Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt là một trong những trường có nhiều ngành đào tạo sư phạm trước khi bị cắt giảm chỉ còn ngành sư phạm mầm non vào năm nay - Ảnh: M.G.
Theo Luật giáo dục, chuẩn giáo viên từ tiểu học phải có trình độ ĐH. Chính vì vậy, ngành đào tạo giáo viên bậc tiểu học và trung học cơ sở đã bị loại khỏi danh mục đào tạo của các trường cao đẳng (CĐ) sư phạm, chỉ còn lại ngành sư phạm mầm non.
1 ngành năm nay gấp đôi 10 ngành năm ngoái
Năm 2019, Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt tuyển sinh 10 ngành sư phạm khác nhau với tổng chỉ tiêu 275. Năm nay, khối ngành sư phạm chỉ còn lại ngành sư phạm mầm non nhưng chỉ tiêu được đẩy lên đến 500, gần gấp đôi tổng chỉ tiêu của 10 ngành năm trước. Tính riêng ngành mầm non, chỉ tiêu đã tăng đến 7 lần.
Lý giải về điều này, ThS Huỳnh Linh Bảo - hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt - cho biết đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường khá lớn, năm nay lại không tuyển những ngành sư phạm khác nên trường dồn chỉ tiêu cho ngành mầm non.
"Lúc đầu trường dự kiến đăng ký 300 chỉ tiêu nhưng năng lực dư thừa nên xác định 500. Chỉ tiêu này được tính toán dựa trên năng lực đào tạo thực tế của trường" - ông Bảo nói.
Tại Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, năm 2019 trường này tuyển 9 ngành sư phạm với tổng chỉ tiêu 315, ngành mầm non có 60 chỉ tiêu. Đến năm nay, khối sư phạm chỉ còn ngành sư phạm mầm non và chỉ tiêu được tăng lên 330.
Tương tự, năm trước tổng chỉ tiêu cho 8 ngành sư phạm của Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu là 480, riêng ngành mầm non là 205. Năm nay, dù chỉ tuyển duy nhất ngành sư phạm mầm non nhưng chỉ tiêu cũng được xác định là 500.
Hầu hết các trường CĐ sư phạm khác hoặc các trường CĐ đa ngành có đào tạo sư phạm cũng đồng loạt tăng chỉ tiêu sư phạm mầm non trong năm nay. Trong đó, ngành mầm non Trường CĐ Sư phạm Tây Ninh tăng gấp 3 lần, từ 46 chỉ tiêu năm 2019 lên 160 chỉ tiêu năm 2020. Trường CĐ Sư phạm Kiên Giang từ 140 năm 2019 lên 200, CĐ Sư phạm Long An từ 50 lên 160, CĐ Cần Thơ từ 86 lên 240…
Chờ định hướng mới
"Chúng tôi là trường vẫn còn hoạt động khá tốt khi tuyển sinh chính quy được khoảng 70% chỉ tiêu, thực hiện bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, nâng chuẩn giáo viên theo luật mới. Tuy nhiên, vài năm nữa đối tượng nâng chuẩn cũng sẽ không còn, khi đó việc tồn tại của trường sẽ rất chật vật" - TS Phan Thế Hải, phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, phân trần.
Liên quan đến quy hoạch hệ thống trường sư phạm, trong một hội nghị gần đây, ông Phan Như Nghệ - phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết cả nước còn khoảng 30 trường CĐ sư phạm. Các trường này có thể trở thành phân hiệu của các trường ĐH, sáp nhập vào các trường khác hoặc chuyển đổi thành các cơ sở giáo dục phổ thông tùy theo nhu cầu của tỉnh. Hệ thống đào tạo sư phạm được quy hoạch chỉ bao gồm ĐH và trường ĐH có đào tạo sư phạm.
Trong bối cảnh đó, để tồn tại và phát triển, trên 10 trường CĐ sư phạm đã có kế hoạch sáp nhập với những trường CĐ địa phương hoặc trở thành phân hiệu của trường ĐH.
Trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận sáp nhập vào phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Ninh Thuận và trở thành khoa sư phạm của trường ĐH này. Trường CĐ Sư phạm Long An được đề xuất sáp nhập vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Trường CĐ Sư phạm Quảng Trị sáp nhập với phân hiệu Quảng Trị của ĐH Huế.
Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long đã thực hiện sáp nhập vào Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long và đổi tên thành Trường CĐ Vĩnh Long. Trường CĐ Sư phạm Bình Phước cũng đã được sáp nhập cùng Trường CĐ Y tế và Trường CĐ nghề Bình Phước để trở thành Trường CĐ Bình Phước…
Riêng Trường CĐ Sư phạm Gia Lai, trong lúc chờ thực hiện các phương án sáp nhập, năm nay trường quyết định ngừng tuyển sinh. TS Nguyễn Thị Thu Hà - phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Sư phạm Gia Lai - cho biết trường chỉ còn tuyển ngành sư phạm mầm non. Nếu chỉ có 1, 2 lớp mà phải duy trì, kéo dài trong 3 năm sẽ rất khó khăn cho gần 100 giảng viên. Do đó trường ngừng tuyển sinh, chờ hoàn thành các thủ tục tái cơ cấu trường.
Cũng theo bà Hà, thời gian qua việc tuyển sinh khó khăn, nhiều giảng viên đã xin chuyển công tác khỏi trường.
Có dư thừa?
Liệu chỉ tiêu tăng đột biến như vậy có tạo ra tình trạng dư thừa? Chia sẻ điều này, TS Phan Thế Hải, phó hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết tỉnh và các địa phương lân cận thiếu rất nhiều giáo viên mầm non nên nhu cầu rất lớn, đội ngũ và cơ sở vật chất của trường cũng rất hùng hậu. Trong khi đó trên địa bàn tỉnh không có trường ĐH đào tạo ngành này.
Tiêu chí phân bổ chỉ tiêu
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết năm 2020, cả nước có 102 cơ sở đào tạo các ngành sư phạm trình độ ĐH, CĐ giáo dục mầm non với tổng chỉ tiêu đề xuất là 84.475. Căn cứ vào nhu cầu địa phương và trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí, Bộ GD-ĐT xác định phân bổ 69.630 chỉ tiêu.
Theo bà Thủy, 3 năm nay Bộ GD-ĐT đã kết hợp với địa phương khảo sát nhu cầu, số lượng giáo viên của từng cấp học, môn học. Trên cơ sở này bộ phân bổ chỉ tiêu đào tạo giáo viên cho các trường sư phạm dựa vào việc kết hợp các tiêu chí: đề xuất của địa phương, năng lực của các trường cũng như phạm vi tuyển sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận