Con đường lầy lội ngày mưa |
Cách đây 7 năm, cô Nguyễn Thị Kim Loan chuyển công tác từ trường tiểu học thị trấn Trà Xuân về trường tiểu học số 1 Trà Sơn, xã đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi), theo Nghị quyết 30A của Chính phủ.
Ngôi trường mới có một khu chính và năm điểm lẻ. Hội đồng giáo viên đa số là giáo viên lớn tuổi, số khác là giáo viên trẻ có con nhỏ và giáo viên ở độ tuổi sinh đẻ. Vì thế, cô đã tình nguyện đăng ký dạy ở điểm thôn Tây xa nhất của trường.
Khi nắng "hòn đá nổi", khi mưa lầy lội
Muốn đến điểm dạy thì phải đi bộ 15km từ điểm chính trên con đường lầy lội, trơn trượt, dốc đá quánh đặc bùn đất như muốn khóa chân người. Đường đi dốc đá rất khó khăn nhất là những ngày mưa to gió lớn, nhiều lúc chỉ cần vô ý sẩy chân là mất mạng vì đường đi nằm vắt vẻo trên sườn núi, phía dưới là vực thẳm sâu hun hút.
Con đường này khi nắng thì “hòn đá nổi” làm trượt bánh xe, khi mưa thì lầy lội vì vậy muốn đi xe thì việc ngã là cơm bữa.
Cơ sở vật chất nơi đây khá nghèo nàn, trường lớp đơn sơ, với cái nắng gay gắt, cái mưa giông xối xả, làm cho xứ sở nơi đây càng thêm ảm đạm. Các học sinh tại điểm trường này đều là người đồng bào dân tộc Kor sinh sống rải rác trên các sườn đồi núi với phong tục tập quán và ngôn ngữ khác biệt.
Đa phần các gia đình nơi đây đều có hoàn cảnh khó khăn nên việc học tập của các em chưa được quan tâm khi mà cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn. Do đó, khi bắt tay vào giảng dạy, cô luôn gặp trở ngại vì học sinh nói không rõ tiếng phổ thông, nhiều em không qua mẫu giáo, rất nhút nhát, rụt rè trong giao tiếp.
Chia sẻ cùng Thầy Cô” đã tiếp thêm sức mạnh cho giáo viên cắm bản chúng tôi, cho chúng tôi thêm niềm tin và động lực giảng dạy - chăm sóc để các em ở vùng cao, vùng xa có đủ hành trang, kiến thức bước tiếp các bậc học sau này. |
Cô NGUYỄN THỊ KIM LOAN |
Đến từng nhà trò chuyện
Trước tình hình ấy, cô bàn bạc với bí thư Chi bộ thôn, thôn trưởng nơi mình công tác để có cách phối hợp nhịp nhàng giữa giáo viên chủ nhiệm, địa phương, gia đình vận động học sinh đi học đầy đủ.
Cô bắt đầu cùng với Bí thư, thôn trưởng, phân hội trưởng phân hội phụ huynh của lớp băng rừng, lội suối, leo vách đá cả ngày mang trên lưng mình mì tôm, bánh kẹo, dụng cụ học tập… đến từng nhà nói chuyện, trò chuyện, gần gũi với phụ huynh để tuyên truyền, thuyết phục họ quan tâm, đốc thúc con em mình đến trường.
Tuy rằng vất vả nhưng chính từ việc tạo quan hệ thân thiết với bà con thôn bản đã khiến họ tin tưởng, nghe theo cô tạo điều kiện cho con em họ đi học đầy đủ.
Song song chương trình chính khóa, vào những buổi chiều, buổi tối cô Loan ở lại tăng cường dạy tiếng Việt cho các em. Phương châm của cô là để các em cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, học mà chơi, chơi mà học.
Những lúc giải lao, cô lại học hỏi từ các em học sinh tiếng Kor, phong tục tập quán của đồng bào nơi đây để có thể áp dụng giảng dạy song ngữ và cũng là để thân thiết, quen thuộc hơn với nếp sinh hoạt văn hóa của cư dân nơi đây. Buổi sáng là cô giáo, buổi chiều cô Loan là cha, là mẹ, ban đêm cô là chỉ huy một tiểu đội bé nhỏ.
Có những thứ 7, chủ nhật cô ở lại làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, cùng với phụ huynh học sinh cuốc đất, trồng rau để các em ở lại trường có cái ăn. Tranh thủ những lúc rảnh rỗi, cô trò trồng hoa, trang trí lớp học, giáo dục kỹ năng sống, đạo đức cho các em.
Cứ như vậy đám học trò nào mà cô chủ nhiệm ngày nào cũng quấn quýt bên cô: “Cô ơi, cô ăn cơm chưa? Cô ơi, học bài chưa? Cô ơi! Mình đi ngủ hả cô”…
Nhiều lúc thương, cô không quản ngại vất vả đến dạy học trên con đường dốc đá lởm chởm, các em với bàn tay nhỏ nhắn của mình đã kê hòn đá bị kênh lại để cô giáo dễ đi hơn. Sự yêu mến của các em chính là niềm vui và nguồn động lực để cô quên đi vượt qua nỗi nhớ nhà và muôn vàn khó khăn trong hành trình “gieo chữ” nơi rẻo cao. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, các em học sinh lớp cô đã biết đọc thông viết thạo sau khi hoàn thành chương trình lớp 1.
Cứ thế rồi một năm, hai năm trôi qua, phụ huynh nơi đây tha thiết yêu cầu cô giáo Loan ở lại. Nhìn các em ngây thơ, rụt rè nhút nhát cứ bẽn lẽn nép mình bên cửa lớp, cô Loan càng không thể rời xa nơi này.
Trong 5 năm gắn bó với giáo dục tại điểm lẻ thôn Tây, thành tích mà lớp cô Nguyễn Thị Kim Loan đã tiến xa vượt bậc, tỉ lệ học sinh hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học chiếm đến 70%, nhiều em thi đậu vở sạch chữ đẹp các cấp, đạt học sinh giỏi cấp trường, huyện, tỉnh…Với sự nỗ lực, bản thân cô đã được UBND huyện Trà Bồng và Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đã tặng nhiều giấy khen nhiều năm liền. Và câu chuyện của Cô giáo Nguyễn Thị Kim Loan mang con chữ đến cho huyện nghèo Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa cô đến với chương trình “Chia sẻ cùng Thầy Cô” do TƯ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức. Cô là một trong 64 gương giáo viên tiêu biểu được vinh danh trong buổi lễ tuyên dương vào ngày 12-11 tại Hà Nội sắp tới. Khi tận mắt chứng kiến đời sống khó khăn của các giáo viên cắm bản và trẻ em vùng sâu, vùng cao phía Bắc, Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Long - xúc động: Tôi thực sự xấu hổ khi nhìn thấy thực tế khó khăn của thầy cô giáo cắm bản và của các cháu học trò tại những vùng đất hoang vu này. Tôi thấy mình đầy đủ quá! Và cũng thấy rằng mình đã lãng quên quá nhiều điều cần phải làm cho thầy cô giáo trong thời gian qua". Để tìm hiểu về chương trình “Chia sẻ cùng Thầy Cô”, truy cập website www.chiasecungthayco.com |
Dạy học, dạy rèn luyện thể chất |
Dạy học sinh kỹ năng sống thông qua làm vườn |
Con đường này khi nắng thì “hòn đá nổi” làm trượt bánh xe, khi mưa thì lầy lội vì vậy muốn đi xe thì việc ngã là cơm bữa. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận