Tại hội thảo "Giải pháp tăng doanh số và cơ hội kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Tiki" diễn ra ngày 22-12 (trong khuôn khổ Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2023), ông Nguyễn Quách Nhi, giám đốc kinh doanh ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng Tiki, cho rằng sau những biến động lớn của đại dịch COVID-19, hành vi mua sắm của khách hàng đã thay đổi nhiều. Do vậy, các doanh nghiệp cần có chiến lược bán hàng phù hợp, trong đó phải đề cao yếu tố nội tại của sản phẩm, nghĩa là phải có sự khác biệt, có câu chuyện.
Ở góc độ nhà bán hàng, đại diện của Bitas cho rằng chi phí kinh doanh trên sàn Tiki cao hơn 10% so với các sàn khác, điều này làm giảm sức cạnh tranh.
Nói về điều này, đại diện Tiki cho biết với 10% mức chênh lệch, đối tác sử dụng dịch vụ sẽ được trải nghiệm thêm độ phủ sóng quảng cáo trên các nền tảng khác của đơn vị và chi phí này chỉ được khấu trừ khi đơn hàng thành công.
Cũng theo đơn vị này, thời gian tới, giải pháp được đưa ra để tăng doanh số và cơ hội kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử cho doanh nghiệp vừa và nhỏ là chuẩn bị triển khai chính thức chương trình "OCOP: Đồng hành - Tăng tốc".
Theo đó, chương trình sẽ tuyển chọn các chủ thể OCOP, doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng, có cam kết muốn đầu tư, phát triển lớn mạnh, bài bản và được phối hợp với sở công thương các địa phương.
Trong khi đó, đại diện Saigon Coop chia sẻ doanh thu bán hàng trên sàn thương mại điện tử Tiki của đơn vị giảm đáng kể trong khoảng 2 năm gần đây và mong muốn tìm ra giải pháp để cải thiện doanh thu.
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Nguyên Phương, phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết dù thương mại điện tử là kênh bán hàng tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả.
"Đặc biệt, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, đơn vị sản xuất địa phương thì còn hạn chế trong tiếp cận được thị trường bán lẻ online. Do đó, cần sự phối hợp của các đơn vị mà điển hình là Tiki và Metric để tạo ra một giải pháp hiệu quả", ông Phương nhấn mạnh.
Cần nhiều hỗ trợ để bán hàng xuyên biên giới
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cho biết rất quan tâm đến việc xuất khẩu, đặc biệt qua các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc. Do đó, cần sự hỗ trợ, thông tin, kết nối thêm từ các sàn thương mại điện tử lớn, xuyên quốc gia như Alibaba, Amazon...
Theo ông Lê Văn Nam, thành viên HĐQT HTX Long Mỹ (Đồng Tháp), đơn vị muốn xuất nước cốt chanh mật ong đi Mỹ nhưng sợ bị vướng quy định về chất lượng, giấy tờ... nên cần hướng dẫn. Trong khi đó, một doanh nghiệp tại Quảng Trị xuất khẩu rượu đi Mỹ cho biết rất muốn tìm đối tác để ghép hàng cho đủ container nhằm làm giảm chi phí.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận