09/04/2021 11:38 GMT+7

Chi phí logistics cao, nông sản Việt Nam khó cạnh tranh

LÊ DÂN
LÊ DÂN

TTO - Chi phí logistics của nông sản Việt Nam rất cao nên mất lợi thế so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Chi phí này chiếm 30% giá thành trong khi Thái Lan là 12,5% và thế giới 14%.

Chi phí logistics cao, nông sản Việt Nam khó cạnh tranh - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tham gia tọa đàm đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBCSL - ẢNH: C.P

Tại tọa đàm đòn bẩy cho logistics nông sản ĐBCSL tại tỉnh Hậu Giang ngày 9-4, bà Ngô Tường Vy, phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu ( Bến Tre) cho biết cước vận chuyển trái cây tươi sang thị trường Mỹ bằng đường không là 6-6,2 USD/kg chứ không còn 3-3,5/kg như trước. 

Chi phí logistics một số thị trường trọng điểm như Mỹ hay châu Âu tăng gấp đôi, khó khăn chồng chất khó khăn. Thực trạng này tạo điểm nghẽn cho trái cây tươi, giá cao khó cạnh tranh. 

Một số mặt hàng trái cây công nghệ bảo quản chưa cao nên phải đi bằng đường hàng không và sản lượng ngày càng giảm do chi phí quá cao.

Với góc nhìn của người làm nghề chế biến trái cây xuất khẩu, bà Tường Vy quan tâm đến bảo quản sau thu hoạch và công nghệ bảo quản sau thu hoạch, khi đó chất lượng nông sản mới đảm bảo để đi bằng đường biển.

Chi phí logistics sẽ giảm đi rất nhiều, cước vận chuyển đường hàng không cao gấp 15 lần đường biển. 

"Cước vận chuyển vải thiều xuất khẩu sang Nhật có giá 3,8-4,2 USD/kg, cộng với nhiều chi phí khác, đẩy giá trị trái vải cao. Người tiêu dùng chấp nhận nhưng lại khó cạnh tranh với Thái Lan" - bà Tường Vy chia sẻ.

Chi phí logistics cao, nông sản Việt Nam khó cạnh tranh - Ảnh 2.

Chế biến nước ép tắc tại Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh (Hậu Giang) - ẢNH: LÊ DÂN

Trong khi đó, bà Lê Thị Thu Trúc, phó tổng giám đốc Công ty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu Phú Thịnh (Hậu Giang), nêu ra thực trạng "doanh nghiệp không thể cứ có hợp đồng xuất khẩu thì phải đi xây kho trữ". 

Công ty Phú Thịnh có hợp đồng xuất khẩu quanh năm, tuy nhiên trái cây thì thu hoạch theo mùa nên doanh nghiệp gặp khó. Thu gom  trái cây đủ để sản xuất thì không đủ hợp đồng, trong khi thu gom đủ hợp đồng thì vượt năng lực sản xuất của doanh nghiệp, còn trái cây để vài ngày thì hư hỏng tăng, thất thoát làm chi phí tăng. 

"Sản xuất thành phẩm thì phải trữ lạnh sâu, doanh nghiệp có phát triển kho trữ nhưng không thể chạy theo cứ phát triển thêm khách hàng thì thêm kho. Doanh nghiệp cần kho trữ" - bà Thu Trúc nói.

Còn theo ông Phạm Tiến Hoài, tổng giám đốc Hanh Nguyen Logistics, chi phí logistics của nông sản Việt Nam rất cao nên mất lợi thế so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Philippines. Chi phí này chiếm 30% giá thành trong khi Thái Lan là 12,5%, thế giới 14%.

Ông Hoài so sánh ví von về trái khóm Cầu Đúc Hậu Giang là "có trọng lượng cao nhưng giá trị thấp" vì từ khi trồng đến thu hoạch rồi qua rất nhiều khâu nhưng "giá khóm xuất khẩu chỉ 1.000USD/tấn trong khi nếu xuất 1 tấn điện thoại Iphone tới 2 triệu USD".

Chi phí đắt đỏ, logistics sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn trong FTA Chi phí đắt đỏ, logistics sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn trong FTA

TTO - Với việc cam kết mở cửa mạnh hơn trong lĩnh vực logistics, áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt hơn, đặc biệt trong bối cảnh ngành logistics chịu tác động lớn từ dịch COVID-19 và chi phí vẫn còn cao trong khu vực.

LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên