Ông Trần Chí Hiếu (50 tuổi) sang Đức từ khi 18 tuổi rồi lập nghiệp, định cư ở TP Braunschweign. Hiện ông đang làm việc cho Tập đoàn xe hơi Volkswagen của Đức. Thấm thoát 12 năm ông không về Việt Nam ăn Tết, nhưng không bao giờ ông Hiếu quên được những cái Tết Việt sum họp đầm ấm của những ngày xưa cũ.
Giữ lửa Tết Việt nơi xứ người
Thấu hiểu được nỗi nhớ nhà của người Việt xa xứ, năm 2009 ông Hiếu thành lập Hội Văn hóa người Việt tại TP Braunschweig để mọi người có nơi giao lưu, chia sẻ, sum họp vào mỗi dịp Tết.
Chia sẻ về kế hoạch sắp tới, ông Hiếu cho biết sẽ cùng vợ và các con trở về Việt Nam ăn Tết năm nay. Ông hy vọng tìm lại được không khí Tết năm xưa, đoàn tụ bên gia đình nhỏ và thấy ấm lòng với ý nghĩ vậy là những đứa con của mình cũng sẽ có thể cảm nhận được thế nào là không khí Tết cổ truyền dân tộc.
Là một người con của thủ đô Hà Nội, bà Mai Lý (54 tuổi, bang Niedersachsen, Đức) sang Tiệp Khắc từ năm 18 tuổi rồi theo chồng sang Đức định cư từ năm 1991 đến nay. Từ ngày rời quê hương, bà chưa có cơ hội về Việt Nam ăn Tết vì các con không được nghỉ làm vào dịp Tết âm lịch.
Bà bảo ngày bố còn sống, bà rất muốn một lần về ăn Tết với bố nhưng không thể thu xếp được. Cũng vì thế bà rất chú trọng đến không khí Tết Nguyên đán ở gia đình nhỏ của mình tại Đức. Vào 30 Tết và mùng 1 hằng năm, bà đều xin nghỉ làm để chuẩn bị cỗ Tết Việt, bày mâm ngũ quả, tự gói bánh chưng, mua đào, mai trang trí nhà cửa. Bà muốn các con được sống trong không khí của Tết Việt và thấm nhuần ý nghĩa của nó.
36 năm xa nhà, mỗi lần nhắc lại kỷ niệm đón Tết ở Việt Nam, bà Lý vẫn xúc động, bồi hồi. Bà luôn kể cho hai con nghe về Tết Nguyên đán ở Việt Nam, về những phong tục tập quán đã ăn sâu vào tiềm thức.
Tết Nguyên đán năm nay sẽ vẫn như mọi năm, bà Lý lại tất bật chuẩn bị những món ăn truyền thống của Việt Nam như bánh chưng, giò, mứt, mua hoa đào, hoa mai và chuẩn bị mâm ngũ quả. Mùng 1 Tết cả nhà sẽ đi chùa cầu bình an, hạnh phúc trong năm mới.
Tết Việt yêu thương
Tết năm nay với bà Mai Lý còn có một điều đặc biệt nữa. "Đó là người bạn ngày xưa học cùng cấp III ở Việt Nam với tôi. Bạn ấy sống ở Ukraine, vì xung đột Nga - Ukraine phải chạy sang lánh nạn tại Đức. Tôi đã giúp đỡ hai mẹ con bạn nhập trại, tìm nhà ở Wolfenbüttel, mua sắm những đồ cần thiết, lo thủ tục giấy tờ, giúp tìm lớp học tiếng Đức. Thật may mắn, bây giờ hai mẹ con họ đã có chỗ ở và việc làm ổn định", bà Lý kể.
Chúng tôi cũng đã trò chuyện với Quỳnh, con gái của người bạn đã được bà Mai Lý giúp đỡ. Em năm nay 18 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Kharkov (Ukraine).
"Em rất biết ơn khi được cô Lý giúp đỡ từ khi sang Đức lánh nạn. Em biết có nhiều người kém may mắn hơn mình, sang từ rất lâu rồi mà vẫn loay hoay không biết làm sao. Càng tuyệt vời hơn khi Tết Nguyên đán năm nay, gia đình em được đón một cái Tết thật trọn vẹn, bình yên và đầm ấm ở Đức, mặc dù có hơi bỡ ngỡ một chút", Quỳnh chia sẻ.
Dù còn bao chuyện phải lo toan vì những xáo trộn bởi chiến tranh, nhưng Quỳnh bảo gia đình em vẫn sẽ chuẩn bị những món ăn quen thuộc của Việt Nam như bánh chưng, nem rán. Vì không có nhiều người quen ở đây nên nhà em chưa có kế hoạch đi chơi Tết.
Phải làm quen với cuộc sống mới ở một đất nước khác nhưng với cô gái nhỏ bé ấy, Tết Việt 2023 sẽ mở ra một cuộc sống mới cho em, cho những ước mơ và hy vọng đang còn dang dở là trở thành bác sĩ. Quỳnh đang là sinh viên năm nhất của Đại học Y khoa quốc gia Kharkov (Ukraine) thì chiến tranh xảy ra.
Để có thể mang Tết Việt cổ truyền đến với nhiều đồng bào hơn, chị Phan Mỹ Hà (39 tuổi, sinh sống tại Berlin, Đức), tình nguyện viên giúp đỡ người Việt tại Ukraine, đã lên Facebook kêu gọi mọi người ủng hộ hàng hóa, đồ ăn, quần áo ấm, tiền mặt cho những người đang sinh sống tại Ukraine và đã được nhiều người hưởng ứng.
Chia sẻ về những hoạt động thiện nguyện ở Ukraine sắp tới, chị Mỹ Hà cho biết đang làm thủ tục xin visa. Chị đã chuẩn bị mọi thứ để sẵn sàng tới Ukraine, trực tiếp mang quà đến cho những người Việt ở đó, mong họ vẫn được đón Tết cổ truyền dân tộc, vẫn được ăn những món ăn như bánh chưng, nem rán, đón Tết trong không khí đầm ấm ngay cả khi chiến sự vẫn đang leo thang.
Chia sẻ với đồng bào
Đầu năm 2022 khi xung đột Nga - Ukraine mới nổ ra, bà con người Việt Nam từ Ukraine sang Đức lánh nạn nhưng không về được trung tâm TP Berlin mà tập trung hàng ngàn người ở trại tị nạn TP Eisenhuttenstadt cách Berlin hơn 100km, chị Hà đã tham gia 10 chuyến cứu trợ phát quần áo, giày dép, lương thực cho bà con người Việt ở đó.
Được biết đây không phải lần đầu tiên chị tham gia công tác thiện nguyện giúp đỡ đồng bào ở nước ngoài. Chị Phan Mỹ Hà từng được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trao tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19 và ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lũ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận