Sáng 28-10, báo chí thông tin việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội trả lời về dư luận "đã hơn một tháng rưỡi qua nhưng mới chỉ có 6/130 tỉ đồng các nhà hảo tâm cả nước ủng hộ nạn nhân vụ cháy chung cư mini xảy ra hôm 19-9 tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân được giải ngân".
Dù ý kiến trả lời của ông phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội (trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam) khá dài, nhưng có vẻ chưa làm thỏa mãn thắc mắc của không ít khán giả.
Chúng tôi tin rằng kể từ ngày 28-10, tiến độ đưa tiền tài trợ, ủng hộ đến tay nạn nhân vụ cháy sẽ được quan tâm đẩy nhanh hơn. Nhưng việc chậm trễ kiểu này không phải hi hữu, duy nhất.
Những khoản đóng góp từ thiện sau hoạn nạn, thiên tai rất cần được trao gửi sớm nhất đến những người mất nhà, mất người thân, mất hết tài sản. Đó là sự động viên chia sẻ thiết thực và sẽ có ý nghĩa nếu được thông tin sớm nhất và trao tay kịp thời nhất.
Có nhiều nguyên do dẫn đến sự chậm trễ trong việc chuyển tiền mặt, hàng hóa thiết yếu từ quỹ đóng góp, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp cho khắc phục các sự cố "thiên tai địch họa"... Nhưng lý do gì đi nữa thì tiền đến muộn cũng gây những thắc mắc không nên có.
Đây cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người dân muốn trực tiếp đem tiền, hàng cứu trợ hoặc ủy thác cho các cơ quan báo chí, tổ chức từ thiện, nghệ sĩ nổi tiếng... trao nhanh đến tay những người cần được giúp đỡ.
Có nhiều kênh tiếp nhận và tổ chức trao quà từ thiện uy tín và minh bạch cũng tốt hơn và nhanh hơn.
Một sự chậm trễ đáng trách khác là sự việc bốn tháng từ sau lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2022 (19-5-2023), hơn 100 tác giả, đồng tác giả được nhận giải thưởng cao quý này vẫn chưa nhận được tiền thưởng!
Chỉ khi truyền thông lên tiếng phản ánh bức xúc này, mới đây các cơ quan hữu trách mới trình cấp thẩm quyền chỉ đạo, quyết định tạm ứng 30,8 tỉ đồng để chuyển tiền cho đối tượng đoạt giải.
Đây là một sự việc nhạy cảm, như Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói trong cuộc họp với cơ quan liên quan hôm 12-10: "Để xảy ra việc chậm trễ trong việc chi trả tiền khen thưởng như vừa qua, không chỉ làm cho các tác giả đoạt giải phiền lòng mà Thủ tướng Chính phủ và bản thân tôi cũng rất buồn, bức xúc, dư luận không đồng tình".
Cuối năm 2021, dư luận từng dậy sóng trước thông tin "Mời dân lên chờ cả buổi nhận 2.000 đồng tiền hỗ trợ thiệt hại do bão" xảy ra tại xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. Khi đó, toàn xã Tam Vinh còn có hơn 30 trường hợp được ghi nhận mức hỗ trợ dưới 10.000 đồng/hộ.
Cán bộ xã cho rằng đã làm rất chặt chẽ, đúng quy định, đúng quy trình, chính xác và trường hợp gia đình được hỗ trợ 2.000 đồng do chỉ bị thiệt hại một cây chuối là không sai! Có những chuyện không sai nhưng khi tiền đến tay người nhận không thể không buồn.
Chuyện ở Quảng Nam là chuyện hi hữu nhưng còn chuyện chậm trễ chi tiền khen thưởng từ ngân sách nhà nước, chi tiền hỗ trợ từ các nhà hảo tâm... vẫn gặp khá nhiều ở các cấp, các địa phương.
Những đồng tiền, những chia sẻ lúc ngặt nghèo nhất định phải chi kịp thời, không để chậm trễ.
Những cá nhân, tổ chức nắm giữ "tay hòm chìa khóa" ngân khố hay tiền từ thiện, tài trợ từ nhà hảo tâm cần cải tiến quy trình nhận và trao nhanh chóng hơn, và nếu có thể nên thông tin về các khoản đóng góp đã nhận (hằng ngày, hằng tuần) và việc tổ chức trao ra sao, trao cho những ai.
Có như vậy, các nhà hảo tâm sẽ an tâm, tin tưởng. Và tinh thần "lá lành đùm lá rách" của người Việt tiếp tục được nhân rộng mỗi khi đồng bào mình gặp khó khăn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận