01/05/2018 12:06 GMT+7

'Chỉ tuyển lao động nam' ở Trung Quốc

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Bất kể tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, bất kể trình độ học vấn của phụ nữ đã tăng nhiều trong vài thập kỷ qua, tình trạng kỳ thị giới tính trong môi trường lao động Trung Quốc vẫn chưa có nhiều cải thiện.

Chỉ tuyển lao động nam ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Lao động nữ Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2017 vị trí xếp hạng về thực hiện quyền bình đẳng giới của Trung Quốc tiếp tục rớt bậc ở năm thứ 9 liên tiếp, xuống mức 100/144 quốc gia được khảo sát. Năm 2008, Trung Quốc đứng thứ 57.

"Chỉ tuyển nam"

Thực trạng kỳ thị lao động nữ tại Trung Quốc càng được chứng minh rõ hơn trong báo cáo có tên "Only men need apply" (Chỉ đàn ông cần ứng tuyển) của Tổ chức Nhân quyền (HRW) có trụ sở ở New York, Mỹ công bố đầu tuần này. 

Để có báo cáo, HRW đã phân tích hơn 36.000 thông báo tuyển dụng, hầu hết được đăng tải từ năm 2013 trên trang web của các công ty, cơ quan chính phủ cùng nhiều nền tảng mạng xã hội khác.

Theo đó, các thông báo tuyển dụng của cả khối nhà nước lẫn tư nhân đều nêu cụ thể nhu cầu tuyển nam, hoặc ưu tiên nam giới. 

Cụ thể, trong các quảng cáo việc làm khối nhà nước có tới 13% (2017) và 19% (2018) thông báo yêu cầu cụ thể "chỉ tuyển nam", "ưu tiên nam giới" hoặc "phù hợp với nam". Trong khi đó, không có những ưu ái cụ thể này với nữ trong thông báo tuyển dụng khối nhà nước năm 2017 và chỉ có một thông báo ưu tiên nữ trong năm 2018.

Đáng chú ý hơn, nếu phụ nữ được "để mắt" thì phải là phụ nữ đã có gia đình hoặc đã có con để khỏi nghỉ thai sản. Tệ hơn, trong các tiêu chuẩn đặt ra với ứng viên nữ có những tiêu chuẩn về thể chất nhiều khi chẳng liên quan gì tới chức trách công việc. 

Sự kỳ thị còn lộ rõ ở việc không ít công ty sử dụng chính những nhân viên nữ trẻ trung, xinh đẹp để thu hút các ứng viên nam. Điều này đặc biệt phổ biến tại các hãng công nghệ lớn như Tencent, Baidu, Alibaba, Huawei...

Một nhân viên nam của Hãng Tencent và một người của Baidu thừa nhận sở dĩ họ đầu quân cho các công ty đó vì cảm thấy "hạnh phúc mỗi ngày" tại nơi làm việc. 

Cá biệt hơn, một tài khoản tuyển dụng trên mạng xã hội của Công ty Alibaba còn đăng tải lúc nửa đêm một loạt hình ảnh nhân viên nữ trẻ trung, rồi mô tả họ là "những phúc lợi (công ty) lúc khuya khoắt".

Luật chưa đủ răn đe

Sự kỳ thị lao động nữ thể hiện trong các thông báo tuyển dụng phản ánh quan điểm kỳ thị giới tính dường như đã ăn vào ý thức, quan niệm xã hội tại Trung Quốc và có thể còn ở nhiều xã hội khác. 

Đó là cho rằng phụ nữ luôn kém cỏi hơn đàn ông về thể chất, trí tuệ, tâm lý; cho rằng thiên chức của phụ nữ là chăm sóc gia đình, con cái nên họ không thể toàn tâm phụng sự công việc và rốt cuộc sẽ bỏ việc để chọn gia đình.

Cùng với đó, việc phải giải quyết chế độ, quyền lợi thai sản cho lao động nữ cũng là điều gây phiền hà, tốn kém cho nhiều cơ quan, doanh nghiệp. Một trong những vấn đề lớn nhất của chủ doanh nghiệp là quy định 98 ngày tối thiểu nghỉ thai sản có lương dành cho lao động nữ. 

Tại một số tỉnh và thành phố của Trung Quốc, số ngày này thậm chí còn dài hơn, chẳng hạn ở Bắc Kinh là 128 ngày và ở tỉnh Hà Nam là 190 ngày. Đó là lý do vì sao chủ doanh nghiệp chỉ muốn tuyển nam, nếu tuyển nữ thì họ cũng chọn người đã có con.

Cũng theo một số tổ chức hoạt động nhân quyền, mức độ kỳ thị với lao động nữ ở Trung Quốc ngày càng tệ hơn cùng với việc xóa bỏ chính sách một con từ cuối năm 2015. Nhiều chủ doanh nghiệp càng miễn cưỡng hơn nữa trong việc tuyển lao động nữ, vì họ có thể phải giải quyết tới hai chứ không phải một đợt nghỉ thai sản cho nữ nhân viên.

Mặc dù luật pháp Trung Quốc cấm kỳ thị giới tính trong thông báo tuyển dụng lao động, nhưng luật lại thiếu một định nghĩa rõ ràng thế nào là hành vi kỳ thị giới tính và cũng thiếu luôn một cơ chế thực thi hiệu quả. Theo đó, mức độ thi hành luật thấp và nhà chức trách cũng hiếm khi chủ động điều tra các công ty thường xuyên vi phạm luật này.

Ông Wang Quanxing, giáo sư về luật lao động tại Đại học Tài chính và kinh tế Thượng Hải, nói: "Việc thực thi luật ở Trung Quốc rõ ràng là không đủ mạnh về vấn đề kỳ thị giới tính và điều này đã khuyến khích hành vi kỳ thị của các công ty".

"Chúng tôi xin lỗi"

Ngay sau khi báo cáo của HRW được công bố, hầu hết các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc bị "điểm mặt, chỉ tên" vì đã có hành vi kỳ thị giới tính trong thông báo tuyển dụng như Alibaba, Tencent, Baidu, Huawei đều ra thông cáo hồi đáp.

Người phát ngôn của Tencent cho biết công ty sẽ điều tra về những vụ việc liên quan và tiến hành những thay đổi cần thiết ngay lập tức: "Chúng tôi xin lỗi vì đã để xảy ra chuyện này và sẽ mau chóng hành động để đảm bảo việc này không tái diễn".

Trong khi đó, Công ty Baidu khẳng định 45% nhân viên của họ là nữ và tỉ lệ này cũng được thực hiện tại các vị trí cấp trung và cao cấp trong công ty.

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên