Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 5 công bố mới đây cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng chi phí cũng là nhanh nhất trong thời gian gần hai năm, từ đó khiến giá cả đầu ra tăng.
Đơn hàng cải thiện, nhưng chi phí đầu vào tăng "bào mòn" lợi nhuận
Báo cáo tài chính quý 1-2024 nhiều doanh nghiệp thủy sản phản ánh thực tế doanh thu đã cải thiện, tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lãi ròng lại đi xuống.
Như Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, doanh thu tăng 32% so với quý 1-2023. Tuy nhiên, lãi ròng giảm 94%, chỉ còn vài trăm triệu đồng với một doanh nghiệp quy mô xấp xỉ 3.000 lao động. Nguyên nhân được doanh nghiệp cho biết lý do là giá vốn bán hàng tăng mạnh.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Văn Lĩnh - chủ tịch HĐQT Thuận Phước, cho biết doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào đều tăng.
Ông kể từ thức ăn chăn nuôi đến con giống và đặc biệt chi phí logistics đều tăng. Trong khi đơn hàng sản xuất theo hợp đồng đã ký.
Theo dữ liệu từ WiGroup - một đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu tài chính doanh nghiệp, chi phí nguyên vật liệu chiếm hơn 54% trong tổng chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quý 1-2024.
Mức này cao nhất trong 4 quý trở lại đây. Quý 4 năm ngoái, chi phí này chỉ chiếm 48%. Dữ liệu được thống kê trên hơn 1.000 báo cáo tài chính doanh nghiệp niêm yết.
Thực tế, áp lực chi phí đầu vào không riêng doanh nghiệp nào gánh chịu. Như ngành thức ăn chăn nuôi, hầu hết các dự báo đều cho rằng vẫn sẽ khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào còn neo cao.
Ông Trần Văn Tuân - lãnh đạo một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi ở TP.HCM, cho hay: "5 tháng đầu năm 2024, sản lượng tiêu thụ đã giảm 70%. Sức tiêu thụ thì chậm, nhưng giá nguyên liệu đầu vào quá cao và tăng lên từng ngày theo tỉ giá.
Đứng trước tình thế này, công ty buộc phải giảm nhập mua nguyên liệu, điều chỉnh công suất hoạt động để hạn chế hàng tồn kho".
Không bất ngờ khi các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh khó khăn "kép": giá nguyên liệu thế giới tăng, tỉ giá cũng tăng. Như doanh nghiệp của ông Tuân, 100% nguyên liệu phục vụ sản xuất đều nhập khẩu từ nước ngoài.
Một số doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực kinh doanh phân bón cũng không "khá" hơn. Giá phân bón trên thị trường thế giới tăng đột biến, tưởng chừng như nhiều doanh nghiệp sẽ hưởng lợi.
Nhưng ông V.D.H. - tổng giám đốc một công ty lớn trong lĩnh vực phân bón, ngậm ngùi chia sẻ: "Chúng tôi đã bán đi mảng sản xuất cho đỡ "đau đầu" chuyện chi phí".
"Than là nguyên liệu chính để sản xuất urê, nhưng hiện nay giá than đầu vào cho sản xuất đạm urê đã tăng hơn 300% kể từ năm 2021. Dự kiến đến hết năm nay, giá than sẽ còn biến động", ông V.D.H. nói.
Ông Phạm Phú Hưng, giám đốc Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định, cũng phản ánh 2 năm qua kinh doanh sản xuất phân bón của công ty cũng "khổ sở" khi đối diện với giá nguyên liệu cao.
"Mỗi container nguyên liệu nhập về sẽ chênh lệch rất nhiều. Như DAP nhập về làm nguyên liệu có mức giá 600 USD/tấn; urê mức 350-400 USD/tấn thì chênh lệch 1 - 2 tỉ đồng", ông Hưng cho hay.
Giá tăng, rồi ai… khổ?
Ứng phó với "bão giá" nguyên liệu đầu vào, mỗi doanh nghiệp có cách riêng. Ông Trần Văn Lĩnh nói vui "chắc giờ phải gọi là "thắt lưng hóp bụng", chứ "buộc" không đủ nữa rồi".
"Không chỉ chúng tôi, các doanh nghiệp đều hướng tới việc tiết giảm tối đa mọi chi phí, cắt được gì thì cắt để cân đối lại chi phí sản xuất kinh doanh. Đồng thời cải thiện, tăng năng suất lao động bằng nhiều phương án", ông Lĩnh nói.
Một doanh nghiệp khác cũng cho biết lương của công nhân cũng đã giảm về mức 9-10 triệu đồng/tháng. "Không thể giảm thêm được nữa, anh em cũng phải trang trải cuộc sống. Nên năm vừa rồi chúng tôi "cắt" hết quảng bá, tham dự triển lãm, truyền thông, tiếp khách…", vị này nói.
Quá phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, ông Trần Văn Tuân mong muốn được Chính phủ xem xét, tạo điều kiện để doanh nghiệp quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi...
Còn theo đại diện Hiệp hội Phân bón Việt Nam, giải pháp thay đổi quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm nguyên liệu vật tư, tăng cường tuần hoàn các phế phẩm nông nghiệp ở hộ gia đình, hợp tác xã cần được nhân rộng, phổ biến là giải pháp trước mắt các doanh nghiệp sản xuất phân bón nên áp dụng.
"Doanh nghiệp cũng cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào để vững vàng trước "bão giá" nguyên liệu đầu vào. Quy hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường làm sao để hài hòa lợi ích, minh bạch giá cả để giảm tối đa phí chi phí sản xuất", đại diện hiệp hội này đề xuất.
Ông Võ Đại Lược - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế chính trị thế giới, cho biết hiện áp lực lạm phát là có, nhưng quá đáng lo ngại bởi sức cầu còn yếu. Đầu ra khó khăn, bởi vậy dù chi phí đầu vào tăng cao nhưng doanh nghiệp không dễ dàng trong việc tăng giá bán.
Tuy nhiên, áp lực chi phí gia tăng một thời gian dài sẽ "bào mòn" biên lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu "gồng" một thời gian không bù đắp và cân đối được hoạt đông sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chuyển chi phí sang người tiêu dùng "chịu tất", kể cả khi cầu còn yếu. Từ đó, đẩy áp lực lạm phát tăng cao hơn.
Tuy nhiên, khi bàn về giải pháp, vị chuyên gia nói "rất khó". Tỉ giá tăng, tất yếu thúc đẩy nhập khẩu lạm phát. Trong khi tỉ giá hiện nay là vấn đề vốn rất "đau đầu" với cơ quan điều hành. Thêm nữa, giá nguyên liệu thế giới rất khó lường trong bối cảnh gia tăng xung đột địa chính trị như hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận