TTCT - Báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2009 đã được công bố ngày 14-1-2010 với sự hiện diện của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak. TTCT dành chuyên đề số này cho các vấn đề liên quan đến báo cáo PCI 2009. Vì PCI được đo lường trong nhiều năm và cho tất cả các tỉnh thành nên nó vừa có tính so sánh theo thời gian vừa có tính so sánh theo không gian. Chẳng hạn như nhìn vào chỉ số PCI của một địa phương, chúng ta có thể đánh giá được những tiến bộ hay thoái bộ của địa phương ấy so với các năm trước. Đồng thời chúng ta có thể so sánh được chất lượng điều hành của địa phương này so với các địa phương khác trong cùng một năm. Phóng to Từ cách xây dựng chỉ số PCI, có thể thấy rằng PCI là chỉ số có tính tương đối chứ không có tính tuyệt đối. Cụ thể, nếu một địa phương đạt điểm tối đa 10/10 cho một chỉ tiêu bộ phận nào đó thì điều đó chỉ có nghĩa là về chỉ tiêu cụ thể này, địa phương ấy tốt hơn các địa phương còn lại, chứ không phải là địa phương ấy đã hoàn hảo. Nói cách khác, đó là một kiểu “so bó đũa chọn cột cờ”. PCI nên được sử dụng như thế nào? PCI có thể được nhiều đối tượng khác nhau sử dụng, tất nhiên vì những mục đích khác nhau. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước khi cân nhắc khả năng mở rộng sản xuất kinh doanh hay chọn địa điểm đầu tư có thể nhìn vào PCI như một nguồn tham khảo về chất lượng điều hành của các địa điểm đầu tư tiềm năng vì thường thì “đất lành chim đậu”. Báo cáo PCI năm nay chỉ ra rằng nếu như một tỉnh tăng được PCI (không có trọng số) lên 1 điểm phần trăm thì trung bình sẽ thu hút thêm được ba nhà đầu tư. Tương tự, nếu nhìn vào các chỉ số bộ phận, nếu một tỉnh tăng được chỉ số tính minh bạch lên 10 điểm phần trăm thì sẽ tăng được 13% số doanh nghiệp/1.000 dân, 17% đầu tư/đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận/doanh nghiệp. Mặc dù PCI không phản ánh ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng đối với các nhà đầu tư nước ngoài còn “lạ nước lạ cái”, PCI vẫn có thể hữu ích như một phương tiện tầm soát từ xa cũng như để khảo sát cận cảnh. Để giảm rủi ro và tiết kiệm chi phí khảo sát thị trường, các doanh nghiệp nước ngoài thường lên một danh sách ngắn các địa điểm đầu tư tiềm năng, và trên thực tế PCI đã được không ít nhà đầu tư sử dụng trong bước này. Nếu như PCI là một nguồn thông tin hữu ích cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, và nếu như chính quyền địa phương coi các nhà đầu tư là một nhóm khách hàng quan trọng thì hiển nhiên PCI có thể trở thành một công cụ hữu dụng giúp chính quyền địa phương cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng của mình. Theo kết quả phân tích định lượng của VCCI và Dự án sáng kiến cạnh tranh Việt Nam (VNCI), việc cải thiện PCI đã giúp các tỉnh thành đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hút thêm đầu tư của khu vực dân doanh và FDI, tăng công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo. Trên thực tế, đối với một số tỉnh bất lợi về điều kiện tự nhiên hay cơ sở hạ tầng thì việc cải thiện chất lượng điều hành của chính quyền nhờ đó trở nên thân thiện hơn với doanh nghiệp, gần như là biện pháp duy nhất để có thể nâng đỡ khu vực dân doanh phát triển để tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Như trên đã phân tích, PCI là một chỉ số có tính so sánh theo không gian và thời gian. Như vậy, một địa phương muốn đánh giá chất lượng điều hành của mình có thể so sánh từng chỉ số thành phần của PCI trong năm nay so với các năm trước và xem xét sự tiến bộ hay thụt lùi của mình. Từ đó tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân và đưa ra những chính sách thích hợp để cải thiện tình hình, đặc biệt là đối với những chỉ tiêu quan trọng nhất. Một cách khác để sử dụng chỉ số PCI là tìm hiểu những chính sách của những địa phương có chất lượng điều hành tốt hơn, từ đó rút ra bài học cần thiết cho địa phương mình. Khi làm điều này, cần tránh thái độ cay cú hơn thua mà phải thật sự cầu thị. Và PCI 2009 PCI là gì? PCI đánh giá được lượng hóa của doanh nghiệp dân doanh đối với chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh thành. Nếu như vào năm đầu tiên (2005), phạm vi điều tra tương đối khiêm tốn (2.100 doanh nghiệp tại 42 tỉnh thành) thì trong những năm kế tiếp phạm vi điều tra của PCI liên tục được mở rộng, nhờ đó thông tin thu được có tính đại diện ngày một cao hơn. Trong năm 2009, VCCI và VNCI tiến hành điều tra 9.890 doanh nghiệp về chín lĩnh vực phản ánh chất lượng điều hành của chính quyền 63 tỉnh thành trong cả nước. Tác giả bài viết này đã trực tiếp tai nghe mắt thấy quan chức của một số địa phương đổ thừa rằng mỗi tỉnh chỉ điều tra trên dưới 100 doanh nghiệp thì làm sao chính xác được, rằng tỉnh bên cạnh dở hơn mình nhưng không hiểu sao vẫn có PCI cao hơn, thậm chí còn muốn rút tỉnh nhà ra khỏi danh sách khảo sát PCI... Cần hiểu rằng nếu như PCI tổng hợp hay PCI bộ phận của tỉnh sau nhiều năm mà vẫn thấp, không những thế khách hàng (các nhà đầu tư) đang sử dụng chỉ số này để xem có nên đầu tư vào tỉnh mình hay không, thì PCI nên được sử dụng như một công cụ hữu ích để tự sửa mình. PCI không chỉ hữu ích cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương, mà còn là một nguồn thông tin quan trọng cho chính quyền trung ương. Ví dụ như năm nay, chỉ số về tính minh bạch và chi phí không chính thức ở đa số địa phương giảm, quay trở lại mức của năm 2006-2007. Đây là một chỉ báo rất đáng lo ngại cho cải cách hành chính và chống tham nhũng trên phạm vi toàn quốc. Không lo sao được khi theo VCCI và VNCI, “tại Việt Nam đã bắt đầu có xu hướng sử dụng công văn thay văn bản quy phạm pháp luật, với 9.470 công văn có bao hàm các nội dung quy phạm pháp luật được ban hành từ năm 2005-2008, nhiều gấp ba lần so với số công văn được ban hành trong 18 năm trước đó” và có tới “53% doanh nghiệp cho biết cần phải trả hoa hồng khi tham gia đấu thầu để có được hợp đồng với các cơ quan nhà nước”. Những kết quả này cũng gợi ý rằng mặc dù chủ trương phân cấp quản lý là cần thiết, song chính quyền trung ương cần tăng cường năng lực và nguồn lực cho chính quyền địa phương, đồng thời có những biện pháp giám sát và phối hợp hiệu quả để phân cấp không tạo ra 63 “tiểu quốc” với luật lệ riêng, ảnh hưởng xấu tới kỷ cương của đất nước, tới phúc lợi của người dân và doanh nghiệp. Theo nguyên lý của điều khiển học, một hệ thống phức hợp không thể tự hoàn thiện, nếu không có thông tin phản hồi. Vì vậy, mặc dù PCI chưa phải là một thước đo hoàn hảo nhưng chính quyền các tỉnh thành vẫn có thể sử dụng nó như một công cụ hữu ích để nâng cao chất lượng điều hành của mình, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh - đầu tư và nâng cao điều kiện sống của người dân địa phương. Một bài học quan trọng cần được nhắc lại là để có thể thu hút đầu tư từ bên ngoài, chính quyền địa phương trước hết phải làm hài lòng các nhà đầu tư hiện tại trước đã!
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.