Mẫu phác thảo rùa vàng hồ Hoàn Kiếm 1 |
Như TTO đã thông tin, công dân Hà Nội Tạ Hồng Quân vừa trình UBND TP Hà Nội đề án chi tiết “đúc rùa vàng” đặt tại hồ Hoàn Kiếm (hồ Gươm).
Theo đề xuất này, tượng rùa bằng chất liệu đồng nguyên chất và vàng dài 2,5m, cao 3,5m, có trọng lượng 6-10 tấn đồng. Hai phương án vị trí đặt tượng là khu vực đồng hồ Thụy Sĩ (ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng) hoặc vườn hoa nhìn sang tượng đài Lý Công Uẩn và UBND TP Hà Nội.
Kinh phí thực hiện tượng rùa bằng hình thức xã hội hóa.
Tuy nhiên, theo Sở VH-TT Hà Nội, rùa vàng không phải biểu tượng của Hà Nội, vì vậy ý tưởng đúc tượng rùa vàng 10 tấn tại hồ Hoàn Kiếm cần phải tính toán kỹ lưỡng.
Không cần thêm biểu tượng nhận diện
Chị Hoàng Hà (Hà Nội) cho biết: “Bản thân hồ Gươm đã có những di sản văn hóa lịch sử như tháp Bút, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn... Điều nên làm là giữ cho hồ sạch sẽ, tăng cường chăm sóc ảnh quan, trồng cây xanh, trồng hoa để hồ trở thành điểm tham quan đẹp của thủ đô”.
Anh Tuấn Hùng (TP.HCM) cho rằng muốn thể hiện sự tôn kính hay niềm tin thiêng liêng vào các truyền thuyết của dân tộc, không nhất thiết phải đúc tượng to lớn. Chỉ cần câu chuyện, nhân vật đó thật sự mang những giá trị ý nghĩa thì lòng dân sẽ không bao giờ quên.
Những vị trí dự kiến đặt tượng rùa vàng tại hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội |
Thường thấy tượng rùa ở đền chùa
TS Lý Tùng Hiếu (khoa văn hóa học ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết rùa là linh vật xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử văn hóa VN từ hình tượng thần Kim Quy giúp xây thành Cổ Loa đến rùa vàng mang gươm báu giúp Lê lợi đánh đuổi giặc Minh.
Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý: “Hình tượng rùa thường xuất hiện trong các đền thờ, chùa, miếu thể hiện sự trang trọng, trường tồn: rùa cõng hạc, rùa đội văn bia…”.
ThS Nguyễn Thu Thủy (khoa du lịch học Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG Hà Nội) bày tỏ lo ngại tượng rùa khó trở thành biểu tượng của Hà Nội vì khi nhắc đến thủ đô, nhiều người vẫn nghĩ đến đến hình tượng con rồng - gắn với tên gọi Thăng Long. Hình tượng rùa sẽ làm không ít người liên tưởng tới sự thiếu năng động, thiếu trẻ trung.
Một chuyên gia về kiến trúc, cảnh quan cho biết rùa là hình tượng thường được thấy tại các công trình với vai trò là vật đỡ. Hình dáng rùa thấp và dẹp ngang nên nếu mang tượng rùa đặt tại không gian công cộng như tại hồ Gươm sẽ gây rất nhiều khó khăn trong việc thiết kế và tìm kiếm vị trí phù hợp.
Cần nhiều thảo luận, lấy ý kiến cộng đồng
Mẫu phác thảo rùa vàng hồ Hoàn Kiếm 2 |
Theo nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa TS Nguyễn Nhã, nhiều người e ngại chuyện đúc tượng là vì thời gian qua các dự án đúc tượng, xây tượng tốn kinh phí lớn nhưng hiệu quả mang lại không cao.
Ông Nhã cho rằng: “Tháp Rùa là công trình thời Pháp, nếu tương lai có tượng rùa vàng thì cũng hay, có ý nghĩa về cả mặt lịch sử, văn hóa lẫn du lịch. Nhưng cần phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng”.
GS.TS Đỗ Quang Hưng (ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận xét: “Nhìn tổng quát về ý tưởng thì có thể ủng hộ vì các tượng đài ở VN hiện nay đa phần chỉ là tượng nhân vật lịch sử, chưa phát huy được nhiều về giá trị văn hóa, mỹ thuật. Tuy nhiên, điều lưu ý là phải đạt được sự đồng thuận của người dân và giới nghệ thuật, lịch sử, điêu khắc, kiến trúc...".
Chỉ một pho tượng, khó trở thành biểu tượng nhận diện Ở nước ngoài khi có một công trình tượng đài, họ có cả một hệ thống dịch vụ, hoạt động để phát huy giá trị của công trình ấy. Ví dụ như các hình thức quà lưu niệm có hình ảnh công trình, tổ chức hoạt động vẽ tranh cho thiếu nhi tại công trình… Có như vậy thì tính ghi nhớ, tính lan tỏa của công trình mới cao và mang lại sự phát triển về mặt kinh tế. Thủ đô đang cần không gian công cộng, cộng đồng sinh hoạt rộng rãi - thứ mà thủ đô đang còn thiếu. |
Mời bạn đọc nghe các phát biểu:
>> ThS Nguyễn Thu Thủy
>> TS Lý Tùng Hiếu
>> TS Nguyễn Nhã
>> GS.TS Đỗ Quang Hưng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận