Mới đây, Bộ Y tế tổ chức hội nghị "Đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi bảo hiểm y tế về vấn đề chẩn đoán, điều trị sớm cho một số bệnh trong dự án luật bảo hiểm y tế sửa đổi" tại Hà Nội.
Sự cần thiết của chương trình sàng lọc quốc gia
Trong khuôn khổ hội nghị các đại biểu đã lắng nghe những chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế liên quan đến chính sách về UTCTC; chi phí và hiệu quả trong xét nghiệm UTCTC trên thế giới và Việt Nam.
Những nội dung chia sẻ này đóng vai trò cơ sở khoa học và bằng chứng quan trọng để Bộ Y tế đánh giá, nghiên cứu, xây dựng Luật BHYT sửa đổi, đảm bảo sự cân bằng giữa quyền lợi của người thụ hưởng và nguồn tài chính của Quỹ BHYT.
Bà Trần Thị Trang - quyền vụ trưởng Vụ bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) - nhấn mạnh UTCTC là ung thư có thể phòng ngừa và chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và điều trị sớm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định một chiến lược toàn cầu để đáp ứng mục tiêu này thông qua tiêm chủng, sàng lọc và điều trị (mục tiêu "90-70-90" vào năm 2030).
Bà viện dẫn "WHO cũng đã đưa ra bằng chứng rằng việc đáp ứng các mục tiêu loại trừ UTCTC sẽ tạo ra lợi ích kinh tế và xã hội đáng kể, dựa trên ước tính rằng mỗi đô la đầu tư có thể mang lại khoảng 28 đô la Mỹ khi xem xét tác động của sức khỏe được cải thiện của phụ nữ đối với gia đình, cộng đồng và xã hội.
Vì vậy, việc xem xét phạm vi chi trả của Quỹ BHYT cho việc sàng lọc phát hiện UTCTC nói riêng và một số bệnh lý khác là rất quan trọng và có thể mang lại hiệu quả, lợi ích cao cho người bệnh, Quỹ BHYT và xã hội".
Theo GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy - phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế - nếu được phát hiện sớm và xử lý một cách đúng đắn những trường hợp tiền UTCTC, tỉ lệ chữa lành bệnh lên đến 99%.
Sàng lọc ung thư cổ tử cung 5 năm /lần
Trong các phương pháp sàng lọc UTCTC, các hướng dẫn cập nhật của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (2020), Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (2021) và Tổ chức Y tế Thế giới (2021) đang khuyến cáo ưu tiên sử dụng xét nghiệm HPV DNA đầu tay đơn lẻ với khoảng cách sàng lọc 5 năm/lần, cùng với que tăm bông tự lấy mẫu để gia tăng độ phủ sàng lọc.
Từ bức tranh các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã triển khai thành công chương trình sàng lọc quốc gia, hầu hết đều sử dụng xét nghiệm HPV DNA đầu tay đơn lẻ, hoặc đang được chuyển đổi từ các phương pháp khác như tế bào học sang HPV DNA.
Tại Việt Nam, trong những năm qua một số hoạt động cũng được triển khai cho thấy Việt Nam đã có sự chuẩn bị cho chương trình sàng lọc quốc gia như chương trình thí điểm về sàng lọc giai đoạn 2019-2025 với sự sẵn có của các phương pháp sàng lọc UTCTC ở Việt Nam; hướng dẫn dự phòng và sàng lọc UTCTC đang trong quá trình cập nhật phù hợp với xu hướng trong khu vực và trên thế giới.
Trong đó, một mắt xích không thể thiếu của chương trình là hệ thống ghi nhận sàng lọc ung thư mà gần đây đã được khảo sát để triển khai, có thể được tích hợp với hệ thống quản lý dữ liệu y tế sẵn có.
TS. Ong Thế Duệ - phó trưởng khoa Tài chính Y tế và Đánh giá Công nghệ y tế, Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cũng chỉ ra rằng bằng chứng từ các nghiên cứu đánh giá hiệu quả chi phí của phương pháp HPV DNA so với xét nghiệm tế bào học, cả trên thế giới và trong bối cảnh Việt Nam.
Những nghiên cứu cho thấy phương pháp HPV DNA có hiệu quả chi phí cao hơn xét nghiệm tế bào học. Nhằm giảm gánh nặng của UTCTC, quỹ bảo hiểm y tế hoặc ngân sách nhà nước xem xét chi trả hoặc đồng chi trả cho việc triển khai sàng lọc UTCTC định kỳ cho phụ nữ Việt Nam.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu ủng hộ việc mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT về vấn đề chẩn đoán và điều trị sớm một số bệnh, trong đó có UTCTC. Tuy nhiên, các đại biểu vẫn còn nhiều băn khoăn cần làm rõ trong thời gian xây dựng luật như cơ sở pháp lý, cân đối quỹ hoặc được bổ sung hàng năm từ ngân sách bên ngoài, lộ trình giá,…để đảm bảo quyền lợi của người tham gia BHYT.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận