Sinh viên ngành du lịch Trường ĐH Văn Hiến thực hành hướng dẫn khách du lịch tham quan TP.HCM |
Theo thống kê, học phí ĐH mỗi năm đều tăng từ 5% đến 10% tùy từng trường, ngành. Đa số thí sinh đều ở các tỉnh thành, trong đó phần lớn là từ các vùng nông thôn với điều kiện kinh tế gia đình không dư dả. Những năm qua, không ít thí sinh trúng tuyển ĐH nhưng phải ngậm ngùi tạm gác lại ước mơ đến giảng đường vì điều kiện gia đình khó khăn, không kham nổi chi phí học tập. Chính sách học bổng cho những sinh viên khó khăn, hỗ trợ vay vốn học tập hay giới thiệu việc làm thêm giúp sinh viên có chi phí trang trải việc học… là những hỗ trợ cần thiết hỗ trợ ước mơ ĐH cho các bạn thí sinh.
Lo lắng học phí
Một thí sinh chia sẻ: “Khi quyết định lựa chọn trường ĐH em cân nhắc rất kĩ vì điều kiện gia đình em khó khăn, em sợ tạo áp lực kinh tế cho ba mẹ. Tuy vậy em cũng lo sợ lựa chọn trường có học phí thấp thì chất lượng không đảm bảo”. Trong khi đó, một phụ huynh cũng lo lắng: “Nhà có mấy công đất, mùa làm lúa, mùa làm hoa màu. Năm nay hạn hán nên thu nhập từ mấy công đất chỉ đủ nuôi cái ăn cho cả gia đình. Cháu nó rất ham học nên gia đình cũng ráng. Cũng mong cháu đậu ĐH để sau này làm việc đỡ cực thân chứ làm nông như tụi tui thì cực lắm. Mong là vậy chứ cháu đi học ĐH, nhà còn hai đứa nhỏ học phổ thông nữa, vợ chồng tui cũng lo lắm, chưa biết tính sao nữa. Thôi thì cứ cố gắng tới đâu hay tới đó” – phụ huynh này nói.
Một trong những cách để giải quyết bài toán này là các bạn sinh viên cân đối thời gian học tập và lựa chọn cho mình công việc làm thêm phù hợp, như vậy các bạn có thể phần nào tự trang trải chi phí cho mình. Bạn Huyền Thảo, sinh viên năm 3 ngành Hàn quốc học một trường ĐH tại TP.HCM cho biết lúc đầu bạn đi làm thêm là vì muốn kiếm thêm thu nhập, những công việc năm nhất bạn làm như dạy kèm, làm ở xưởng in nhà sách, … thu nhập tuy không cao nhưng cũng đủ để bạn chi tiêu hàng tháng. Khi lên năm 3, do có kiến thức chuyên môn tốt nên bạn được giảng viên tạo điều kiện tham gia công việc dịch thuật, vừa kiếm thêm thu nhập vừa có thể nâng cao kỹ năng kiến thức phục vụ công việc sau này.
Nhiều hỗ trợ cho sinh viên
Bà Duy Thị Lan Hương – Giám đốc Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên Trường ĐH Văn Hiến cho rằng sinh viên vừa học vừa làm để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống là điều cần thiết. Khi sinh viên đi học thì kiến thức nhà trường là nền tảng, khi sinh viên đi làm thì đó là những trải nghiệm, kinh nghiệm thực tế, kiến thức thực tiễn.
“Với thế mạnh thuộc tập đoàn HungHau Holdings, Trường ĐH Văn Hiến đã tạo cơ hội vừa học vừa làm cho sinh viên. Bên cạnh đó, trung tâm cũng kết nối với nhiều doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội và tư vấn công việc làm thêm phù hợp với ngành học sinh viên đang theo đuổi. Lợi thế hiện nay là sinh viên Văn Hiến học theo chương trình đào tạo tín chỉ nên các bạn có thể chủ động cân đối thời gian làm thêm, thời gian học tập để đảm hiệu quả và sức khỏe. Nhà trường luôn đổi mới theo phương thức giảng dạy, đào tạo theo hướng ứng dụng thực tiễn nhằm rút ngắn khoảng cách giữa trường và đơn vị sử dụng lao động. Những bạn sinh viên đã có kinh nghiệm làm thêm khi còn ngồi trên ghế giảng đường luôn được các doanh nghiệp đánh giá cao vì đã tích lũy được kinh nghiệm và kỹ năng. Ngoài ra, trường cũng có các chính sách hỗ trợ sinh viên như các gói học bổng khuyến học và tạo điều kiện cho sinh viên làm thủ tục vay vốn ngân hàng để giảm bớt áp lực về vấn đề học phí cho sinh viên” – bà Hương nói thêm.
Như vậy, các bạn sinh viên có thể tìm kiếm nguồn học bổng, có thể vay vốn hay có thể tự tìm cho mình một công việc phù hợp. Việc tìm hướng đi phù hợp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường giúp sinh viên tránh được tình trạng thất nghiệp khi ra trường trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận