Dự án metro số 1 của TP.HCM đã đạt 76% khối lượng công việc - Ảnh: TỰ TRUNG
Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định "chưa bao giờ đặc biệt nghiêm trọng như vậy" trong phiên họp do Văn phòng Chính phủ tổ chức cách đây chưa lâu.
Nếu so với 15 nguyên nhân chủ quan trong tổ chức, triển khai thực hiện, góp phần làm chậm tiến độ giải ngân và bị Thủ tướng "rầy" đích danh, rõ ràng trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và đầu tư cùng các bộ ngành liên quan thật sự không hề nhỏ.
Bộ Kế hoạch và đầu tư đã thừa nhận nguyên nhân đứng đầu trong danh sách chậm trễ do chủ quan chính là công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế, khiến khả năng giao và giải ngân vốn của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không thể sát được với khả năng thực hiện của từng dự án.
Trong đó, một số dự án không có khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư và khả năng thực hiện nhưng vẫn đăng ký để giao kế hoạch, khiến việc giải ngân không thể diễn ra.
Ví dụ điển hình cho việc này là dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1, giai đoạn 1 của Bộ GTVT phụ trách - PV) hiện phải phân kỳ lại đầu tư và điều chỉnh tổng mức đầu tư, chưa thể hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước, được xếp vào loại "chưa thể thực hiện" nhưng vẫn đề xuất giao vốn.
Một nguyên nhân chủ quan nữa cũng được Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận trách nhiệm về mình là bộ phận tổng hợp rà soát chưa kỹ, còn nể nang, chờ đợi các bộ, ngành địa phương hoàn thiện thủ tục đầu tư, đánh giá không sát khả năng thời gian kịp phê duyệt thủ tục đầu tư, đã làm chậm việc giải ngân vốn theo kế hoạch năm 2019.
Thậm chí việc thực hiện tổng hợp cũng được cơ quan này giữ nguyên trên cơ sở đề xuất từ các bộ, ngành khi trình Chính phủ báo cáo Quốc hội phân bổ vốn ngân sách trung ương, khiến tình trạng phân bổ vốn không sát với thực tiễn của danh mục dự án đủ thủ tục đầu tư đã xảy ra.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chính sự thiếu kiên quyết trong chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn, không thực hiện về quy định phân cấp nghiêm túc, còn lỏng lẻo trong việc phối hợp với chủ đầu tư đã dẫn đến tình trạng tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng chưa đầy đủ.
Chưa kể tình trạng thiếu minh bạch và công bằng trong lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng, gây tâm lý không tin tưởng trong dân, dẫn tới người dân cố tình không di dời hoặc khiếu kiện vượt cấp.
Một số chủ đầu tư chưa tích cực phối hợp với Kho bạc Nhà nước thực hiện thủ tục hạch toán thu hồi vốn ứng trước vào số giải ngân kế hoạch vốn năm. Đến thời điểm kiểm tra vẫn còn hiện tượng một số địa phương chưa thực hiện thu hồi vốn theo kế hoạch năm đã được cấp thẩm quyền giao.
Các chủ đầu tư còn chậm quyết toán dự án hoàn thành, quyết toán hợp đồng nên không giải ngân được kế hoạch vốn được giao. Có chủ đầu tư cũng chưa quyết liệt thực hiện theo kế hoạch, tiến độ giao.
Riêng về khâu kỹ thuật, công tác thiết kế - dự toán công trình, đấu thầu lựa chọn nhà thầu diễn ra chậm do chủ đầu tư và tư vấn trong một số trường hợp có chuyên môn chưa sâu, chất lượng hồ sơ không đáp ứng yêu cầu, phải chỉnh sửa nhiều lần hoặc thời gian nộp lại hồ sơ chỉnh sửa kéo dài, phải điều chỉnh liên tục…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận