống kê cho thấy 9,2% trên 7,2 triệu dân của Serbia nghèo đói, mức sống dưới 1 euro mỗi ngày. Trong khi đó ở trẻ em, cứ 100 trẻ thì có 12 em sống trong đói nghèo và sáu em bị suy dinh dưỡng, theo AFP.
Solidarity Grub được khởi động hồi tháng 4-2013 bởi ba thanh niên độ tuổi ngoài 20 làm việc cho một công ty dịch vụ Internet. Cả ba cho biết ý tưởng đến với họ sau khi xem một đoạn phim về việc mọi người ở Ý chia sẻ cà phê với những người vô gia cư. “Chúng tôi rất thích ý tưởng này” - điều phối viên Nina Milos, 24 tuổi, kể lại. Và họ muốn làm một chiến dịch tương tự tại Serbia.
Họ quyết định chọn các loại bánh để chia sẻ vì muốn chương trình được biết đến rộng rãi. Ngoài ra, bánh nướng cũng không quá đắt. Họ tìm đến thuyết phục các chủ tiệm bánh và sau sáu tháng đã có khoảng 60 tiệm tham gia. Thông tin quảng cáo và địa chỉ các cửa hàng được đăng trên trang Kioskpages.com. Poster dự án được dán bên ngoài những tiệm bánh tham gia chiến dịch.
Đáng ngạc nhiên là ở một đất nước có tỉ lệ thất nghiệp lên đến 20% như Serbia, chiến dịch đã tạo ra một hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ. Những người có thu nhập thấp nhất trong xã hội lại chính là những người hưởng ứng nhanh và mạnh nhất bởi họ hiểu được việc thiếu ăn kinh khủng như thế nào. Các chủ tiệm bánh cũng kinh ngạc vì số người tham gia chia sẻ bánh ngày càng đông hơn. “Dự án thành công vì không đòi hỏi quá nhiều công sức và chi phí cũng rất thấp” - chuyên gia tâm lý Anika Stojanovic nói.
Để đưa thông tin đến những người nghèo, vốn hạn chế khả năng tiếp cận Internet, nhóm của Milos phải sử dụng những cách truyền thống như đăng quảng cáo trên những tờ báo miễn phí, phát thông tin tại những mái ấm cho người vô gia cư và các nhóm đào tạo nghề. Họ cũng vận động mọi người truyền miệng thông tin về bữa ăn miễn phí đến những người nghèo mà họ gặp. Mirjana, một bà mẹ ba con, biết đến Solidarity Grub trên tivi. Cả gia đình cô sống dựa vào tiền công ít ỏi của người chồng làm công nhân xây dựng và thường xuyên phải chịu đói cả ngày. “Bây giờ thì chúng tôi có ít nhất một bữa ăn mỗi ngày” - Mirjana cho biết.
Sau thành công ở Serbia, nhóm của Milos đang mở rộng dự án tuyệt vời này ra nước ngoài, và hiện đã bắt tay thực hiện ở nước láng giềng Macedonia. Ngoài thức ăn, giờ đây mọi người có thể chia sẻ nhiều thứ hơn như quần áo, xà phòng... “Cuộc sống không dễ dàng gì ở Serbia. Nhưng tinh thần tương thân tương ái của mọi người đáng được tán thưởng, và đó cũng là điều tuyệt vời nhất đối với tôi” - Milos nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận