Theo đó, vitamin, khoáng chất đứng thứ 13 trong danh sách mặt hàng chi trả nhiều nhất năm 2016, cao hơn cả chi phí cho máu và các chế phẩm máu.
Trong số trên 615 tỉ quỹ đã dành mua vitamin, có gần 140 tỷ tiền vitamin dạng phối hợp B1, B6, B12, gần 40 tỉ vitamin C, gần 45 tỉ dạng phối hợp vitamin B6 và magnesi, gần 20 tỉ dạng phối hợp vitamin A và D…
Với các thuốc hỗ trợ điều trị, năm 2016 quỹ đã chi trên 53 tỉ cho thuốc glucosamin (hỗ trợ điều trị xương khớp), gần 25 tỉ cho glutathion (tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa), trên 37 tỉ cho ginkgo biloba để tăng cường chức năng não…
So với 2015, tổng chi phí cho các thuốc hỗ trợ điều trị không tăng, nhưng cá biệt có loại tăng gấp đôi. Tại Đồng Nai, chi phí dùng vitamin, khoáng chất năm 2016 tăng gấp rưỡi so với 2015.
Thuốc điều trị ung thư cũng là nhóm có chi phí gia tăng rất mạnh trong thời gian qua. Năm 2016 chi phí 15 hoạt chất điều trị ung thư hay dùng đã lên tới gần 2.700 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với 2015.
Tại buổi lấy ý kiến các bệnh viện về dự thảo danh mục thuốc được bảo hiểm y tế chi trả, được Bộ Y tế tổ chức sáng 21-12, nhiều ý kiến đề nghị nên tăng tỷ lệ chi trả các thuốc đắt tiền, khó tiếp cận như thuốc điều trị đích cho bệnh nhân ung thư, thuốc điều trị viêm gan siêu vi C, giảm số vitamin, khoáng chất trong danh mục.
Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới, danh mục của tổ chức này chỉ có 12 vitamin, khoáng chất, nhưng danh mục đang được Bộ Y tế giới thiệu có tới 34 loại vitamin khoáng chất, kể cả dạng đơn và đa chất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận