10/09/2016 07:30 GMT+7

Chiếc balô không vào giảng đường

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TTO - Nhìn chiếc balô cạnh tôi trên chuyến xe buýt từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ để xét học bổng “Tiếp sức đến trường” năm nay, chợt nhớ chiếc balô trên chuyến xe đò của mình 20 năm trước.

Bà Ngô Thị Tám và Cầu bóc keo, kiếm củi để kiếm thêm tiền chuẩn bị cho năm học mới - Ảnh: T.TRUNG
Bà Ngô Thị Tám và Cầu bóc keo, kiếm củi để kiếm thêm tiền chuẩn bị cho năm học mới - Ảnh: T.TRUNG

Chiếc xe đò ngày ấy không đưa tôi đến trường học, mà vào rừng sâu núi thẳm...

Ngày đó chưa có chương trình học bổng này. Nếu có, chắc mình cũng được ưu ái một suất để được đến giảng đường, chứ không chui vào bãi vàng để thấm đẫm những ngày trong máu và nước mắt.

Tháng 8-1996, ngày nhận giấy báo nhập học từ Huế, lúa trong nhà chỉ còn vài mươi ký. Mẹ dạo quanh xóm vay mượn, hàng xóm ai cũng tốt bụng nhưng nghèo như nhau, lấy gì giúp đỡ. Chiều chiều, cha lặng thinh ngồi uống rượu ngơ ngác nhìn trời, mẹ thút thít giấu nước mắt.

Lớp có 8 đứa đậu đại học, mình tiễn từng đứa lên đường nhập học, đứa nào cũng vỗ vai an ủi, khuyên mình đừng buồn. Mình cũng không buồn lắm vì ít ra mình cũng làm trọn vẹn vai trò người con, nhưng những tủi hờn cho thân phận thì không giấu vào đâu được.

Tiễn thằng bạn thân nhất lên đường học bách khoa được hai hôm, mình cũng khăn gói áo quần trong cái balô cũ của ba đi tìm trầm ngày trước rồi ra bến xe Đà Nẵng.

Đó là một đêm trung thu chìm trong mưa lớn. Phố xá ngập tơi bời, nhưng sau cơn mưa trăng lại rực rỡ hơn cả trăng quê nhà. Tôi vào nhà một người quen tá túc dưới cái nền ximăng lạnh ngắt.

Đêm ấy tôi không ngủ được vì nhớ nhà, nhớ mẹ, thương hai đứa em rồi sẽ giống mình mai này mà sợ. Rồi cảm giác ngày mai khi phiêu bạt vào bãi vàng sẽ ra sao? Tuổi 18 của mình sẽ về đâu, có khi nào vùi thây nơi rừng sâu nước độc...?

... Một năm nơi rừng thiêng nước độc, quà tặng của núi rừng dành cho tôi là những trận sốt rét đến teo người. Nhưng có lẽ may mắn nhất đời mình là tôi còn sống sót để bước đến giảng đường trong năm học tiếp theo.

Bạn bè, anh em tôi 18 người cùng chung chăn chiếu đã vĩnh viễn nằm lại núi rừng trong một trận lở núi. Hai đứa bạn thân nhất của tôi trong bãi bờ ngày ấy cùng mơ ước vào đại học, để rồi nằm lại vĩnh viễn với núi rừng trong nghèo khó.

Ngồi viết những dòng chữ này, tôi vẫn không tin có ngày mình vào được giảng đường và trở thành nhà báo, rồi làm cái việc hôm nay cùng Tuổi Trẻ: tiếp sức cho các em đến trường.

Hôm qua (9-9) tại Quảng Trị, chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” lần thứ 14 của báo Tuổi Trẻ chính thức được trao để nâng bước các em khốn khó vào đời.

Đọc hàng trăm lá tâm thư thấm đẫm nước mắt trong từng hồ sơ, từ ước mơ trở thành một nhân viên kinh doanh của Đoàn Thị Năm (Quảng Trị) đến cậu bé Đàm Văn Hoàng Bửu (Quảng Nam) nhà nghèo đến nỗi phải giấu cả thân phận mình để trở thành đứa con mồ côi kiếm miếng cơm vào đại học, mà lòng quặn thắt.

Hay em Lương Thị Thủy (Quảng Nam) phải bỏ dở ước mơ trở thành một luật sư hai năm liền để nhường cơm áo cho chị đến giảng đường mà lòng nghẹn lại...

Quảng Trị - chiếc nôi của chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” của báo Tuổi Trẻ - với những Hiếu “cà rem”, những Hằng “mắm ruốc” năm nay đã quay lại tiếp sức chính cho những tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như mình ngày trước.

Nhưng trên một đất nước mà tham nhũng, lãng phí, thất thoát ngàn tỉ đồng này, còn rất nhiều bạn trẻ không có được vài triệu đồng để đến với cánh cổng tương lai.

Tôi thương, nhưng chợt sợ những chiếc balô - những chiếc balô không theo các em vào giảng đường, mà theo chuyến xe đò đi thẳng vào rừng sâu núi thẳm như mình ngày xưa.

Bởi vậy luôn hi vọng, luôn nhẹ lòng với một slogan của chương trình “Tiếp sức đến trường”:

“Tân sinh viên khó khăn, hãy gọi Tuổi Trẻ!”.

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên