Một ôtô có biển số đẹp chạy trên đường TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 27-2, đại tá Lê Xuân Đức cho biết đến nay dự thảo đề án đã được tu chỉnh lần thứ 5. Sau nhiều cuộc họp với UBND một số địa phương và một số bộ ngành liên quan để thông qua, Bộ Công an vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ.
Mỗi biển số chỉ cấp cho 1 xe
* Thông tin đấu giá biển số xe đã có từ lâu, liệu bao giờ có thể thực hiện, thưa ông?
Nếu đề án được Thủ tướng thông qua, các cơ quan chức năng sẽ phải hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan, xây dựng hệ thống đấu giá, sửa đổi hệ thống quản lý đăng ký xe...
Cũng theo lộ trình thực hiện đề án, nếu được thông qua sớm, dự kiến triển khai ngay tại 5 địa phương là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Cùng đó đề án sẽ được triển khai tại những địa phương có nhu cầu.
* Đến nay có nhiều người vẫn thắc mắc khái niệm thế nào là biển số đẹp và biển số như nào sẽ được đấu giá?
Tùy theo quan niệm của từng người, có biển được cho là đẹp với người này nhưng lại không đẹp với người kia. Qua khảo sát thực tiễn cũng như nghiên cứu ở một số nước, ban soạn thảo đề án đề xuất tạm chia thành 5 nhóm biển số để đưa ra đấu giá.
5 nhóm biển số đấu giá:
- Biển có 5 chữ số giống nhau
- Biển có 4 chữ số cuối giống nhau
- Biển có 3 chữ số giống nhau
- Biển có số sau lớn hơn số trước - biển có số tiến
- Biển có các số bất kỳ do người dân có nhu cầu tự chọn, khác 4 nhóm trên (VD biển theo ngày tháng năm sinh...)
* Vấn đề được nhiều người quan tâm là quyền sở hữu, định đoạt với biển số xe sau khi đấu giá. Người dân có được mua đi bán lại hay không?
Việc thực hiện cấp biển số xe qua đấu giá phải thực hiện theo quy định của Luật giao thông đường bộ, Luật đấu giá tài sản, Luật sử dụng tài sản công và các văn bản quy định của Bộ Công an. Mỗi biển số xe được cấp cho một phương tiện. Biển số này sau khi đấu giá không được mua bán, chuyển nhượng cho người khác.
Các văn bản quy phạm pháp luật của VN quy định một xe chỉ sử dụng được một biển số. Nếu sang tên chuyển nhượng cả phương tiện trong cùng một địa phương thì tiếp tục được sử dụng biển số xe đó. Nhưng một người ở Hà Nội có biển số xe là 12345, khi sang tên xe đó cho người ở địa phương khác, phải thực hiện lại từ đầu.
Sẽ đấu giá trực tuyến
* Có biển số cả tỉ bạc nhưng nếu xe hỏng hoặc hết giá trị sử dụng sẽ đồng nghĩa biển số đó không còn giá trị, vậy sẽ thiệt thòi cho người dân?
Băn khoăn đấy cũng là chính đáng nhưng chúng ta thấy rằng việc đấu giá cấp quyền sử dụng biển số xe là một biện pháp quản lý về an ninh trật tự, do vậy tất cả phải tuân thủ theo quy định. Và việc đấu giá quyền sử dụng biển số xe là tự nguyện, ai thấy thoải mái mới tham gia.
Đại tá Lê Xuân Đức - phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an - Ảnh: THÂN HOÀNG
* Giá khởi điểm để đấu giá biển số xe được quy định như thế nào, thưa ông?
Giá khởi điểm do chính quyền địa phương quyết định. Họ sẽ căn cứ vào nhu cầu của địa phương, tình hình phát triển kinh tế và các quy định pháp luật để đưa ra mức phù hợp.
* Làm thế nào để đảm bảo khách quan khi đấu giá, tránh tình trạng cài cắm "quân xanh", "quân đỏ"?
Hình thức đấu giá là trực tuyến, để mọi người dân ở bất kỳ đâu cũng có thể tham gia. Tất cả kho số đem đấu giá đều được niêm yết công khai tại nơi đăng ký xe và trên trang đấu giá trực tuyến. Điều kiện bắt buộc là mỗi người tham gia phải có một tài khoản, có phương tiện và có đầy đủ hồ sơ hợp lệ. Số tiền thu được từ đấu giá sẽ nộp vào ngân sách.
Đấu giá trực tuyến nên không có vấn đề gì phải lo lắng về việc không khách quan. Hội đồng đấu giá của từng địa phương sẽ được thành lập theo Luật đấu giá. Đấu giá trực tuyến không ai biết ai, ai trả cao sẽ thắng theo từng bước giá. Khi có kết quả sẽ hiện lên rõ ràng, mọi người đều có thể thấy và so giá.
Luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP Hà Nội): Nên có quy định để được chuyển nhượng biển số
Trước đây biển số chỉ được coi là tài sản gắn liền với tài sản khác. Nếu biển số được đấu giá, phải coi nó giống một tài sản và người sở hữu nó phải có các quyền theo Bộ luật dân sự, là: quyền sở hữu, định đoạt, thậm chí là quyền thế chấp. Nếu được thế, giá trị sử dụng của biển số sẽ tăng lên.
Khi biến biển số xe thành một tài sản, chúng ta cần quy định thêm để nó có thể chuyển nhượng được. Một biển số có giá trị cao hơn biệt thự là hoàn toàn có thể. Một số quốc gia như Các tiểu vương quốc Ả Rập chẳng hạn, họ đã làm việc này và giá trị biển số có thể lên tới hàng triệu USD.
Xe chỉ có vòng đời 10-20 năm, nếu biển số được gắn với chiếc xe khác sau khi chuyển nhượng sẽ có giá hơn. Rồi nếu được chuyển nhượng thì Nhà nước còn thu được cả thuế, tạo nguồn thu cho ngân sách.
Ông Trần Đức Thắng, cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính: Lợi ích kép
Việc đấu giá biển số đẹp sẽ có lợi ích kép. Đó là khi công khai, minh bạch việc đấu giá biển số sẽ chấm dứt được tình trạng một số người có nhu cầu mua biển số lại phải đi "cửa sau". Mặt khác, số tiền thu được từ đấu giá biển số xe sẽ được chi cho chương trình an sinh xã hội...
Thực tế, nhu cầu về mua biển số xe là rất lớn nên nhiệm vụ của cơ quan quản lý là phải thiết lập nguồn cung và cách thức tổ chức, quản lý, giám sát việc đấu giá kho số sao cho công khai và minh bạch. Kho số là tài sản công nên không thể để lãng phí.
LÊ THANH ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận