Khu Beit Hanoun phía bắc Gaza đổ nát sau các cuộc không kích của Israel - Ảnh: Reuters |
Thỏa thuận này đơn thuần vì lý do nhân đạo, để chuyển những người Palestine bị thương trong 18 ngày xung đột đẫm máu vừa qua ra khỏi Gaza. Sau đó thì...
Tính đến hôm qua, thông tin của Bộ Y tế Palestine cho biết có gần 890 người Palestine thiệt mạng và gần 600 người bị thương, đa số là dân thường. Hamas và Islamic Jihad tuyên bố đã giết 68 binh sĩ Israel, làm bị thương gần 200 người và bắt được 1 binh sĩ Israel. Phía Israel công nhận 33 binh sĩ tử trận và một người mất tích. Đây là thiệt hại nhân mạng lớn hơn cả tổng số thiệt hại của Israel trong hai lần tấn công Gaza gần nhất vào đầu năm 2009 và cuối năm 2012. |
Không thể phủ nhận việc ngưng bắn nhân đạo này là kết quả của những nỗ lực lớn lao từ quốc tế. Nhưng phạm vi của thỏa thuận này thật quá nhỏ nhoi so với nguyện vọng của người dân Gaza nói riêng, người Palestine nói chung cũng như lương tâm của cộng đồng quốc tế.
Các nỗ lực từ bên ngoài nhằm chấm dứt cuộc chiến lần này thật đáng kể. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải dành nhiều ngày ngoài chương trình làm việc đã định trước để chạy ngược chạy xuôi giữa Cairo, Tel Aviv, Ramallah rồi Amman (thủ đô Jordan) và Riyadh (thủ đô Saudi Arabia). Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon cũng đích thân đến khu vực này gặp gỡ lãnh tụ các quốc gia liên quan. Rồi ngoại trưởng Pháp, tân ngoại trưởng Anh cũng góp phần tác động đến các địa chỉ cần thiết...
Đề nghị ngưng bắn đã được Ai Cập đưa ra rất sớm và được Israel đáp ứng, nhưng lực lượng “kháng chiến” tại Gaza mà nòng cốt là Hamas và Islamic Jihad không chấp nhận. Phía Gaza đòi phải cùng lúc ngưng bắn và dỡ bỏ bao vây phong tỏa dải đất này. Nếu không được như vậy thì họ còn chiến đấu chống “quân chiếm đóng” (Israel). Đến ngày 26-7, thủ lĩnh Hamas Khaled Mashaal còn tuyên bố “ngưng bắn là yêu cầu của riêng Israel”!
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định chiến dịch phải đạt được mục tiêu đã đề ra là phá hủy cơ sở hạ tầng của chính quyền Hamas, loại trừ khả năng bắn tên lửa từ Gaza sang Israel và triệt phá các đường hầm bí mật luồn qua biên giới vào lãnh thổ Israel. Israel cho rằng việc phá hủy 31 đường hầm đã bị phát hiện đòi hỏi ít nhất hai tuần lễ. Do đó, không thể ngưng chiến dịch mà họ đang tiến hành tại Gaza trước khi hoàn tất mục tiêu này!
Thái độ cứng rắn của đôi bên trong cuộc, bất chấp sự can thiệp tận tình, ráo riết từ cộng đồng quốc tế, nói lên nhiều điều:
Trước nhất, Liên Hiệp Quốc, Mỹ hay các cường quốc khác không còn vị thế để gây được áp lực quyết định đến mức có thể buộc đôi bên trong cuộc phải chấp nhận sự dàn xếp từ bên ngoài như trước nữa. Israel giờ đây không còn hoàn toàn phụ thuộc vào cây gậy điều hành từ Washington. Còn nhớ Thủ tướng Netanyahu từng tuyên bố có thể đơn phương thực hiện hành động quân sự chống “tham vọng nguyên tử của Iran” mà không cần sự chấp thuận của Mỹ!
Các lực lượng đang cai quản Gaza, chủ yếu là Hamas và Islamic Jihad, mặc dù đang kẹt trong tình trạng bị bao vây phong tỏa tứ bề vẫn tỏ ra rất tự tin! Họ tự tin bởi có sự hậu thuẫn thiết thực của Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ sau khi chính quyền của Phong trào Anh em Hồi giáo bị lật đổ tại Ai Cập đầu tháng 7-2013, mâu thuẫn sâu sắc phát lộ giữa những người đồng đạo Hồi trong khu vực. Một bên là Ai Cập và Saudi Arabia với bên kia là Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ. Mâu thuẫn này thật sự tác động tiêu cực đến cuộc xung đột tại Gaza hiện nay. Ai Cập đưa ra đề nghị ngưng bắn, được Saudi Arabia hậu thuẫn, thì Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ phản đối, đòi phải có giải pháp đồng thời ngưng bắn và giải tỏa bao vây Gaza, thậm chí đòi giải tỏa bao vây trước rồi mới ngưng bắn! Tuyên bố của thủ lĩnh Khaled Mashaal thể hiện rõ lập trường này.
Chưa biết các bên tranh chấp trong khu vực được lợi gì khi tiếp tục “kiên định lập trường” trong cuộc chiến hiện nay tại Gaza nhưng mỗi ngày qua đi, máu của người dân Gaza lại đổ thêm nhiều nữa! Từ nay dường như không còn khái niệm coi cuộc tranh chấp giữa Palestine với Israel đồng nghĩa với “xung đột Trung Đông” như suốt hơn 60 năm qua nữa. “Tiến trình hòa bình Trung Đông” hay “lộ trình hòa bình” được quảng bá rầm rộ nhiều năm qua có lẽ cũng đã bị rơi vào quên lãng. Thậm chí gọi đây là xung đột giữa Israel với Palestine nói chung cũng gần như thiếu chính xác; bởi thực chất đây hầu như là xung đột giữa Israel với riêng Gaza mà thôi.
Chả thế mà mọi nỗ lực quốc tế ở tầm cỡ cao cấp như thế cũng chỉ nhằm mục đích... nhân đạo! Mà ngay cả mục đích rất khiêm tốn này xem ra cũng không phải dễ gì đạt được khi Israel tuyên bố sẵn sàng phá vỡ ngay thỏa thuận nếu có rocket bắn đi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận