Học sinh, giáo viên Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) - Ảnh: Fanpage nhà trường
TS Nguyễn Kim Dung - viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Nam Việt - đánh giá trước hết phải nói về mặt tích cực của chính sách. Nó thể hiện một tỉnh chú trọng đãi ngộ thu hút đội ngũ có học hàm, học vị cao.
Không phù hợp lắm với thực tế
Tuy nhiên, theo bà Dung, chính sách không phù hợp lắm với tình hình hiện nay bởi các lý do:
Thứ nhất, đối với THPT chuyên, chức năng là để bồi dưỡng nhân tài, định hướng học sinh chọn lĩnh vực phát triển trong tương lai, bên cạnh nhiệm vụ có nhiều học sinh giỏi mang thành tích cho trường. Xét chức năng này, lực lượng giảng dạy có thể thạc sĩ, tiến sĩ hoặc người đáp ứng yêu cầu. Trường chuyên cần người có thể có giáo sư, phó giáo sư càng tốt nhưng không bắt buộc.
Thứ hai, chính sách chưa thuyết phục lắm. Đãi ngộ 1 tỉ đồng hay 300 triệu đồng không phải là vấn đề cốt lõi. Cốt lõi phải tạo ra môi trường học thuật, lĩnh vực họ nghiên cứu chuyên sâu. Ví dụ giáo sư toán học phải đi vào nghiên cứu, đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ cho tương lai chứ không phải dạy học sinh THPT.
Thứ ba, chức năng trường chuyên có thể tạo nghiên cứu, hướng dẫn học sinh vào mảng thi học sinh giỏi. Đặc trưng này không phải là điểm mạnh của giáo sư, phó giáo sư. Giải một đề toán, đề văn, phát huy năng khiếu phải là người hướng về năng lực giảng dạy hơn năng lực nghiên cứu.
"Đưa ra chính sách là nỗ lực lớn của tỉnh nhưng phải hướng tới môi trường, đặc trưng và chức năng THPT chuyên, khả năng đóng góp của giáo sư và phó giáo sư. Vấn đề không phải là tiền mà chính sách về lâu dài. Đưa ra cam kết 10 năm nhưng trong 10 năm đó cần làm là gì, thêm những biện pháp, chế độ đãi ngộ, môi trường thế nào... mới quan trọng" - bà Dung nhấn mạnh.
Thu hút giáo viên THPT có tài thì đúng hơn
Tương tự, giáo sư ngôn ngữ học Nguyễn Đức Dân cho rằng để thu hút người tài là giáo sư, phó giáo sư về trường đại học thì có thể được, hợp lý.
"Môi trường THPT mà cần đến cả những người có hàm giáo sư, phó giáo sư là không cần thiết. Chắc gì khi họ đứng lớp dạy tốt hơn giáo viên trường THPT. Môi trường này cần người tài ở cơ sở giáo dục khác đưa về.
Chẳng hạn, họ là nhà giáo có thành tích trong dạy học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực... Dùng chế độ này để thu hút hơn nữa giáo viên có tài về THPT chuyên thì đúng hơn. Đồng thời đãi ngộ để khuyến khích, động viên tinh thần của giáo viên dạy đã tốt thì càng tốt hơn nữa" - giáo sư Dân nói.
Tiến sĩ giáo dục Lê Vinh Quốc - nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cũng nhận định:
"Giáo sư, phó giáo sư là chức vụ khoa học, chỉ sử dụng gắn liền trong công tác nghiên cứu khoa học trong trường đại học. Họ chỉ làm việc ở môi trường đại học là phù hợp và hiệu quả.
Với giáo sư và phó giáo sư, đối tượng là những nghiên cứu lớn thì làm sao có thể dạy tốt THPT, dạy cho học sinh dưới 18 tuổi được. Còn cử nhân, thạc sĩ là giáo viên thì dạy học trong trường THPT sẽ phát huy rất tốt công việc của mình".
Không phải cứ học hàm, học vị cao là dạy giỏi
Giáo sư, phó giáo sư là học hàm - một chức danh khoa học ở các trường đại học, các cơ sở giáo dục, các học viện và trung tâm nghiên cứu. Công việc của họ thường là nghiên cứu và giảng dạy ở đại học, sau đại học hoặc lĩnh vực trong chuyên môn.
Theo quy định, giáo sư và phó giáo sư được ưu tiên trong việc giao đề tài, dự án khoa học - công nghệ, xây dựng các chương trình, đề án phục vụ công tác quản lý và các điều kiện cần thiết khác để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong khi để dạy tốt ở bậc phổ thông cần những giáo viên trẻ giỏi chuyên môn, năng động, sáng tạo, hòa đồng với học sinh về tâm sinh lý lứa tuổi và vững nghiệp vụ sư phạm. Giáo viên trường chuyên cần người giỏi kiến thức môn chuyên, có kinh nghiệm giảng dạy chuyên, đủ khả năng hoàn thành việc giảng dạy, truyền thụ kiến thức môn học cho học sinh.
Trên thực tế, bậc học nào có giáo viên bậc đó. Các trường sư phạm cũng đào tạo giáo viên chuyên sâu từng ngành học: giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học... Hầu hết giáo viên bậc THPT đều thừa nhận nếu được phân công dạy bậc tiểu học thì họ không thể dạy tốt được. Ít giảng viên đại học nào, thậm chí người có học hàm giáo sư và phó giáo sư, dám tự tin bảo rằng "tôi có khả năng dạy tốt ở bậc phổ thông".
Vì dạy học là nghệ thuật, không phải cứ học hàm, học vị cao là dạy giỏi, dạy tốt. Không phải cứ giáo sư, phó giáo sư về dạy trường chuyên sẽ phát huy được năng lực của học sinh.
Rõ ràng môi trường làm việc của các giáo sư, phó giáo sư chỉ phù hợp với trường đại học, các viện nghiên cứu chứ không phải các trường THPT. Do vậy, sẽ hiếm có giáo sư, phó giáo sư nào chấp nhận cam kết giảng dạy từ 10 năm trở lên ở trường chuyên vì chưa chắc họ sẽ làm tốt nhiệm vụ của mình ở đó.
Còn nếu cho rằng "trường chuyên chưa có giáo viên trình độ giáo sư, phó giáo sư gây khó khăn trong công tác bồi dưỡng mũi nhọn, đội tuyển học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, khu vực" rồi dùng ngân sách tiền tỉ thu hút nhân lực trình độ cao "luyện gà chọi" là lãng phí và không thực tế. Việc này cũng không giúp địa phương đạt mục tiêu đưa giáo dục mũi nhọn cũng như giáo dục đại trà phát triển được.
TRẦN HUỲNH
Thăm dò ý kiến
UBND tỉnh Hòa Bình vừa trình dự thảo thu hút giáo viên có trình độ về trường THPT chuyên với mức 1 tỉ đồng/người đối với giáo sư, phó giáo sư và 300 triệu đồng/người đối với tiến sĩ. Bạn:
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận