19/09/2017 09:39 GMT+7

Chi tỉ đô nhập thức ăn cho heo, gà

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TTO - Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, VN đã nhập khẩu 2,2 tỉ USD thức ăn gia súc và nguyên liệu, chưa kể các mặt hàng khác nhập về một phần để chế biến thức ăn chăn nuôi như lúa mì, đậu nành.

Chi tỉ đô nhập thức ăn cho heo, gà - Ảnh 1.

Năng suất thấp, giá cao nên bắp trồng trong nước không cạnh tranh được với bắp nhập khẩu - Ảnh: N.T.P.

Không chỉ tạo sức ép lên giá nông sản trong nước, nguyên liệu thức ăn nhập khẩu cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về chất lượng an toàn thực phẩm cho sản phẩm trong nước.

Xuất 4 triệu tấn gạo, nhập 5 triệu tấn bắp

Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết trong tám tháng đầu năm nay VN xuất khẩu được 3,96 triệu tấn gạo các loại. Cùng thời gian này, các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu 4,91 triệu tấn bắp về để chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN), nhiều hơn xuất khẩu gạo gần 1 triệu tấn. Trước đó, trong năm 2016, VN nhập hơn 8 triệu tấn bắp, gấp 1,5 lần tổng số lượng bắp được sản xuất trong nước (5,3 triệu tấn).

Ngoài nguyên liệu bắp, theo Bộ NN&PTNT, mỗi năm VN chi tới 2,2 tỉ USD để nhập TACN và nguyên liệu, chưa kể 1,31 triệu tấn đậu tương và 3,37 triệu tấn lúa mì về chế biến làm thực phẩm và TACN, cùng bột xương thịt, các loại vitamin...

Cạnh tranh dữ dội

Theo ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội TACN VN, do giá nguyên liệu thế giới giảm nhẹ nên các doanh nghiệp chế biến TACN trong nước cũng đang cạnh tranh nhau dữ dội, nhất là cạnh tranh về giá.

Với giá bán TACN hiện tại, các doanh nghiệp chỉ hòa hoặc lỗ, trừ một vài doanh nghiệp có vốn lớn, nhập khẩu nguyên liệu từ những thời điểm giá thấp mới có lời và phát triển, đa số là các công ty nước ngoài. Chính vì vậy, thị trường của các doanh nghiệp nhỏ ngày càng thu hẹp trong khi thị phần của các doanh nghiệp lớn ngày càng phát triển.

Ông Phạm Đức Bình, phó chủ tịch Hiệp hội TACN VN, giám đốc Công ty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai), cho rằng bắp nhập rẻ hơn nhiều so với bắp sản xuất trong nước nên các doanh nghiệp nhập khẩu bắp ngày càng nhiều. Không chỉ bắp nội không thể cạnh tranh với bắp nhập (giá về đến VN chỉ 4.400 đồng/kg), đậu nành nội cũng không có cơ hội phát triển bởi đậu nành nhập khẩu chỉ khoảng 8.000-8.200 đồng/kg.

"Bắp trong nước chủ yếu phục vụ phân khúc nông hộ nhỏ hoặc nhà máy chế biến thức ăn gia súc ngay tại địa phương. Bắp nhập khẩu không chỉ rẻ mà chất lượng cũng hơn hẳn bắp trong nước nên các công ty sản xuất đều ưu tiên mua hàng nước ngoài" - ông Bình nói.

Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp chăn nuôi thừa nhận cùng với quá trình phát triển của ngành chăn nuôi, nhu cầu nhập khẩu các nguyên liệu từ nước ngoài ngày càng tăng do nguồn cung trong nước có hạn và rất khó phát triển thêm. Hơn nữa, nguyên liệu TACN nhập khẩu có giá rẻ sẽ tạo điều kiện cho giá TACN giảm, giá thành chăn nuôi của VN cũng giảm theo.

"Đến nay, nhiều chuỗi liên kết đã có thể sản xuất được thịt heo, thịt gà, trứng với giá thành thấp ngang bằng với các nước trong khu vực. Thịt và trứng của VN có cơ hội để xuất khẩu ra các thị trường trong thời gian tới" - vị này nói.

Nhập cả hàng kém chất lượng

Ông Nguyễn Hoàng Hà, giám đốc một công ty chế biến thực phẩm ở Bình Dương, cho rằng đang tồn tại mâu thuẫn lớn về lợi ích giữa người trồng trọt và người chăn nuôi. Do chính sách thuế nhập khẩu giảm gần như bằng 0% ở các nguyên liệu TACN, giá thành chăn nuôi của nông dân giảm. Thế nhưng, đây cũng là lý do mà người trồng trọt, nhất là trồng bắp và khoai mì, lại gặp khó vì giá bán thấp, đầu ra bấp bênh.

Ngoài ra, nông sản nhập khẩu về không chỉ cạnh tranh với mặt hàng cùng loại sản xuất trong nước mà còn cạnh tranh với mặt hàng thay thế trong nước sản xuất được. "Giá bắp giảm đã đành, giá khoai mì lát và cả tinh bột khoai mì cũng giảm theo vì hàng nhập khẩu chiếm hết nhu cầu tiêu thụ hàng trong nước. Hệ quả là doanh nghiệp phải tìm cách xuất khẩu và bị ép giá ở nước ngoài" - ông Hà cho biết.

Cũng theo ông Hà, Nhà nước cần có những chính sách linh hoạt và cân bằng giữa các đối tượng nông dân khác nhau. Không thể vì quyền lợi của người chăn nuôi mà lấy mất quyền lợi của người trồng trọt. Bởi dù sao cũng cần tự túc một phần nguyên liệu TACN trong nước thay vì phụ thuộc 100% vào nhập khẩu sẽ rất rủi ro.

"Trong khu vực Đông Nam Á, không nước nào mở toang hết cửa cho nguyên liệu thức ăn nhập khẩu như VN, họ vẫn có những chính sách thuế hoặc điều kiện để điều tiết hàng nhập khẩu đảm bảo cân bằng cho sản xuất nội địa" - ông Hà nói.

Ngoài ra, theo nhiều công ty sản xuất TACN, việc cấp phép nhập khẩu nguyên liệu TACN cũng tạo nguy cơ hàng kém chất lượng đổ về VN. Theo các doanh nghiệp, có tình trạng một số đơn vị nhập khẩu bột xương thịt chất lượng kém với mục đích chế biến phân bón rồi bán cho các nhà máy chế biến TACN. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm và giá thành của người chăn nuôi mà còn có nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Kiểm soát chặt nguồn gốc nguyên liệu bột xương

1

Cơ quan chức năng yêu cầu kiểm soát chất lượng nguyên liệu làm thức ăn gia súc để không ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi - Ảnh: A Lộc

Trong một động thái mới nhất, Cục Chăn nuôi đã có công văn khuyến cáo các cơ quan và doanh nghiệp trong lĩnh vực nhập khẩu bột xương thịt để chế biến TACN về nguy cơ nhập hàng kém chất lượng. Theo ông Nguyễn Xuân Dương - cục phó Cục Chăn nuôi, hoạt động nhập khẩu nguyên liệu bột xương thịt thời gian tới sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc.

"Doanh nghiệp nhập khẩu phải chứng minh nguồn gốc từ nhà xuất khẩu rằng nguồn hàng về được sử dụng làm TACN. Nếu không chứng minh được xuất xứ hàng hóa sẽ buộc phải tái xuất" - ông Dương cho biết. Cũng theo ông Dương, mỗi năm các doanh nghiệp VN nhập khẩu 300.000-400.000 tấn bột xương thịt về sản xuất TACN gia súc gia cầm, thủy sản.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên