Khu vực phía đông sông Sài Gòn còn nhiều quỹ đất để phát triển khu đô thị hiện đại. Trong ảnh: khu dân cư Sala tại Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D.
Tác động của hạ tầng lên giá trị đất ở những khu đô thị mới này nhìn thấy rất rõ, nên việc thuyết phục các chủ đầu tư và người dân có đất đóng góp chi phí để Nhà nước xây dựng hạ tầng, theo tôi, là hoàn toàn khả thi
TS VÕ KIM CƯƠNG
Tuổi Trẻ đã trao đổi với TS VÕ KIM CƯƠNG để làm rõ hơn ý tưởng này.
* Dựa vào những đặc điểm gì mà ông đề xuất chia TP thành hai khu đông - tây?
- Cũng là TP.HCM thôi nhưng chia thành hai TP lớn: một là TP phía tây sông Sài Gòn gồm 16 quận và 5 huyện, tạm gọi là TP Tây.
Khu vực này hiện có cấu trúc chỉ phù hợp với xe máy, đang quá tải về giao thông và công trình công cộng, tình trạng ngập nước và ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng.
Hai là TP mới phía đông sông Sài Gòn với các quận 2, 9 và Thủ Đức, tạm gọi là TP Đông. Khu vực này có vị trí đặc biệt tốt và có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển hiện đại.
Hiện TP Tây đang ở giai đoạn quá tải, cấu trúc đô thị bất hợp lý do lịch sử để lại. Muốn cải tạo TP Tây thành một đô thị bình thường cũng rất khó, như phải giải tỏa trắng một số khu vực để mở đường cho đủ tiêu chuẩn, hoặc phải hạn chế xe cá nhân.
Trong khi đó, ở đây người dân cần ổn định cuộc sống và thực tế chỉ cần cải thiện thêm một số điều kiện về hạ tầng để cuộc sống của người dân không đảo lộn. Bởi nhu cầu của TP phía tây là ổn định cuộc sống người dân, hoàn thiện hạ tầng theo hướng cải tạo nhỏ...
Trong khi đó, xu thế phát triển TP.HCM về hướng đông đã có từ rất lâu. Định hướng của lãnh đạo TP hiện tại cũng là muốn giãn dân từ trung tâm ra các quận ngoại thành.
Tuy nhiên, chủ trương lớn đó của TP khi thực hiện lại triển khai dàn trải, không có kinh phí và không có mục tiêu rõ ràng.
Khu vực phía đông lại đang có những điều kiện tốt như còn nhiều quỹ đất, dân cư thưa thớt, nhưng phần lớn diện tích đang rơi vào nguy cơ phát triển tự phát, chưa được quy hoạch bài bản với mục tiêu phát triển thành một đô thị hiện đại và khoa học.
TP Đông trong tương lai phải tạo ra những công viên khoa học, viện nghiên cứu, Thủ Thiêm sẽ được đầu tư để thành một trung tâm tài chính lớn.
Việc này phải làm thật sớm, tránh trường hợp xây dựng tự phát, những dự án nhỏ lẻ mọc lên mà chủ đầu tư không chú ý đến việc xây dựng hệ thống hạ tầng chung.
TS Võ Kim Cương - Ảnh: H.KHOA
* Theo ông, chính sách quản lý đô thị khác nhau cơ bản giữa TP Tây và TP Đông là gì?
- TP Tây hiện hạ tầng bắt đầu quá tải nên cần hạn chế xây dựng, thậm chí "đóng băng" một số khu vực. Định hướng chung cho khu vực này là hoàn thiện đô thị, ổn định và cải thiện từng bước đời sống người dân.
Đối với các huyện ngoại thành ở TP Tây nên giữ là khu vực sinh thái, kỹ thuật và dự trữ phát triển.
Đối với TP Đông, trước hết phải quy hoạch và đầu tư sớm hệ thống giao thông hiện đại như các nước phát triển, bảo đảm mật độ đất giao thông xấp xỉ 30%, các khu chức năng phát triển theo định hướng giao thông.
Nhà nước tăng cường quản lý để bảo đảm hệ thống hạ tầng đồng bộ, phương tiện đi lại chủ yếu là tàu điện ngầm, ôtô và xe buýt, hạn chế tối đa xe máy. Mô hình nhà ở chủ yếu là chung cư cao cấp, biệt thự và nhà vườn, không cho phát triển dạng nhà ống.
* Lâu nay, chi phí xây dựng hạ tầng đều do ngân sách nhà nước chi trả. Trong điều kiện ngân sách hiện nay thì tiền đâu xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, thưa ông?
- Các đô thị phát triển được là nhờ khai thác tốt quỹ đất. 1m2 đất nông nghiệp muốn trở thành đất đô thị phải mất nhiều tiền để đầu tư hạ tầng. Thực tế, chủ đất có thể trực tiếp đầu tư hoặc tham gia cùng Nhà nước.
Điều này có nghĩa là chủ đất muốn được chứng nhận đất đô thị phải nộp cho Nhà nước hoặc công ty phát triển đô thị một khoản tiền.
Việc gán chi phí phát triển hạ tầng đô thị lên mỗi mét vuông đất là biện pháp dễ thuyết phục người dân nhất. Người dân sẽ thấy việc chuyển từ đất nông nghiệp sang đất đô thị tốn kém như thế nào và phải bỏ tiền ra cùng Nhà nước xây dựng hạ tầng.
Nếu người dân không có điều kiện tham gia thì phải giao đất nông nghiệp cho Nhà nước, chứ không thể đòi giá theo đất đô thị.
Các cơ quan chức năng sẽ tính toán được chi phí đầu tư hạ tầng để 1m2 đất nông nghiệp thành đất đô thị, làm cơ sở thuyết phục người dân khi bồi thường giải phóng mặt bằng. Ví dụ như chi phí xây dựng cầu Thủ Thiêm bắc ngang sông Sài Gòn thì đô thị mới có thể chịu một nửa.
Từ một nửa chi phí đó có thể tính ra mỗi mét vuông đất tại các con đường, hẻm lớn, hẻm nhỏ ở Thủ Thiêm phải chịu chi phí bao nhiêu để các chủ đất, chủ đầu tư phải trả lại cho Nhà nước.
* Còn kinh phí để cải tạo hạ tầng ở TP Tây thì vận động theo cách nào?
- Về chi phí để cải tạo hạ tầng tại TP Tây, theo tôi, mô hình tốt nhất là Nhà nước và nhân dân cùng làm, trong đó người dân đóng góp phần lớn kinh phí, Nhà nước hỗ trợ một phần.
Để thực hiện mô hình này cần có chính sách quy định Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí cho người nghèo, còn những người khá giả hoặc các chủ đầu tư có kinh doanh, thu lợi từ việc chỉnh trang đô thị sẽ phải chịu hoàn toàn chi phí cho việc chỉnh trang.
Theo tôi, nếu sử dụng kinh phí công khai, rõ ràng, tạo điều kiện cho dân giám sát và công trình có chất lượng thì người dân sẵn sàng đóng góp để chỉnh trang đô thị.
Sẽ tiếp thu ý kiến có chọn lọc
Ông Nguyễn Thanh Nhã, giám đốc Sở Quy hoạch - kiến trúc TP, cho biết theo quy hoạch chung, TP.HCM tập trung mô hình phát triển đa cực theo các hướng đông - tây- nam - bắc. Còn ý tưởng của TS Võ Kim Cương tập trung hơn về hướng đông.
Theo ông Nhã, đây là ý tưởng không quá mới.
"Sở sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học có chọn lọc để đưa vào những giai đoạn phù hợp trong quá trình nghiên cứu tham mưu cho TP điều chỉnh quy hoạch chung của TP" - ông Nhã nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận