Tính đến nay, dịch heo tai xanh đã xuất hiện (chưa quá 21 ngày) ở 12 tỉnh thành, gồm: Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Phú Yên, Quảng Nam…
Bệnh heo tai xanh còn gọi là hội chứng rối loạn sinh sản và hô hấp (PRRS). Sở dĩ được gọi là bệnh heo tai xanh là vì khi heo mắc bệnh này ở tai heo sẽ có màu xanh. Điều đáng nói là, bệnh heo tai xanh là do virus PRRS nên chỉ gây bệnh cho heo chứ chưa phát hiện ra việc gây bệnh cho người. Tuy nhiên, đây là một bệnh truyền nhiễm có thể độc lực cao, lây lan nhanh trên heo nên thường gây tổn thất kinh tế rất lớn.
Ở các trận dịch heo tai xanh tại Quảng Nam, Đà Nẵng, người ta còn phát hiện đàn heo còn nhiễm bệnh tụ huyết trùng và liên cầu khuẩn… Điều đáng nói là tuy virus PRRS không gây bệnh cho người nhưng có thể những bệnh kế phát ở heo như liên cầu khuẩn (do vi khuẩn gây ra) nên có thể lây và gây những bệnh nguy hiểm cho người như viêm não, viêm phổi, viêm cơ tim, khớp … Do đó, nếu người dân sử dụng thịt, tiết canh, các sản phẩm từ heo bệnh, heo không qua kiểm dịch thì vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh.
Virus PRRS lây trực tiếp từ heo bệnh sang heo lành qua các đường phân, nước tiểu, nước bọt, thụ tinh nhân tạo… hoặc gián tiếp qua các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển. Bệnh còn phát tán qua không khí từ phân chất thải mang virus theo gió có thể đi xa tới 3km. Heo mắc bệnh PRRS thường có triệu chứng sốt cao trên 40độ C, khó thở, có những đường bầm tím trên da, một số trường hợp tai heo tím xanh. Heo nái mang thai có thể bị sẩy thai hoặc chết thai. Heo con có biểu hiện gầy yếu, không bú được, mắt có dữ màu nâu, trên da có vết phồng rộp, tiêu chảy nhiều, mắc các bệnh về hô hấp, chân choãi ra, đi run rẩy …
Để phòng ngừa cho đàn heo, người chăn nuôi nên chủ động phòng bệnh bằng các biện pháp như: Thường xuyên tiêu độc, khử trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Tăng cường chế độ chăm sóc nuôi dưỡng. Tiêm phòng đầy đủ vaccine phòng bệnh cho heo. Hạn chế khách tham quan, đặc biệt cấm thương lái vào chuồng khi chưa thực hiện việc khử trùng. Không mua heo bệnh, sản phẩm chế biến từ heo bệnh. Khi heo bị bệnh PRRS phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi gần nhất, không bán heo mắc bệnh, không tự vận chuyển heo ra khỏi vùng dịch, không vứt xác heo nghi mắc bệnh bừa bãi…
Người tiêu dùng chỉ nên mua thịt heo đã qua kiểm dịch (có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y trên thân thịt). Không mua thịt không rõ nguồn gốc, không mua thịt ở các chợ tự phát, ở lòng lề đường. Khi mua cần quan sát kỹ, lựa miếng thịt tươi, không bị tụ máu, không quá bóng, sờ vào ấm, nóng, hơi dính. Còn thịt cứng, nhão thì có thể là thịt bệnh, thịt ôi. Khi chế biến thịt heo, tốt nhất là đeo găng tay, sau khi tiếp xúc nên rửa tay bằng xà phòng. Do virus gây bệnh PRRS dễ bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao nên người tiêu dùng nên sử dụng các món ăn từ thịt đã được chế biến chín, hợp vệ sinh. Không ăn những món ăn chưa chín như nem, tiết canh…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận