Nhiều hoa văn trên tấm bia Sùng Thiện Diên Linh đã không còn khả năng hồi phục - Ảnh: Hà Hương |
Báo cáo của Phòng Văn hóa thông tin huyện Duy Tiên (Hà Nam) khẳng định “nhóm thợ thấy các bia trong khu vực có nhiều rêu mốc nên đã làm vệ sinh mà không xin ý kiến của cơ quan chuyên môn”. Và rằng họ “có cọ rửa bằng chổi rễ và đây là hành động vô thức”.
Tốp thợ xây ba người sau khi biết Phòng Văn hóa thông tin huyện Duy Tiên cáo buộc mình xâm phạm bảo vật quốc gia thì cũng đã viết bản tường trình giải thích rằng: “Khi thi công, do ximăng, vôi ve bắn vào bia thì chúng tôi có dùng chổi, bàn chải để làm sạch bia cho đẹp chứ không cố ý làm hỏng bia”.
Câu chuyện về bảo vật quốc gia ồn ào mấy ngày nay dường như sẽ đi đến hồi kết với cái thở dài: chỉ tại bác thợ xây! Bác thợ xây có thể thấy dùng chổi rễ, bàn chải kỳ cọ là cách nâng niu tấm bia đá. Nhưng suốt tuần lễ sau cuộc vệ sinh đó, từ cán bộ xã đến huyện đến sở đều có mặt tại chùa Long Đọi Sơn mà không một ai để tâm đến những vết xước trên tấm bia nghìn năm. Tấm bia đã bị bỏ quên trong chính cuộc vui đón danh hiệu của chính nó.
Nếu nhà nghiên cứu Trần Trọng Dương không về chùa Đọi trước ngày công bố, có lẽ cũng không ai biết đến những vết xước nham nhở vừa mới xuất hiện. Đến khi giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nam thừa nhận: “Cái đó sai rồi!” thì cả hệ thống mới nhúc nhích với các cuộc thanh tra, giải trình, báo cáo. Và cuối cùng, lỗi vẫn thuộc về ba bác thợ xây thiếu hiểu biết.
Hàng loạt biện pháp kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” được thực hiện như: làm hàng rào bảo vệ, thực hiện tốt cơ chế quản lý, tăng cường tuyên truyền... Rồi tới đây, người dân sẽ ngắm bảo vật quốc gia qua hệ thống hàng rào bao quanh. Nhưng có lẽ tận lúc đó, ngoài cái danh hiệu “bảo vật quốc gia” nghe rất kêu, rất hoành tráng thì họ vẫn rất lơ mơ trước tấm bia hơn 4.000 chữ của ông cha để lại. Thực tế, đã có một tấm biển nhỏ giới thiệu sơ lược về tấm bia được dựng ở mé phải tấm bia, nhưng với kiểu chữ màu đỏ trên biển mạ vàng sáng bóng, người tinh mắt cũng khó mà đọc hết được những dòng ít ỏi đó.
Và Sùng Thiện Diên Linh chỉ là một trong số vô vàn những tấm bia đang nằm khắp các chùa miếu, di tích của Việt Nam. Không ai bảo vệ, không ai chú ý vì đơn giản một lẽ hầu như không ai hiểu tấm bia viết gì. Những nhà nghiên cứu đến rồi đi với những bản dập sẽ chỉ có rất ít người được tiếp cận. Nhà quản lý thì cứ quản lý và hài lòng khi di sản có được một danh hiệu vẻ vang nào đó. Không ai nghĩ đến việc phải dịch những điều trên văn bia ra để người đời sau ít nhiều nắm được giá trị, thể thức, nghệ thuật trên đó. Một khi không hiểu thì việc nhiệt tình vệ sinh, làm sạch đẹp di sản kiểu những bác thợ xây sẽ vẫn tiếp diễn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận