tặng áo phao cho ngư dân - Ảnh: ĐỨC ĐỊNH
Gắn bó với ngư dân mấy năm nay, đại úy Đào Quang Thực (35 tuổi, chính trị viên tàu Cảnh sát biển 8001 - Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3) có không ít kỷ niệm với những người bạn đồng hành đặc biệt trên biển.
Hiện diện kịp thời
Một lần khi đang tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng khu vực gần giáp với vùng biển Indonesia, tàu 8001 gặp một tàu cá Việt Nam. Khi nhìn thấy tàu Cảnh sát biển Việt Nam, một số ngư dân trên tàu cá vẫy tay, vẫy áo ra tín hiệu cầu cứu.
"Chúng tôi biết là bà con có việc cần đến mình nên hạ xuồng, cho người qua tìm hiểu mới biết một ngư dân khi thao tác đánh bắt cá bị dây tời đánh vô chân. Ở ngoài biển không có thuốc men, ngư dân chỉ sát trùng bằng nước biển nên vết thương bị nhiễm trùng, lở loét đã mấy ngày" - đại úy Đào Quang Thực kể.
Lực lượng quân y của tàu 8001 đã được đưa sang tàu cá sơ cứu cho ngư dân. Nhận thấy vết thương của ngư dân rất nặng, đã hoại tử, nếu không đưa về bờ kịp sẽ phải cắt bỏ cả chân, ban chỉ huy tàu 8001 báo cáo và xin phép chỉ huy đưa ngư dân về Côn Đảo điều trị. Nhờ có sự hiện diện kịp thời của cảnh sát biển mà ngư dân ấy giữ được đôi chân lành lặn.
Sau một thời gian đồng hành cùng ngư dân, mình vui vì thấy sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân cao hơn. Ngày trước họ thấy cảnh sát biển là sợ, chạy ra xa, còn sau này thì đến gần, mừng rỡ.
Đại úy Đào Quang Thực
"Đa số ngư dân là người làm công ăn lương, đánh bắt cho chủ tàu - đại úy Thực cho hay - Bây giờ đi đánh bắt xa bờ, các chủ tàu tiết kiệm xăng dầu nên hạn chế đi về nhiều lần. Thường những người đi làm thuê phải ở trên biển 6-7 tháng mới được về một lần.
Cứ một, hai tháng có tàu ra thu gom về, mang thực phẩm ra. Chủ cấp cho bao nhiêu thì họ có bấy nhiêu nên thiếu thốn nhiều. Khi gặp họ trên biển, mình sang hỏi có khó khăn gì thì hỗ trợ".
Đại úy Thực cho biết ngư dân thường bị thiếu nước ngọt, gạo và rau xanh. Với dân đi biển, nước ngọt và rau xanh rất quý. Khi tàu đi biển, lượng lương thực thực phẩm đã được chuẩn bị theo chế độ.
Nhưng khi gặp ngư dân, nghe bà con xin gạo, nước ngọt, các cán bộ chiến sĩ cảnh sát biển không đành lòng, nhín ăn nhín uống lại một chút chia sẻ với bà con. Có khi tàu gần hết lương thực thực phẩm, anh em cán bộ chiến sĩ vẫn sẵn sàng nhường rau xanh, nước ngọt cho bà con. Có lúc chỉ là một bịch ớt đã để tủ lạnh lâu ngày, nhưng ngư dân mừng cảm ơn rối rít.
Gặp trường hợp ốm đau, quân y sang khám chữa bệnh, phát thuốc, động viên bà con ngư dân mau khỏi bệnh. Có những tàu cá máy móc bị hỏng, thiếu thiết bị, cảnh sát biển cử nhân viên máy giỏi nhất sang sửa giúp bà con.
"Nhiều khi chỉ một đường ống nhỏ, một chi tiết máy móc, mình sang lắp, thay giúp. Trên biển không có sẵn, nếu không gặp mình bà con phải quay về rất vất vả và tốn kém. Đồng hành cùng ngư dân là như vậy, xuất hiện khi họ khó khăn và cần mình hỗ trợ" - đại úy Đào Quang Thực nói.
Anh chàng sĩ quan sạm nắng gió đại dương trải lòng: "Biển rộng lớn mênh mông. Mình cũng dựa vào ngư dân để nắm thông tin tình hình.
Mỗi ngư dân là một cột mốc sống trên biển. Bạn cứ hình dung ra biển mênh mông bao la, thấy tàu cá có lá cờ đỏ sao vàng là thấy Tổ quốc, ấm lòng lắm.
Càng nhiều tàu cá thì càng nhiều cột mốc sống bảo vệ chủ quyền. Thấy sự hiện diện của mình bà con cũng yên tâm bám biển. Mình cho bà con biết tọa độ của vùng biển Việt Nam, tuyên truyền bà con không sang vùng biển nước ngoài đánh bắt gây ảnh hưởng đến uy tín quốc gia".
Nhiều hoạt động đa dạng
Mô hình "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân" có nhiều hoạt động đa dạng: tổ chức chương trình "Chung tay làm sạch biển", trồng cây xanh, huấn luyện kỹ năng sơ cứu người bị đuối nước cho ngư dân, tặng tủ thuốc miễn phí cho ngư dân; tặng cờ, tặng phao cứu sinh và các ngư cụ cho ngư dân hành nghề trên biển...
Mỗi năm, Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3 tổ chức ở một địa phương mà đơn vị quản lý: đảo Phú Quý (Bình Thuận), xã Ninh Vân (Khánh Hòa), huyện Cần Giờ (TP.HCM), huyện Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Nhận thức của ngư dân tăng lên
Những việc làm của tàu 8001 là một trong những hoạt động của mô hình "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân". Đại tá Đinh Quốc Ruân (phó chính ủy Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 3) cho biết ngay từ khi thành lập (năm 1998), cảnh sát biển đã có nhiều hoạt động gắn kết, đồng hành, bảo vệ ngư dân, nhưng đến năm 2017 mới nâng cấp thành mô hình "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân".
"Khi tổ chức ở đâu thì chúng tôi khảo sát xem ngư dân cần gì rồi vận động cán bộ, chiến sĩ cảnh sát biển đóng góp, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội ngay tại địa phương đó... chung tay với cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân" - đại tá Đinh Quốc Ruân nói.
Ông nhấn mạnh: "Quan trọng nhất là đồng hành về hoạt động khai thác thủy hải sản trên biển. Cảnh sát biển thường xuyên tuyên truyền cho ngư dân hiểu biết, nắm vững về chủ quyền quốc gia trên biển, ý thức tôn trọng Luật biển Việt Nam, Luật biển quốc tế; hiểu rõ về ranh giới tọa độ các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, tuyên truyền cho ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài khi đánh bắt hải sản".
Đại tá Đinh Quốc Ruân phấn khởi cho hay thời gian qua, mô hình này đã cho thấy hiệu quả rất rõ rệt. "Nhận thức của ngư dân về luật pháp trên biển cao hơn trước. Khi ngư dân hiểu và nắm được luật biển, họ chấp hành đúng pháp luật.
Khi chấp hành đúng rồi thì cùng với cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tốt hơn. Nhận thức của ngư dân tăng lên, thông tin của ngư dân cung cấp cho cảnh sát biển cũng nhiều hơn. Ngư dân là tai mắt, là những cánh tay nối dài đến các vùng biển của cảnh sát biển.
Nhờ có bà con ngư dân mà cảnh sát biển đã phát hiện nhiều vụ việc tàu nước ngoài vi phạm pháp luật" - đại tá Đinh Quốc Ruân nói.
"Chú cảnh sát biển ơi..."
Tiếp xúc nhiều, gắn bó với ngư dân, đại úy Đào Quang Thực chia sẻ: "Sau khi được cảnh sát biển tuyên truyền phổ biến pháp luật, bà con tin tưởng, nghe và thực hiện theo, chấp hành tốt pháp luật nhà nước. Khi thấy có gì lạ, bà con cũng gọi báo: các chú cảnh sát biển ơi, các anh cảnh sát biển ơi, có tàu này tàu kia.
Cách bà con gọi mình rất tôn trọng và tin tưởng. Sau thời gian đồng hành cùng ngư dân, mình vui vì thấy sự hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân cao hơn. Ngày trước họ thấy cảnh sát biển là sợ, chạy ra xa, còn sau này thì đến gần, mừng rỡ".
Người sĩ quan trẻ cho biết nhìn thấy hình ảnh khắc khổ của bà con ngư dân, anh thấy thương người dân bám biển.
"Ngư dân quý cảnh sát biển lắm - đại úy Đào Quang Thực mỉm cười nói - Ngoài giờ làm việc cho chủ, họ tranh thủ câu con cá, con mực phơi mang về cho vợ con thì họ lấy đó tặng cho mình.
Có những lúc tàu mình neo đậu, thả trôi bảo vệ tàu cá ngư dân. Bà con ghé qua cho con cá, con mực. Những buổi tối không sang được, bà con bật loa lên hát vọng cổ, hát cải lương cho mình nghe.
Dân miền Tây hát đờn ca tài tử hay lắm. Tàu mình nhiều lần được bà con ngư dân hát qua máy bộ đàm cho nghe. Đó là những tình cảm rất quý".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận