Chi phí tái chế: Câu đố trong lời giải

LÊ MY 20/07/2023 06:46 GMT+7

TTCT - Khắp thế giới, các kế hoạch về Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility - EPR) đối với việc tái chế bao bì đang dần được triển khai. Nước này nhìn sang nước kia để tìm ý tưởng.

Ảnh: Joy Saha/ ZUMA Wire/IMAGO

Ảnh: Joy Saha/ ZUMA Wire/IMAGO

Mô hình EPR yêu cầu các công ty sản xuất bao bì phải tài trợ tiền cho các chương trình tái chế địa phương, nhờ đó chuyển gánh nặng tài chính từ chính quyền sang nhà sản xuất - những "người gây ô nhiễm".

Người gây ô nhiễm phải trả tiền

Theo thông cáo ngày 28-2 của chính phủ, tổng "gánh nặng" mà tất cả các chính quyền địa phương ở Vương quốc Anh sắp chuyển cho doanh nghiệp sản xuất bao bì ước tính sẽ vào khoảng 1,2 tỉ bảng Anh mỗi năm, một khi EPR đi vào hoạt động đầy đủ.

Kế hoạch EPR sẽ có hiệu lực vào năm 2024, và hiện tại tất cả các nhà sản xuất đang phải thu thập thông tin về số lượng và loại bao bì mà họ cung cấp xuyên suốt năm nay. Số tiền mỗi doanh nghiệp phải đóng để hỗ trợ tái chế sẽ bao gồm phí quản lý chất thải tỉ lệ với khối lượng bao bì, và phí phải trả cho cơ quan quản lý môi trường.

Cần biết rằng năm 2020, nước Anh đưa vào thị trường 12 triệu tấn bao bì, trong đó có những loại nhựa rất khó tái chế. Vậy EPR để làm gì? "EPR sẽ làm giảm lượng chất thải đó. Nó sẽ buộc các nhà sản xuất hàng hóa trả tiền cho việc thu gom tất cả rác thải bao bì, khuyến khích họ giảm thiểu hoặc tái chế nhiều bao bì hơn nữa" - chủ tịch Ủy ban Cố vấn về bao bì của Anh Deep Sagar cho biết. Ngoài ra, ngành tái chế phát triển sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm và giảm lượng khí thải nhà kính.

Bên cạnh EPR, còn có thuật ngữ "điều chỉnh sinh thái" (eco-modulating), nghĩa là giảm số tiền mỗi doanh nghiệp phải đóng hằng năm nếu họ chọn cách làm thân thiện với môi trường, chẳng hạn thiết kế mẫu bao bì hay sử dụng vật liệu có khả năng tái chế cao hơn. Nó đồng nghĩa với việc các thương hiệu chọn làm điều ngược lại (bao bì khó tái chế) sẽ phải chịu khoản phí tăng lên.

Ảnh: lizenzero.de

Ảnh: lizenzero.de

Như vậy, EPR với một doanh nghiệp có thể là "mất tiền", cũng có thể là "tiết kiệm tiền", qua đó thúc đẩy "xanh hóa" việc đóng gói hàng hóa. Với xã hội, nó mang về kinh phí cho công tác thu gom, phân loại, tái chế rác thải.

Bằng chứng là chính sách EPR đã thúc đẩy việc thu gom và tái chế các vật liệu mục tiêu đạt hơn 75% ở British Columbia (Canada), Bỉ, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và Hà Lan", theo báo cáo hồi tháng 2 của The Recycling Partnership, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở ở Mỹ.

Dylan de Thomas, phó chủ tịch The Recycling Partnership, trấn an người tiêu dùng rằng EPR không làm tăng giá cả ở tiệm tạp hóa đối với họ. "Người tiêu dùng chỉ thấy rằng chương trình tái chế của họ trở nên tốt hơn, hoặc có lẽ giữ nguyên nếu họ sống ở một thành phố lớn" - ông nói với Forbes.

Phí EPR đối với các nhà sản xuất là "chuyện muỗi," de Thomas nói, chỉ chiếm một phần rất nhỏ trên mỗi bao bì. Nghiên cứu trên khẳng định tỉ lệ tái chế của mọi tiểu bang Hoa Kỳ đều có thể hưởng lợi từ chính sách EPR! Và sự thật là EPR đang trở nên phổ biến ở Mỹ.

Còn tại châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có các mô hình EPR lâu đời. Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam thì đang phát triển các mô hình phù hợp với mình.

Không thể chữa "bách bệnh"

Một mặt, chiến lược EPR bổ ích vì tạo ra dòng tiền mới hỗ trợ cho hoạt động tái chế. Mặt khác, EPR không đảm bảo mọi thứ trên đời đều được tái chế.

Đầu tiên, nhiều kế hoạch EPR chưa đề cập đến giá trị kinh tế cơ bản của chất thải. Những mặt hàng vốn tái chế tốn kém, như bao bì mỹ phẩm, vẫn sẽ không được tái chế (ngay cả khi người làm ra chúng có đóng phí EPR). Trong khi đó, việc tái chế các chất thải "hấp dẫn" như lon nhôm có thể sinh lãi nhiều hơn trước. 

Nói cách khác, nếu bạn là nhà sản xuất bao bì nhôm, bạn sẽ hưởng lợi từ EPR. Nhưng nếu bạn làm ra bao bì đựng bánh snack, số tiền bạn đóng góp sẽ giúp giải quyết lon nhôm, thay vì núi bao bì nhiều lớp và dính đầy dầu mỡ của bạn.

Ảnh: fibrecircle.co.za

Ảnh: fibrecircle.co.za

Có thể thấy tình trạng này ở Đức, đất nước vẫn thường được ngợi ca là tấm gương tái chế tốt nhất thế giới. Các chương trình EPR bao bì ở Đức đạt được tỉ lệ tái chế cơ học đối với nhựa là 65,5%. Tuy nhiên, vẫn còn 35% bao bì nhựa bị thiêu hủy, theo bài bình luận "Hãy hào hứng với EPR, ngay cả khi đó không phải là viên đạn bạc" đăng ngày 14-4-2023 trên trang GreenBiz.

Thứ hai, EPR không thúc đẩy việc tái sử dụng, như thực tế ở Pháp, nơi hệ thống EPR bao bì đã được thông qua từ năm 1992. Chia sẻ tại một hội thảo trực tuyến vào tháng 5, Nicolas Garnier, giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Amorce, lưu ý rằng: EPR không làm giảm lượng rác thải. Thay vào đó, nó chỉ củng cố một cách tiêu dùng, và đó là "tuần hoàn" (circular).

Thứ ba, công cụ "điều chỉnh sinh thái" chưa được vận dụng hiệu quả. Flore Berlingen, tác giả và nhà tư vấn EPR, người điều hành hội thảo kể trên, cho biết: cũng tại Pháp, phí "điều chỉnh sinh thái" chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong phí EPR. 

Vị này phát hiện ra rằng 95% khoản thanh toán "điều chỉnh sinh thái" là tiền thưởng được trả cho các công ty thực hành tốt, chỉ có 5% là tiền phạt. Hơn nữa, 93% số hình phạt có liên quan đến giấy, chứ không phải nhựa - việc này có thể tạo ra ấn tượng sai lầm rằng nhựa là một vấn đề nhỏ.

Như vậy, EPR không thể chữa bách bệnh cho Trái đất đang ngợp thở trong rác thải của chúng ta. "Toa thuốc" này đôi khi còn làm người dân thêm rầu. Trở lại với nước Anh, các nhà bán lẻ và nhà sản xuất thực phẩm đã cảnh báo rằng: EPR sẽ dẫn đến tăng chi phí cho người tiêu dùng, mà không mang lại lợi ích cho môi trường như dự kiến. Còn ở Hungary, quy định mới về EPR có thể khiến giá lương thực tăng đến 4% kể từ đầu tháng 7, theo trang tin nông nghiệp Agrárszektor.

Một vài lời giải khả thi

Tại Pháp, luật về EPR đối với bao bì đã được sửa đổi để bổ sung các mục tiêu tái sử dụng rõ ràng hơn. Garnier gợi ý các tiểu bang cần mạnh tay hơn với những doanh nghiệp không tuân thủ và nên tăng cường tính hệ thống trong việc xử phạt.

Trong một kịch bản EPR "hoàn hảo", các nhà sản xuất phải góp tiền dựa trên số lượng và loại chất thải họ đã gây ra. Khi đó, ai làm ra bao bì rất khó tái chế thì sẽ trả nhiều tiền nhất, và ai làm ra loại bao bì "bán ve chai có lãi" thì có thể không phải trả thêm tiền (thậm chí nhận được một khoản tín dụng).

Đó là những gì TerraCycle, một công ty tái chế Mỹ có mặt ở 20 quốc gia, đang áp dụng, mặc dù trên cơ sở tự nguyện. Họ gọi đó là "Trách nhiệm tự nguyện của nhà sản xuất" (VPR), trong đó nhà sản xuất tài trợ chi phí thực tế của công tác thu gom và tái chế, trừ đi giá trị thu về từ sản phẩm tái chế. 

Chi phí tái chế: Câu đố trong lời giải - Ảnh 4.

Khi đó, các công ty có động lực để chuyển sang các dạng bao bì chất lượng cao hơn, chẳng hạn từ nhựa PP (thường thấy trong đồ chơi trẻ nhỏ) sang nhựa PET (loại nhựa làm chai đựng nước).

Có lẽ EPR "truyền thống" không hoàn hảo, mà EPR "hoàn hảo" thì lại rất tốn kém đối với nhà sản xuất. Nhưng điểm mấu chốt là chúng ta cần có dòng tiền để cải thiện tỉ lệ tái chế và EPR thực sự góp phần vào điều đó. Tuy còn nhiều câu đố trong chính lời giải, nhưng những tiến trình lan tỏa EPR gần đây vẫn là điều đáng để ăn mừng.

Sau tất cả, giải pháp thực sự là phải ngăn chặn chất thải tại nguồn. "Tiết giảm - Tái sử dụng - Tái chế" (tương ứng với Reduce - Reuse - Recycle) không chỉ là câu nói thuận miệng. Đó phải là thứ tự ưu tiên trong lựa chọn hằng ngày của chúng ta.

Vấn đề là nhựa

Đại đa số bao bì nhựa được sản xuất từ 7 loại nhựa, phần lớn chúng không tương thích với nhau và việc phân loại trước khi tái chế thường rất tốn công, tốn của. Ngoài nhựa PET (ký hiệu số 1) và HDPE (số 2), 5 loại nhựa còn lại có thể được thu gom, nhưng hiếm khi được tái chế, như PS (số 6) thường dùng làm hộp xốp.

PET (ví dụ chai nước suối) là loại nhựa có thể tái chế nhiều nhất. Các loại nhựa cứng hơn còn lại có thị trường rất nhỏ, do giá trị của nguyên liệu thô thấp hơn chi phí tái chế. Loại bao bì thực phẩm mỏng, nhẹ, như bao snack, chiếm khoảng 40% lượng bao bì nhựa trên thế giới.

Chúng có nhiều lớp, đôi khi còn được lót bằng giấy bạc, nên việc tách chúng thành các bộ phận tái chế riêng rẽ rất tốn kém. Chưa kể, chúng thường ở trạng thái "siêu bẩn" vì chất thải thực phẩm, nên nằm lại trong danh sách đen của ngành tái chế.

Loại bỏ những vật liệu khó tái chế ngay từ đầu có vẻ là một giải pháp logic. Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) thực hiện một cuộc khảo sát năm 2022 với hơn 23.000 người trên 34 quốc gia. Gần 80% nói sẽ ủng hộ việc cấm các loại nhựa khó tái chế.

Chưa hết, tổ chức quốc tế Greenpeace đã cảnh báo: tái chế nhựa có thể làm cho nó trở nên độc hại hơn, và ta không nên xem đó là giải pháp cho cuộc khủng hoảng ô nhiễm. "Nói một cách đơn giản, nhựa đầu độc nền kinh tế tuần hoàn và cơ thể chúng ta, đồng thời gây ô nhiễm không khí, nước và thực phẩm.

Chúng ta không nên tái chế nhựa có chứa hóa chất độc hại. Các giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng nhựa sẽ yêu cầu việc kiểm soát toàn cầu đối với hóa chất trong nhựa và giảm đáng kể việc sản xuất nhựa", báo The Guardian đưa tin.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận