15/02/2008 06:12 GMT+7

Chiếc áo thiên nga (*): Trữ tình và hoành tráng

HOÀNG OANH
HOÀNG OANH

TT - Vở cải lương tiền tỉ Chiếc áo thiên nga của Nhà hát Trần Hữu Trang vừa diễn suất đầu tiên tại nhà thi đấu Quân khu 7 tối 14-2-2008. Trữ tình và hoành tráng là nhận xét chung của nhiều khán giả sau buổi diễn.

fYMN4YrI.jpgPhóng toMối tình thủy chung của Mỵ Châu - Trọng Thủy được khắc họa bằng những hình ảnh lãng mạn TT - Vở cải lương tiền tỉChiếc áo thiên nga của Nhà hát Trần Hữu Trang vừa diễn suất đầu tiên tại nhà thi đấu Quân khu 7 tối 14-2-2008. Trữ tình và hoành tráng là nhận xét chung của nhiều khán giảsau buổi diễn.

Nghe đọc nội dung toàn bài:

Một lần nữa, cải lương lại được "thêm da đắp thịt" bằng giao hưởng, tân nhạc, balê, xiếc, trống... trong một không gian kiến trúc rộng lớn và hiện đại. Sân khấu bề thế với thành Cổ Loa, cung điện, rừng tre và màn hình chiếu cực lớn vừa có tác dụng chuyển cảnh, vừa là cái phông với những hình động 3D linh hoạt.

Hàng trăm chiếc đèn từ trên cao rọi thành những luồng ánh sáng khi thì rực rỡ, lúc lại lung linh, huyền ảo. Trường đoạn biểu dương sức mạnh của An Dương Vương với dàn trống lớn, những khoảnh khắc đẹp hay bi lụy trong tình yêu của Mỵ Châu - Trọng Thủy với những chiếc lông thiên nga cuốn tung trong gió, cảnh tháo chạy của cha con An Dương Vương trong tiếng gầm của sóng biển hay hình ảnh đàn thiên nga trắng bay lượn trên cao... đều là những đại cảnh gây cảm xúc cho người xem.

Mối tình Trọng Thủy - Mỵ Châu và bi kịch mất nước của Thục Phán An Dương Vương - một câu chuyện mà hầu như người Việt nào cũng biết, lần này được đạo diễn Hoa Hạ đưa lên sân khấu cải lương khá ấn tượng. Các nhân vật vẫn được xây dựng như trong truyền thuyết: An Dương Vương đắc thắng, Triệu Đà bất tín, Mỵ Châu trong sáng và Trọng Thủy chung tình. Bi kịch của ngàn xưa vẫn thế, vẫn là bài học mất nước của vua tôi Âu Lạc và nỗi đau phân ly của một tình yêu đẹp. Tuy nhiên, dưới ngòi bút của tác giả Lê Duy Hạnh thì bài học ấy được lý giải một cách khoa học, và tình yêu ấy được đẩy lên cao hơn với hình tượng những con thiên nga màu trắng.

Bởi vậy, xem từ đầu đến cuối vở diễn không hề thấy sự hiện diện của thần Kim Qui hay sức mạnh của cây nỏ thần đầy uy lực như trong huyền thoại. Theo lý giải của tác giả, "nỏ thần" ở đây chính là những mũi tên bọc đồng được bắn ra cùng lúc giữa tiếng trống đồng hùng hồn làm khiếp sợ quân giặc. Tuy nhiên, vũ khí dù có tốt đến mấy cũng chỉ là vật vô tri nếu tinh thần chiến đấu của con người đã chùng xuống.

Người Âu Lạc xưa không mất nước vì chiếc nỏ thần mà là vì chính bản thân họ đã mải ngủ quên trong chiến thắng. Vua chúa sống trong nhung lụa, quan tướng chỉ biết hưởng thụ, binh lính không cầm vũ khí mà ôm đàn hát ca... Để rồi, câu nói của lão gián điệp Nhan Tuấn như một lời cảnh tỉnh đau đớn: "Chiến tranh phải có giáo có gươm, đâu ai ngờ chiến tranh lại nằm trong vàng trong ngọc...". Và vì thế, "bất định nhân tâm là bất định cơ đồ!".

Đây là lần thứ hai Nhà hát Trần Hữu Trang quyết tâm dàn dựng một vở cải lương tiền tỉ sau những rầm rộ của Kim Vân Kiều năm ngoái. Rút kinh nghiệm lần trước, năm nay đạo diễn Hoa Hạ đã tinh giản lực lượng diễn viên chính chỉ còn 15 nghệ sĩ để có thể trả lời câu hỏi của nhiều người "cải lương như mơ, rồi sao nữa?" về chuyện tái diễn và lưu diễn.

Chỉ 15 nghệ sĩ nhưng xem ra lần hội ngộ tài năng này chất lượng hơn Kim Vân Kiều, nhất là sức diễn và sức hút của hai lão tướng NSND Thanh Tòng (vai Triệu Đà) và NSND Diệp Lang (vai Nhan Tuấn). Chỉ tiếc rằng những mảng hài, tân nhạc được lồng vào khá khiên cưỡng, rời rạc, làm đứt mạch cảm xúc của người xem.

Sự tham gia của các ca sĩ thời thượng như Phương Thanh, Hồ Ngọc Hà, Ngọc Ánh Idol, Phạm Anh Khoa... góp phần làm vở diễn thêm trẻ trung, hấp dẫn và thu hút khán giả trẻ, nhưng thiết nghĩ cải lương chân phương và nguyên bản mãi mãi vẫn là thứ cải lương đẹp nhất...

(*) Vở sẽ tiếp tục công diễn vào các ngày 15 và 16-2-2008 tại nhà thi đấu Quân khu 7.

HOÀNG OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên