28/06/2018 20:53 GMT+7

Chỉ số hạnh phúc của người Việt là bao nhiêu?

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Các nhà nghiên cứu vẫn đang tìm công thức đong đếm mức độ hạnh phúc của người Việt Nam. Thế nào là hạnh phúc? Một câu hỏi không dễ trả lời ở cấp độ cá nhân, lẫn quốc gia.

Chỉ số hạnh phúc của người Việt là bao nhiêu? - Ảnh 1.

Rigzin Regan - sáng lập viên Tổ chức Chỉ số Hạnh phúc Thế hệ trẻ Bhutan, chia sẻ với thanh niên Việt Nam về chỉ số Hạnh phúc của Bhutan trong cuộc tọa đàm đầu năm nay được tổ chức ở Hà Nội - Ảnh: NGỌC DIỆP

Năm 2014, Việt Nam lần đầu tiên hưởng ứng ngày Quốc tế Hạnh phúc (20 tháng 3). Trước đó, Chính phủ đã phê duyệt đề án tổ chức các hoạt động nhân ngày này. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành để thực hiện.

Thúc đẩy chỉ số hạnh phúc ở Việt Nam

Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3 do Bhutan khởi xướng được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua tại Nghị quyết số 66/281 năm 2012 và đã được các thành viên Liên Hiệp quốc, trong đó có Việt Nam cam kết thực hiện.

Sáng 28-6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm Ngày Quốc tế Hạnh phúc và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình.

Hội nghị đã tổng kết những thành tích mà các tỉnh thành đạt được, cũng như những hạn chế cần phải khắc phục.

Báo cáo bằng con số từ 46 tỉnh thành cho biết trong 5 năm có khoảng 9.000 tin, bài trên báo hình; 57.999 tin, bài trên báo in; 91.000 tin, bài trên báo nói; 875.000 tin bài trên báo điện tử tuyên truyền về ngày Quốc tế Hạnh phúc và tuyên truyền, giáo dục, đạo đức, lối sống trong gia đình.

Các hoạt động cụ thể đã được tổ chức gồm: 9.000 cuộc mít tinh, 23.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn; 34.000 hội thi, cuộc thi; 25.000 lượt thăm hỏi, tặng quà, hoạt động thiện nguyện.

Thông qua các hoạt động này, người Việt Nam có gắn kết hơn không, có hạnh phúc hơn không, chưa có những đánh giá cụ thể.

Chỉ biết, những năm gần đây là những năm đầy lo âu của người Việt Nam trước thực trạng xã hội bất ổn, tham nhũng trầm trọng, môi trường sống gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và ô nhiễm, nạn thực phẩm bẩn đe dọa đời sống thường nhật...

Ở cấp độ gia đình, tổng kết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ ra: gia đình Việt Nam đang đứng trước nhiều thử thách, nguy cơ.

Đó là tình trang ly hôn, ly thân, sống thử, tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, tảo hôn, bạo lực, xâm hại trẻ em; đặc biệt gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng: con giết cha, chồng giết vợ, cháu giết bà…

Nếu tìm ra một công thức để đo chỉ số hạnh phúc của người Việt thời điểm hiện tại, chưa biết con số này có diện mạo ra sao?

Chỉ số hạnh phúc của người Việt là bao nhiêu? - Ảnh 3.

Sự cố môi trường biển do Formosa gây ra đã ảnh hưởng trầm trọng đến sinh kế của người dân miền Trung - Ảnh: QUỐC NAM

Câu hỏi không dễ trả lời

Bhutan là quốc gia đầu tiên đề ra chỉ số Tổng Hạnh phúc Quốc gia (GNH). Họ coi trọng chỉ số GNH hơn là GDP (Tổng sản phẩm nội địa).

Cụ thể, người Bhutan không phát triển kinh tế bằng mọi giá, họ coi trọng phát triển kinh tế bền vững, quan tâm đến môi trường, phát triển văn hóa và chính phủ tốt.

Năm 2012, tổ chức nghiên cứu kinh tế-xã hội New Economics Foundation (Anh) công bố Chỉ số hành tinh hạnh phúc (Happy Planet Index - HPI) của năm 2012. 

Theo đó, Việt Nam đạt vị trí rất cao, xếp thứ 2 trong số những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.

Con số này đã gây kinh ngạc tại Việt Nam vào thời điểm nó được công bố. 

Đến hôm nay (28-6), trong khuôn khổ hội nghị nói trên, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã khẳng định chỉ số HPI chưa phản ánh chính xác thực tế tại Việt Nam.

Viện này là đơn vị được giao nhiệm vụ đi tìm chỉ số để đo mức độ hạnh phúc của người Việt thông qua đề tài "Hạnh phúc của người Việt Nam: Quan niệm, thực trạng và chỉ số đánh giá".

Phó giáo sư, tiến sĩ Lê Ngọc Văn, thành viên của Viện cho biết: "Chúng tôi đã khảo sát khắp nơi trên thế giới mà không tìm ra cách tính toán hạnh phúc chung. Hiện tại, các quốc gia và các tổ chức quốc tế vẫn đang tiếp tục xây dựng chỉ số hạnh phúc một cách độc lập. Chúng tôi phải nhờ nhiều chuyên gia để tính toán, tìm ra chỉ số đo lường hạnh phúc của người Việt Nam".

Theo cách "đo" của Viện này, mức độ hạnh phúc của người Việt được đo lường thông qua ba chỉ báo: Sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất, môi trường tự nhiên; Sự hài lòng về quan hệ gia đình - xã hội; Sự hài lòng về bản thân.

"Sắp tới chúng tôi sẽ công bố chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam, sẽ có nhiều khả quan, không đến nỗi bi quan. Nhưng chỉ số đó cũng đặt ra rất nhiều vấn đề, rất nhiều chuyện để bàn", Ông Lê Ngọc Văn cho biết.

Cuối buổi hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Đức Đam phát biểu đã nhấn mạnh một đất nước hạnh phúc phải giữ được những điều căn bản: "Đất nước phải giữ được độc lập, chủ quyền. Đất nước không thể nghèo đói. Phát triển phải bền vững, không hủy hoại môi trường, sống hài hòa với tự nhiên. Đặc biệt phát triển nhưng không để ai ở lại phía sau".

Lãnh đạo Chính phủ đã giao các ngành đang tổ chức ngày Quốc tế Hạnh phúc, thúc đẩy giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, ba nhiệm vụ: Một là phải tuyên truyền chính sách pháp luật cho người dân. Hai là cả hệ thống chính trị phải cố gắng đẩy lùi tệ nạn xã hội. Ba là muốn một đất nước, gia đình hạnh phúc thì phải có niềm tin vào tương lai.

Dù đây là nhiệm vụ mà cả xã hội đang cố gắng thực thi, nhưng xem ra mới chỉ giải quyết phần ngọn. Vì từ trong gốc rễ, nếu người dân thực sự hạnh phúc thì xã hội sẽ ít tệ nạn, và người dân chắc chắn sẽ có nhiều niềm tin hơn vào tương lai.

Câu hỏi "Thế nào là hạnh phúc?" không dễ trả lời.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn chỉ số hạnh phúc của người dân trong một quốc gia phụ thuộc lớn vào yếu tố nào?

Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Khi cô đơn, bạn đừng quên đọc sách, hạnh phúc thực ra ở rất gần

TTO - 'Hãy nghĩ đàn ông cũng giống như một cuốn sách, em phải đọc thì mới biết cuốn sách ấy hay ở điểm nào...'

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên