Đặc biệt kỳ họp Quốc hội lần thứ 8 đang diễn ra, trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, bội chi ngân sách còn cao, nợ công tiếp tục tăng..., việc dự toán thu và phân chia “chiếc bánh” ngân sách càng có vẻ “căng” hơn.
Để đáp ứng các nhu cầu đầu tư phát triển và chi thường xuyên của đất nước 90 triệu dân, đương nhiên mọi cơ chế chính sách kinh tế đều nhắm đến làm sao cho “chiếc bánh” ngân sách ngày càng to ra và to nhanh hơn.
Ở nước ta, trong khi việc tính toán chỉ số GDP cấp địa phương thiếu độ tin cậy, chỉ số về thu ngân sách thực tế trên địa bàn phản ảnh tương đối chính xác quy mô và trình độ kinh tế, mức độ đóng góp cho đất nước của mỗi tỉnh thành, vùng miền.
Và bên cạnh việc khai thác tốt các nguồn thu, thực hiện quyết liệt chống thất thu, chống tham nhũng lãng phí còn yêu cầu việc phân bổ ngân sách phải công bằng hợp lý, minh bạch để hỗ trợ nơi nghèo, động viên nơi có đóng góp lớn.
Sở dĩ nói vậy bởi thực tế những năm qua điều ấy chưa thể hiện được như thế.
Lấy dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 làm ví dụ: ngoại trừ những vùng do đặc điểm tự nhiên còn quá khó khăn cần phải trợ cấp ngân sách từ trung ương như miền núi phía Bắc, Tây nguyên, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long thì tỉ lệ điều tiết (để lại) đang có sự bất hợp lý: đồng bằng sông Hồng 44,15% (tổng thu 252.966 tỉ đồng, tổng chi 111.691 tỉ đồng) và Đông Nam bộ 18,97% (tổng thu 398.587 tỉ, tổng chi 75.637 tỉ đồng).
Đặc biệt, tính theo địa phương, trong khi thủ đô Hà Nội được điều tiết để lại 36,24% (tổng thu 126.214 tỉ đồng, tổng chi 45.742 tỉ đồng) thì những địa phương có nguồn thu lớn khác tỉ lệ điều tiết để lại quá khiêm tốn: TP.HCM chỉ 16,68% (tổng thu 226.300 tỉ, tổng chi 37.758 tỉ đồng), Đồng Nai 32,2%, Bình Dương 29,69%.
Tận dụng, tăng cường nguồn thu ngân sách từ các địa bàn thuận lợi để đầu tư phát triển và bảo đảm cân đối chi thường xuyên cả nước là đạo lý và đương nhiên. Nhưng tận thu đến mức cạn kiệt và bất hợp lý những địa phương đóng góp lớn thì lại là hạ sách.
Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách là một nguyên tắc không chỉ đối với cấp doanh nghiệp mà phải cả trên phạm vi vùng kinh tế và địa phương.
Nên chăng, từ dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 này, đề nghị Chính phủ và Quốc hội cần thiết “nới” thêm tỉ lệ điều tiết để đầu tư phát triển mạnh hơn cho các đầu tàu kinh tế, khu vực trọng điểm thu ngân sách nhà nước để “chiếc bánh” ngân sách ngày càng to và to nhanh hơn.
Mời bạn tiếp tục tham gia góp ý, đề xuất những giải pháp liên quan đến những vấn đề đang được xã hội quan tâm. Bài vở, ý kiến góp ý cho mục “Ý kiến cử tri”, xin gửi về [email protected]. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận