Kiến trúc sư Cổ Văn Hậu - Ảnh: P.VŨ
Kiến trúc sư Cổ Văn Hậu - thường được gọi là "kiến cổ" - tốt nghiệp Trường Kiến trúc Sài Gòn năm 1964 và giảng dạy tại đây suốt 42 năm, từ 1966 đến 2008.
Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 74, ông còn thỉnh giảng tại một số trường đại học tư thục. Ông nổi tiếng với những mô hình kiến trúc được thực hiện một cách tỉ mỉ, chính xác bằng tay với những dụng cụ tự chế.
Cho đến những năm sau này, tuổi đã cao, nghỉ hưu đã lâu, ông vẫn liên hệ mật thiết với các thế hệ học trò, vẫn chỉ dạy, soạn thảo tài liệu về kiến trúc, mô hình, thậm chí còn tự tay làm dụng cụ đồ họa để tặng các sinh viên trẻ, khuyến khích việc vẽ kiến trúc bằng tay, không phụ thuộc vào phần mềm máy tính vốn dễ khiến thui chột sáng tạo.
Ông luôn phát biểu trong các cuộc hội thảo: "Nói kiến trúc xanh không phải đưa cây xanh vào mà thành xanh. Xanh nghĩa là sự sống, và sự sống là hài hòa. Chừng nào lô đất và kiến trúc xây dựng trên ấy hài hòa với cảnh quan, môi trường, xã hội xung quanh, chừng ấy mới là kiến trúc xanh, là một công trình đẹp".
Tại TP.HCM, một công trình kiến trúc đặc biệt mang dấu ấn của kiến trúc sư Cổ Văn Hậu là chùa Vạn Thọ vẫn mỗi ngày đứng soi bóng xuống kênh Nhiêu Lộc.
Mô hình Thư viện quốc gia Sài Gòn do ông thực hiện cũng đoạt giải thưởng quốc tế từ những năm 1970.
Hưởng thọ 87 tuổi, sự ra đi của kiến trúc sư Cổ Văn Hậu vẫn là rất bất ngờ với những thế hệ học trò thương quý ông, bởi năng lượng của ông vẫn còn rất dồi dào, vẫn còn nhiều dự định truyền nghề dang dở.
Tranh KTS Cổ Văn Hậu tặng quỹ thiện nguyện mua máy thở cho bệnh nhân COVID-19
Những năm sau này, KTS Cổ Văn Hậu đầu tư nhiều thời gian cho đam mê vẽ tranh. Ông vẽ rất nhiều tranh và nhiều lần tổ chức triển lãm. Số tiền bán tranh, ông đều dành để tặng học bổng, tài liệu, họa cụ cho các sinh viên khó khăn của ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận