TTCT - Vụ nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải đã gây ra một cuộc “khủng hoảng” thiếu nước sạch chưa từng có ở các quận Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai (Hà Nội). Các chuyên gia cho rằng vấn đề an toàn cấp nước ở Hà Nội hiện nay có nhiều lỗ hổng, chứa đựng nhiều rủi ro khi thị phần nước sạch bị “chia nhỏ”. Người dân tại khu đô thị Linh Đàm xếp hàng để lấy nước sạch (ảnh chụp ngày 16-10).-Ảnh: Nguyễn Khánh Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, hiện Hà Nội có năm nguồn cấp nước sạch với tổng công suất là 1,37 triệu m3/ngày đêm, cung cấp cho khoảng 5,3 triệu dân tại 12 quận nội thành và các xã ven. Những nguồn nước sạch trên do 7 công ty phân phối đến các hộ dân. Trao đổi với TTCT, ông Trần Quang Hưng - nguyên phó chủ tịch, kiêm tổng thư ký Hội Cấp nước VN - cho rằng hiện nay vấn đề an toàn cấp nước của Hà Nội chứa đựng nhiều rủi ro. “Điều dễ thấy là những sự cố vừa qua trong hệ thống cấp nước của Hà Nội không phải do ô nhiễm nguồn nước ngầm hay nước mặt mà hoàn toàn do con người tạo ra, từ vỡ đường ống nước, đổ dầu thải vào nguồn nước hoặc do quản lý kém, không biết cách xử lý khi xảy ra sự cố” - ông Hưng nhận định. Ông Phạm Văn Sơn - giám đốc Trung tâm Ứng phó sự cố môi trường VN - cho rằng nếu nhìn rộng ra từ vụ ô nhiễm nước sạch sông Đà, cơ quan quản lý phải thấy có quá nhiều lỗ hổng trong quản lý nguồn nước, chất lượng nước sinh hoạt. “Không chỉ có nguy cơ xâm nhập nguồn ô nhiễm, nguồn thải độc vào hệ thống nước của các nhà máy, ngay cả trên hệ thống đường ống cấp nước tới nhà dân cũng có nguy cơ bị ô nhiễm” - ông Sơn nêu. Theo ông Hưng, ở các nước, an ninh trong nhà máy cấp nước rất được coi trọng trong khi ở Hà Nội, việc bảo vệ nguồn nước sạch chưa thống nhất. Nhu cầu nước sạch của người dân rất quan trọng, vì thế việc mua và phân phối nước sạch phải hướng tới vì lợi ích chung của người dân toàn TP. “Người dân chỉ cần một đường ống cấp nước đến nhà và đường ống đó phải đảm bảo tiêu chuẩn, nguồn nước cung cấp liên tục 24/24 giờ, giá cả phù hợp, đấy mới là điều quan trọng với người dân” - ông Hưng nhận định. Với 7 đầu mối là các công ty phân phối nước sạch khác nhau ở Hà Nội, thị phần nước sạch đang bị chia nhỏ. Công tác quản lý, vận hành chỉ đơn vị nào biết đơn vị đó. Vì thế, xảy ra sự cố ở nhà máy nào là người dân dùng nước của nhà máy đó bị cắt nước sinh hoạt. “Nếu quản lý tập trung thì người ta xây dựng hệ thống mạng vòng toàn TP, khu này bị sự cố nguồn nước thì đơn vị quản lý khóa mạng khu vực đó lại và sử dụng nguồn nước khác để thay thế. Như vụ nước sạch sông Đà ô nhiễm ở Hà Nội, khu vực tây nam Hà Nội với 250.000 hộ dân dùng nước của nhà máy này gần như bị cắt nước hoàn toàn. TP Hà Nội hỗ trợ bằng cách yêu cầu Công ty Nước sạch Hà Nội phải chở bằng xe bồn đến. Tuy nhiên đây là giải pháp thủ công, vì chở đến bao giờ cho đủ nước sạch để người dân dùng?” - ông Hưng phân tích. Ông Hưng cho rằng quản lý cấp nước theo kiểu phân mảnh với quá nhiều công ty đảm nhiệm, sau sự cố vừa qua đã bộc lộ rất nhiều nguy cơ bất ổn. Đó là hệ thống cấp nước của công ty này không thể cấp nước sang mạng lưới của đơn vị khác ngay khi có sự cố. Công ty Nước sạch Hà Nội dù là đơn vị ra đời lâu năm, chủ lực của ngành cấp nước Hà Nội nhưng chỉ có thể chỉ đạo được các công ty con, xí nghiệp của mình, mà không chi phối được các công ty cấp nước độc lập khác. “Cách làm này của Hà Nội không phù hợp với một đô thị phát triển. Khác với TP.HCM là tập trung dịch vụ cấp nước chính cho Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco). Đơn vị này sử dụng nguồn từ các nhà máy của mình và ký hợp đồng mua nước sạch từ các nhà sản xuất khác để phân phối cho toàn TP. Vì thế Sawaco chủ động trong đầu tư phát triển mạng lưới để cung cấp nước cho dân và các cơ sở sản xuất. Các TP khác trong nước và nước ngoài cũng theo mô hình này vì có lợi cho cả quản lý cũng như người tiêu dùng” - ông Hưng nói. Nguyên phó chủ tịch Hội Cấp nước VN cho rằng để cấp nước an toàn, dù con người hay thiết bị cũng cần phải kiểm soát được chất lượng nước từ nguồn đến các hộ dân. “Khi đó một đầu mối phân phối nước là rất quan trọng. Vì thế, Hà Nội cần quản lý tập trung dịch vụ cấp nước cho một đơn vị và thiết kế đường ống cấp nước như hệ thống mạng vòng” - ông Hưng nhấn mạnh. Ông Hưng cũng cho rằng nước sạch là nhu cầu thiết yếu, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, vì vậy phải xem đây là dịch vụ công ích, không được coi như mặt hàng thương mại. “Tại TP.HCM vừa qua cũng đã phải làm lại, siết lại việc cấp nước an toàn, xem lại vấn đề chủ sở hữu - không cổ phần hóa nữa để tập trung thống nhất quản lý về nhà nước, Hà Nội cũng cần làm như vậy” - ông Hưng nhận xét.■ Giám sát chất lượng nước nguồn qua các thiết bị điện tử tại trạm bơm Hòa Phú (Nhà máy nước Tân Hiệp). Ảnh: QUANG KHẢI Cần có Luật cấp nước sạch để xử lý trách nhiệm khi có sự cố Theo ông Trần Văn Khuyên - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) - cho biết trước năm 2009, việc cấp nước sạch trên địa bàn TP.HCM chủ yếu dựa vào Nhà máy nước Thủ Đức (công suất 750.000m3/ngày đêm), Nhà máy nước Tân Hiệp (300.000m3/ngày đêm) và Nhà máy nước Bình An (công suất 100.000m3/ngày đêm). Trong đó nhà máy nước Tân Hiệp và Thủ Đức do Sawaco trực tiếp quản lý vận hành. Thị phần về nguồn nước Sawaco lúc này chiếm hơn 90% toàn TP. Tuy nhiên theo ông Khuyên, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa, sau năm 2009, nhiều nhà máy nước sau đó đã được đầu tư và đưa vào vận hành: như Nhà máy BOO Thủ Đức, Nhà máy nước Kênh Đông, Thủ Đức 3, Tân Hiệp 2... Như vậy, tính đến khoảng thời điểm này, thị phần nắm giữ các nhà máy cấp nước của Sawaco giữ chỉ trên 50% trong tổng công suất phát nước khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm. Lượng nước này được cung cấp bởi khoảng 8 triệu mét đường ống các loại. Đa số nguồn nước được lấy từ hệ thống sông Đồng Nai, sông Sài Gòn xử lý lại để cung cấp cho người dân. TP.HCM hiện đang giảm dần, tiến tới ngưng khai thác nước ngầm ở những nơi đã được cấp nước máy. Cũng theo ông Khuyên, thuận lợi trong công tác xã hội hóa đầu tư nguồn là huy động nguồn lực xã hội trong công tác đầu tư các nhà máy phục vụ cấp nước sạch, đáp ứng nhu cầu, quy hoạch... Đồng thời Sawaco có điều kiện tập trung phát triển mạng lưới, đưa nước sạch đến từng nhà dân. Tuy nhiên điều này cũng có hạn chế là giá nước sạch mà Sawaco mua sỉ lại của các nhà máy nước liên tục tăng từ 3-7%/năm, chưa kể những chi phí khác. Tuy nhiên những năm gần đây giá bán nước sinh hoạt cho người dân không tăng. Sawaco không thể chủ động trong vấn đề giá nước mà phải do cơ quan thẩm quyền TP xem xét phê duyệt. Do giá nước nhiều năm liền (từ năm 2013 đến nay) chưa tăng dẫn tới khó khăn trong việc kinh doanh. “Các nhà máy nước của tư nhân, của công ty cổ phần đã đồng hành với Sawaco thì nên chia sẻ để cùng lo cho người dân chứ cứ theo hợp đồng đã ký mỗi năm đều tăng giá bán cho Sawaco nhưng giá nước Sawaco bán ra lại không được tăng thì rất khó” - ông Khuyên nói. Ông Khuyên đề xuất việc quản lý nguồn nước nên để các cơ quan nhà nước điều phối, còn các dịch vụ khách hàng khác có thể tư nhân hóa. Việt Nam cũng có thể học tập mô hình của một số nước hình thành cục cấp nước, xây dựng Luật cấp nước sạch nhằm tạo thêm hành lang pháp lý, quy định rõ ràng để có người chịu trách nhiệm nếu xảy ra các sự cố nguồn nước. Ngoài các kịch bản ứng phó khi có sự cố về nguồn, lãnh đạo Sawaco cũng cho biết đã có kế hoạch ứng phó với những tình huống trên mạng lưới. Hiện nay trên các đường ống truyền tải (ống cấp 1) nước từ các nhà máy về mạng lưới đường ống cấp 2 - 3 của Sawaco đều có hệ thống van đóng mở. Căn cứ hệ thống giám sát chất lượng nước từ nhà máy, khi có các sự cố từ nguồn nước thì trước khi truyền tải vào đường ống sẽ có các giải pháp ứng phó. Ví dụ khi có sự cố tại nhà máy thì tạm ngưng hoạt động nhà máy, khi nước có sự cố vào đường ống lập tức sẽ đóng van chặn, tiến hành cô lập nguồn nước. Đồng thời sẽ điều hòa áp lực từ các nhà máy khác hỗ trợ để đảm bảo có nước sinh hoạt cho người dân tại khu vực đang bị sự cố. QUANG KHẢI Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Nước sạch cho dân: giữa nhà nước và tư nhân Tags: SawacoCấp nước sạch Hà NộiChia nhỏ nguồn cấp nướcNhiều rủi roCông ty nước sạch sông ĐàLuật cấp nước sạchÔ nhiễm dầu thải
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Tin nhắn cuối cùng của hành khách trên chuyến bay xấu số của Jeju Air THANH HIỀN 29/12/2024 Một hành khách trên máy bay 7C 2216 của hãng hàng không Jeju Air đã gửi tin nhắn cho người nhà, chỉ vài phút trước khi vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào sáng 29-12.
Nóng: Máy bay Hàn Quốc trượt khỏi đường băng, bốc cháy, có thể hầu hết 181 người đã chết TRẦN PHƯƠNG 29/12/2024 Chiếc máy bay với 181 người trên đó đã gặp nạn trong lúc hạ cánh sau hành trình trở về từ Thái Lan.
Dự đoán tỉ số ASEAN Cup: Việt Nam giải quyết Singapore trong 1 hiệp đấu HUY ĐĂNG 29/12/2024 Với lợi thế thắng 2-0 ở bán kết lượt đi, Việt Nam sẽ hướng đến một trận thắng dễ dàng khi tiếp đón Singapore trên sân nhà ở bán kết lượt về, diễn ra lúc 20h ngày 29-12 (giờ Việt Nam).
Máy bay gặp nạn ở Hàn Quốc: Ít nhất 47 người thiệt mạng, đang tìm kiếm người sống sót 29/12/2024 Theo hãng tin AFP, cập nhật đến hơn 9 sáng 29-12, máy bay trượt khỏi đường băng sân bay quốc tế Muan ở miền nam Hàn Quốc, khiến ít nhất 47 người chết.