Kiểm tra xe tải lưu thông trên đường Mai Chí Thọ (Q.2, TP.HCM) có dán "bùa xe vua" - Ảnh: Hữu Khoa |
Đây là những bạn đọc có tâm nguyện làm sáng tỏ những vấn đề còn khuất tất trong xã hội như chuyện bị gạ mua điểm tốt nghiệp, chuyện mua bán logo “xe vua”, chuyện đối xử với khách hàng mỗi khi bị đứt cáp viễn thông, cũng như chuyện một người bị chết khi có vụ vây bắt một trường gà ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Hi vọng người sau không bị làm khó dễ
Kể về việc cung cấp thông tin, băng ghi âm trong vụ “Muốn bằng khá phải 5 chai trở lên” (Tuổi Trẻ ngày 26-4-2015) cho Tuổi Trẻ, bạn đọc là học viên Trường trung cấp Y - dược Hà Nam phân hiệu 2 tại Đắk Lắk cho biết:
“Tôi thi tốt nghiệp, làm bài thấy tốt nhưng chỉ được chấm 3 điểm. Sau đó, một người ở phòng đào tạo nhà trường gọi điện cho tôi đặt thẳng vấn đề muốn tốt nghiệp trung bình thì “3 chai”, còn bằng khá phải “5 chai” (tức 5 triệu đồng).
Khi ấy tôi chẳng biết phải làm sao. Tôi vừa học vừa làm, nếu không có tiền thì mọi cố gắng coi như chẳng được gì cả. Vị cán bộ phòng đào tạo cứ gọi điện giục tôi suốt.
Chẳng biết làm sao, tôi đành ghi âm lại những lời đòi hỏi này với suy nghĩ đơn giản là ghi âm làm bằng chứng cho mình sau này”.
Theo học viên này, sau nhiều đêm suy nghĩ và nghe bạn bè cùng lớp nói rất nhiều về việc mua bán điểm ở trường mình, bạn quyết định đưa sự việc đến báo chí.
“Tôi gọi điện đến đường dây nóng báo Tuổi Trẻ với mong muốn đòi lại công bằng cho mình và những học viên khóa sau không còn bị làm khó dễ như tôi nữa.
Tôi chọn Tuổi Trẻ vì tôi biết đây là tờ báo uy tín và luôn đấu tranh trước những cái xấu, cái bất công trong xã hội. Ngay hôm ấy, phóng viên gọi điện hẹn gặp và tôi kể lại toàn bộ sự việc”.
Sau khi báo đăng câu chuyện này, Trường trung cấp Y - dược Hà Nam đã cho thôi việc cán bộ ra giá bán điểm cho học viên và nhà trường đã chấm phúc khảo lại bài thi tốt nghiệp của bạn.
“Tôi chỉ mong trường chấm đúng năng lực bài thi của tôi. Bài thi có hai câu và tôi thấy mình làm tốt. Sau hai năm cố gắng, tôi mong sớm có tấm bằng để đi xin việc làm” - học viên này tâm sự.
Công bằng cho kinh doanh vận tải và người tiêu dùng
Bạn đọc H.H.M. là một người từng hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải từ những năm 1990. Ông cho biết ngày đó tệ mua bán logo “xe vua” cũng có, ông và một số tài xế chở đúng tải đã phải điêu đứng vì không thể cạnh tranh với những xe quá tải khác, đường sá cũng hư hỏng rất nhiều.
Nay tuy đã giải nghệ nhưng ông vẫn có mối quan hệ với giới xe tải và qua tiếp xúc, trò chuyện cũng như âm thầm theo dõi, ông nhận ra tình trạng này còn phổ biến hơn trước.
Chính vì thế ông đã gọi cho đường dây nóng báo Tuổi Trẻ báo tin và cùng phóng viên thâm nhập thực tế.
Sau khi bài báo “Mua bán logo xe vua” (Tuổi Trẻ ngày 25-4) được đăng tải, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị chỉ đạo tổ chức điều tra, xử lý theo thẩm quyền việc mua bán logo không rõ nguồn và đang có hàng trăm loại logo được coi là dấu hiệu của "xe vua”...
“Nắm bắt tình hình sau khi báo đăng, tôi thấy việc mua bán logo có vẻ lắng dịu. Chỉ mong sao hai bộ Giao thông vận tải và Công an phối hợp xử lý triệt để tình trạng này, mang lại sự minh bạch trong vận chuyển hàng hóa.
Không thể vì “cái bùa hộ mệnh” kia mà để các “xe vua” chạy quá tốc độ, quá tải trọng, gây thiệt thòi cho những người kinh doanh vận tải tuân thủ đúng quy định” - ông M. bày tỏ.
Cũng đòi sự công bằng, tác giả Lê Quang Kiệt đã gửi đến Tuổi Trẻ bài viết “Đứt cáp, đứt cả niềm tin khách hàng” (Tuổi Trẻ 25-4).
“Cáp quang AAG bị đứt nhiều lần, mỗi lần đường truyền Internet bị gián đoạn là ảnh hưởng không nhỏ đến công việc, cuộc sống của người dân.
Thế nhưng, chưa lần nào các công ty viễn thông chủ động nhắn tin thông báo cho khách hàng của mình cũng như có động thái bồi thường thiệt hại, giảm cước phí một cách công bằng với các “thượng đế” của mình.
Anh viết vấn đề này với mong muốn các nhà cung cấp dịch vụ phải nâng cao trình độ kỹ thuật và thay đổi cung cách phục vụ khách hàng, chứ không thể để người tiêu dùng bực bội và cảm thấy bất công khi vẫn phải đóng phí hằng tháng mà chất lượng mạng cứ chập chờn như vậy” - tác giả Lê Quang Kiệt bày tỏ.
Và mong muốn này đã được rất nhiều sự đồng tình từ phía độc giả. Hầu hết ý kiến phản hồi bài viết đều mong muốn các nhà mạng cần sòng phẳng hơn với người tiêu dùng, phải giảm cước cho khách hàng cũng như có sự thông báo kèm lời xin lỗi chứ không nên im lặng như hiện nay.
Ba lần báo tin cho Tuổi Trẻ Giải thưởng "Làm báo cùng Tuổi Trẻ" tháng 4-2015 cũng được trân trọng trao đến chị H.T.B.P., phóng viên của một cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Chị là người đã báo tin hai chiếc máy bay SU-22 gặp nạn trên vùng biển Phú Quý (Bình Thuận), thông tin này đã được Tuổi Trẻ đăng ngày 17-4 và cập nhật liên tục cho bạn đọc theo dõi về tiến trình cứu nạn. Đây là lần thứ ba chị P. báo thông tin nóng cho Tuổi Trẻ. “Tôi thường đọc báo Tuổi Trẻ. Báo cũng đăng nhiều thông tin kịp thời, tôi tin tưởng báo nên hay báo tin về đây” - chị P. nói. Ngoài ra, giải thưởng cũng được trao đến một bạn đọc ở Cà Mau cung cấp tin “Súng nổ khi đột kích trường gà, một người tử vong” (Tuổi Trẻ Online ngày 18-4). Sau thông tin này, chiều 21-4 một lãnh đạo Công an huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) xác nhận đã khởi tố vụ án liên quan đến việc công an vây ráp đá gà làm một người chết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận