Đoàn phim điện ảnh Công tử Bạc Liêu vừa chia sẻ video hậu trường. Ê kíp gây bất ngờ khi kỳ công tái hiện lại chiếc máy bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam.
Theo nhà sản xuất Giang Hồ, bà ấn tượng với lối sống phóng khoáng, đi trước thời đại của Công tử Bạc Liêu. Chiếc máy bay tư nhân đầu tiên của người Việt, do chính người Việt cầm lái chính là nguồn cảm hứng bất tận, giúp ê kíp quyết tâm chuyển thể những giai thoại nổi tiếng trở thành tác phẩm điện ảnh.
Chi nửa tỉ đồng làm lại máy bay của Công tử Bạc Liêu
Theo nhà sản xuất, chiếc máy bay được nhiều nghệ nhân chế tác theo tỉ lệ 1:1 trong 4 tháng, chi phí 500 triệu đồng.
Video hậu trường chế tác chiếc máy bay.
Quá trình chế tạo mô hình máy bay Morane-Saulnier được thực hiện tỉ mỉ, yêu cầu độ chính xác cao ở từng bước. Đầu tiên, đội ngũ thiết kế nghiên cứu các thông số kỹ thuật 2D từ nguồn tài liệu của Pháp, sau đó nhóm kỹ xảo dựng lại mô hình 3D và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi chuyển sang giai đoạn sản xuất.
Nhằm đáp ứng yêu cầu ghi hình từ nhiều góc máy cũng như thuận tiện cho việc vận chuyển và lắp ráp, nhóm chế tác đã chia máy bay thành ba phần chính: thân máy bay, cánh trái và cánh phải. Quá trình lắp ráp gặp không ít khó khăn và phải trải qua hơn năm lần lắp ráp mới thành công.
Tất cả các thành viên trong đội ngũ chế tác chưa từng tiếp xúc với loại máy bay này ngoài thực tế. Máy bay được vận chuyển bằng xe cẩu lớn trọng tải 10 tấn và di chuyển toàn bộ trong đêm để đi từ bối cảnh này sang bối cảnh khác.
Để thực hiện các cảnh quay chiếc máy bay cất cánh, nhóm thiết kế đã lựa chọn vật liệu cẩn thận, đảm bảo mô hình đủ nhẹ để có thể kéo đi được. Nguyên vật liệu chủ yếu bao gồm nhôm, vải sợi poly xuyên sáng, sắt vuông, sắt tròn, cánh quạt in 3D, và nội thất được bọc da nhân tạo, tái hiện phong cách sang trọng của cậu Ba Hơn.
"Quá trình thực hiện cảnh quay máy bay chạy đà cất cánh cũng gặp rất nhiều khó khăn, trọng tải máy bay khá nặng so với khung sườn nên nếu chạy quá nhanh máy bay có nguy cơ bị gãy. Bên cạnh đó, kích thước máy bay rất lớn và việc lắp ráp với xe bán tải rất khó khăn nên mỗi lần quay lại thì đoàn phim phải đi lùi chứ không thể quay đầu lại được. Đây là một trong những trải nghiệm làm phim đáng nhớ của ê kíp", nhà sản xuất chia sẻ.
Trong bối cảnh ngành điện ảnh ngày càng phụ thuộc vào công nghệ kỹ xảo, việc lựa chọn làm thật thay vì tạo dựng hình ảnh bằng CGI là một bước đi đầy táo bạo.
Đạo diễn Lý Minh Thắng chia sẻ: "Chúng tôi hoàn toàn có thể sử dụng kỹ xảo để tạo ra hình ảnh chiếc máy bay, nhưng điều đó sẽ không mang lại cảm giác chân thật cho diễn viên và khán giả. Làm thật giúp diễn viên hòa mình trọn vẹn vào nhân vật và bối cảnh, từ đó mang lại những cảm xúc sống động nhất trên màn ảnh".
Công tử Bạc Liêu do Lý Minh Thắng làm đạo diễn. Phim xoay quanh nhân vật Ba Hơn - vốn là công tử nổi tiếng giàu có, chịu chơi ở miền Nam đầu thế kỷ 20. Sau khi du học từ Pháp trở về, anh muốn giúp công việc ngân hàng của bố phát triển. Tuy nhiên, ông Hội đồng Lịnh xem việc làm của con là phá của, từ chối cung cấp tiền cho anh làm ăn. Cao trào xung đột xảy ra khi Ba Hơn cho rằng không được bố xem trọng, bị Hội đồng Lịnh từ mặt.
Công tử Bạc Liêu khởi chiếu từ 6-12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận