Phóng to |
Chị Quảnh tư vấn cho các mẹ |
Bảy người phụ nữ ngồi xung quanh chiếc bàn tròn ngại ngùng cười như thể muốn nói “không phải em”. Họ lấy đôi bàn tay chai và khô giả bộ mải mê vân vê tà áo của bộ đồ bộ. Không để cho không khí ngại ngùng ấy kéo dài, chị Quảnh tiếp lời: “Chị cũng không biết ca, thôi chị xin đọc một bài thơ”.
Xưa nay người mẹ nuôi conBằng hai bầu sữa căng tròn thanh caoTrắng trong tinh khiết ngọt ngào. Đôi dòng sữa mẹ truyền vào đứa conVừa sạch sẽ lại thơm ngon. Con càng bú sớm sữa càng về mau.
Khi chị Quảnh dứt lời, không có tiếng vỗ tay nhưng không ai bảo ai, các bà mẹ đều ồ lên thích thú.
Đây là một trong số hàng trăm lần chị họp nhóm phụ nữ để tư vấn cho các bà mẹ về những kiến thức cần chuẩn bị khi mang thai và nuôi con nhỏ. Chủ đề hôm nay là: Cho con bú bằng sữa mẹ hoàn toàn.
Từng bà mẹ chia sẻ cách hiểu của họ về bú sữa mẹ hoàn toàn. Tư vấn viên hỏi: Mình có cho bé uống chút nước trước hoặc sau khi bú cho sạch miệng không? Có tiếng trả lời có, có tiếng trả lời không rụt rè vang lên. Và không khí từ từ ấm lên với biết bao câu hỏi.
Chị Quảnh giở cuốn tranh lật, chỉ cặn kẽ cho từng bà mẹ về hình ảnh trên tranh. Chị lấy ra một bộ vú giả và một con búp bê để bà mẹ thực hành cách ôm con và cho con bú. Lần lượt từng người hoặc chỉ ra một tư thế cho bé bú đúng, hoặc trực tiếp thực hành với búp bê. Đôi tay những người lần đầu làm mẹ nhẹ nhàng đỡ lưng con búp bê, tuyệt đối tránh chạm vào đầu và cổ em bé vì bộ phận non nớt ấy dễ tổn thương.
Những bà mẹ ở các xã xa xôi của một huyện cách TP.HCM gần 200km thật may mắn khi được một chuyên viên y tế gần nhà hướng dẫn tỉ mỉ những điều rất thiết thân và quan trọng với bà mẹ mà các bệnh viện tuyến đầu quá bận để tận tâm hỗ trợ.
Sau khi di chuyển giáp vòng chiếc bàn nhỏ, chị Quảnh bỗng nói: “Bây giờ chị mời các chị em xem một đoạn phim tổng kết lại những điều chúng ta vừa thảo luận” và chị bước đến ấn nút play trên chiếc máy tính bật sẵn.
Khi màn hình dừng lại, chị Quảnh hỏi họ: “Các chị em mình thấy lợi ích của sữa mẹ rồi, vậy có quyết tâm thực hiện cho con bú sữa mẹ hoàn toàn không?”. “Em hứa sẽ cố gắng cho bú mẹ hoàn toàn”, họ nói trước sự chứng kiến của tư vấn viên và những người mẹ khác.
Với những bà mẹ đã dự tư vấn hôm đó, như chị Huỳnh Thị Cẩm Tú (29 tuổi) hay chị Lê Thị Kiều Như (23 tuổi)... đó là một lời hứa long trọng của một người mẹ mà dù khó khăn đến đâu, các chị cũng dặn lòng sẽ thực hiện cho con mình như món quà trân quý nhất của tình mẫu tử.
Buổi tư vấn kéo dài hơn một tiếng đồng hồ. Nhìn các bà mẹ cầm nón lá, bịn rịn chia tay tư vấn viên rồi tất tả rảo bước trên đôi dép nhựa, để lộ cả gót chân nứt nẻ ra về lo đồng áng, cơm nước, làm dâu, … tôi thấy trái tim mình rung động. Những phụ nữ này đã đến vì buổi tư vấn hoàn toàn miễn phí với đầy kiến thức thiết thân, một việc mà nhiều cơ sở y tế ở TP.HCM đã thực hiện từ lâu. Người tốn công chuẩn bị kỹ lưỡng từ phim ảnh, băng đĩa, tài liệu, búp bê thực hành cũng không nhận được khoản thù lao nào khác ngoài tiền lương cố định hằng tháng dù đây là công việc chị tự nguyện làm bằng tấm lòng nhiệt tình.
Người dân mình còn có tâm lý không tin tưởng y tế tuyến xã phường dù trong lĩnh vực y tế dự phòng và dinh dưỡng họ có nhiều kinh nghiệm. Nhiều gia đình cất công mang con đi xa, xếp hàng, bốc số, chờ đợi, chen chúc ở các cơ sở y tế tuyến cuối để đổi lấy 15 phút được bác sĩ thăm khám. Thậm chí hiện nay tuy là thiểu số, nhưng mỗi xã vẫn còn lác đác vài hộ gia đình cương quyết không cho cân đo trẻ vì cho rằng cân đo sẽ làm trẻ bệnh và không lớn. Mỗi khi tới đợt cân đo trẻ, họ đem trẻ đi giấu rồi nói dối là bé đã về bên ngoại, bên nội để rồi sau đó ngỡ ngàng phát hiện bé bị suy dinh dưỡng nhẹ cân, suy dinh dưỡng thấp còi…
Tôi hỏi chị Quảnh có phải chị sáng tác bài thơ chị đọc. Chị cho biết: “Mình sưu tầm trên Internet. Mình có biết dùng máy tính gì đâu, phải tìm kiếm mấy ngày trời mới được mấy bài thơ làm vốn”. Như sợ người ta lầm tưởng mình là nhà thơ, trang A4 in bốn bài thơ đã ngả màu vì sử dụng nhiều lần, chị ghi rõ là lấy từ trang web của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
Trong khi ở các vùng nông thôn, đa số cán bộ trung niên ở xã sợ máy tính, chị Quảnh lại vượt qua cái nghịch cảnh “máy tính nó biết mình mà mình không biết nó” để tìm tòi những bài thơ giúp chị tư vấn hay hơn, sinh động hơn. 17 năm làm nữ hộ sinh ở trạm y tế cách nhà 20km là 17 năm chị vẫn đi về một mình, ở lại nhà công vụ của cơ quan và tranh thủ về nhà mẹ ruột vào cuối tuần. Có người đồng nghiệp trên tỉnh cảm thán: “Hay là cái tên nó vận vào thân. Quảnh là ngoảnh trong ngoảnh mặt làm ngơ (theo giọng miền Tây) nên giờ chị ấy vẫn một mình”.
Đó là đời sống riêng tư nhưng trong công việc, chị không hề là người "ngoảnh mặt". Chị làm việc đầy trách nhiệm, bất kể là thứ bảy, chủ nhật, chỉ cần đó là việc gấp, việc quan trọng, việc cần phải xong là chị đều thực hiện cho bằng được. Số điện thoại cá nhân và số điện thoại trạm y tế được chị thông báo đến từng người dân để họ có thể liên lạc hỏi thăm bất cứ lúc nào cần. Mỗi tuần vào các ngày thứ ba, tư và thứ sáu, chị đều đặn tổ chức tư vấn nhóm. Một mình chị kiêm nhiệm nhiều công việc của trạm y tế. Trong số hơn 200 phiếu với cả ngàn lượt tư vấn từ ba năm nay, chị là người làm công tác tư vấn dinh dưỡng duy nhất cho các bà mẹ có thai và con dưới 2 tuổi của xã.
Tôi chứng kiến và thật xúc động về những buổi tư vấn của chị. Thầm tiếc mình đã không được nghe một ca tư vấn tương tự trong lần sinh con trước đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận